Điều đáng nói là, do lãi suất được thỏa thuận giữa người vay và người cho vay nên thị trường tín dụng đen hoạt động khá công khai, và thường chỉ bị các cơ quan chức năng xử lý khi phát sinh tranh chấp hoặc có dấu hiệu vi phạm hình sự.
Hệ lụy khó lường của tín dụng đen
Bộ Công an cho biết, các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" thường hoạt động núp dưới vỏ bọc là các cơ sở kinh doanh, hội nhóm như các cơ sở cầm đồ, cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, công ty tài chính, các tổ chức tín dụng hoạt động biến tướng dưới mọi hình thức huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu với lãi suất cao, các cơ sở, cá nhân có biểu hiện huy động vốn với lãi suất cao bất thường chơi hụi, họ, phường… hoặc góp vốn dưới hình thức kinh doanh đa cấp.
Không chỉ vậy, một số đối tượng, cơ sở lợi dụng hình thức cho vay trực tuyến, vay online thông qua các trang mạng, mạng xã hội, ứng dụng di động để quảng cáo, tiếp cận, mời chào người có nhu cầu vay để cho vay với lãi suất rất cao.
Cũng theo Bộ Công an, trong khoảng 4 năm gần đây, trên toàn quốc xảy ra khoảng 7.624 vụ phạm tội liên quan đến "tín dụng đen", trong đó có nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản…
Rất nhiều gia đình đã tan cửa, nát nhà, bị đánh đập, hăm dọa, cắt cóc, chiếm đoạt tài sản khi không trả được nợ song hiện nay quy định của pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm tín dụng đen vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Tín dụng đen không chỉ gây ra hậu quả nặng nề của người đi vay mà còn dẫn đến tình trạng người dân thiếu hiểu biết, đưa tiền cho những đối tượng trung gian với mong muốn được trả lãi suất cao nhưng không có gì đảm bảo dẫn đến tình trạng vỡ nợ dây truyền, mất cả vốn lẫn lãi.
Có nhiều nguyên nhân của việc nạn tín dụng đen có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Mặc dù hàng năm Ngân hàng Nhà nước đã tăng hạn mức cấp tín dụng cho thị trường từ 14-20% để cung ứng dòng vốn ra thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của các cá nhân, tổ chức pháp nhân. Mặc dù vậy, lượng tín dụng này vẫn chưa thể “thỏa mãn” nhu cầu tín dụng của người dân.
Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen
Để từng bước đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen, sự ra đời của các công ty tài chính tiêu dùng là một xu thế tất yếu. Ngoài việc là một trong những phương tiện tốt nhất giúp cho người dân có thể tích lũy được tài sản, các định chế về tài chính tiêu dùng còn là một trong các tác nhân tốt để hạn chế cho vay nặng lãi trong nền kinh tế.
Trên thực tế, sự phát triển của công ty tài chính trong cho vay tiêu dùng đã đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng từ trước tới nay không với tới được các gói vay của ngân hàng thương mại do không đủ điều kiện vay vốn. Yếu tố này được xem là góp phần đem lại tác động tích cực cho xã hội thông qua việc nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt những người có thu nhập thấp, không có lịch sử tín dụng, đồng thời kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, sở dĩ tín dụng đen vẫn phát triển trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên là thói quen lâu nay nếu có khó khăn thì có thể vay tạm thời, vay nóng ở chỗ này, chỗ kia mà chưa lường được những rủi ro, hệ lụy sau này, nhận thức của họ về tài chính ngân hàng ở nước ta vẫn còn hạn chế, nên khi có khó khăn thì lại hay nghĩ đến nguồn vốn tín dụng đen. Nguyên nhân thứ hai là tín dụng chính thức vẫn còn khó tiếp cận ở một số nơi, một số chỗ.
Đồng quan điểm với nhiều chuyên gia cho rằng, hình thức cho vay chính thức như cho vay tiêu dùng sẽ tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân, góp phần làm giảm tệ nạn tín dụng đen, chuyên gia Cấn Văn Lực phân tích:
“Tín dụng có 2 loại là tín dụng chính thức và tín dụng không chính thức. Tín dụng không chính thức có tín dụng đen nhưng cũng có những loại có thể xem xét chấp nhận như vay của bạn bè, người thân, vay trong gia đình. Đối với tín dụng tiêu dùng hoặc phạm vi nhỏ hơn là tài chính tiêu dùng thì chúng ta có nhiều cách để thúc đẩy phát triển.
Thứ nhất là, tăng cường nâng cao hiểu biết của người dân, của doanh nghiệp về dịch vụ tài chính ngân hàng.
Thứ hai là, chúng ta tăng cường ứng dụng công nghệ để người dân có thể tiếp cận qua các kênh khác nhau như công nghệ, fintech, cho vay trên nền tảng công nghệ để người dân tiếp cận dễ dàng hơn với chi phí thấp hơn.
Thứ ba là, cần có kênh phân phối phù hợp hơn, không nên phát triển tràn lan nhưng phải đảm bảo hợp lý hơn đến các vùng nông thôn, sâu xa. Cần phải yêu cầu các tổ chức tín dụng thiết kế các sản phẩm phù hợp hơn với người dân, đặc biệt phải giảm thiểu thủ tục hành chính để người dân không cảm thấy ngại đi đi vay ở các tổ chức tài chính”.
Chuyên gia Lực cho biết thêm, theo luật các tổ chức tín dụng cho phép thỏa thuận về lãi suất. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy rằng áp trần lãi suất khiến cho thị trường khó phát triển và qua đó nó kém đi phần hỗ trợ cho phát triển kinh tế và xã hội.
“Ta nên để lãi suất là thỏa thuận, nhưng chúng ta cũng cần có một số biện pháp quản lý, đặc biệt cần phát triển hệ thống tín dụng chính thức để người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn”, ông Lực nói.