Phát triển bất động sản gắn liền với mục tiêu an sinh xã hội

Phát biểu tại hội thảo  “Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023” do Bộ Xây dựng phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức sáng ngày 14/12, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã bày tỏ quan điểm và nêu hướng đi phát triển lành mạnh cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.

“Cần ổn định nền kinh tế vĩ mô để phát triển thị trường bất động sản một cách an toàn, thuận lợi, gắn liền với mục tiêu an sinh xã hội. Để làm được điều đó, cả 3 chủ thể tham gia thị trường đều phải có trách nhiệm, bao gồm: Cơ quan quản lý Nhà nước; các doanh nghiệp - nhà đầu tư; người dân. Từ đó, mới có thể đạt hiệu quả cao trong các mục tiêu chung đề ra và củng cố niềm tin trong nhân dân”, TS. Nguyễn Văn Khôi nhìn nhận và đánh giá.

TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Theo đó, tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Khôi đã nêu một số đề xuất và kiến nghị để đi từ lý thuyết đến hành động thực tiễn:

Thứ nhất, đề nghị sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các chính quyền địa phương trong bối cảnh chờ Luật Đất đai sửa đổi.

“Hiện tại Chính phủ đã thành lập Tổ công tác rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi đề nghị các địa phương, chính quyền các tỉnh thành hãy thống kê từng dự án, liệt kê ra các khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị giải pháp. Nếu thuộc thẩm quyền các bộ, ngành trong tổ công tác thì bộ, ngành trong tổ công tác sẽ quyết định. Còn nếu vượt quá ngưỡng thẩm quyền thì Chính phủ sẽ giải quyết, vượt quá nữa thì nêu vào dự thảo sửa luật để trình lên Quốc hội. Tất cả đều phải vào cuộc, nhưng hãy bắt đầu từ chính quyền địa phương”, TS. Nguyễn Văn Khôi cho hay.

Thứ hai, về vấn đề tháo gỡ khó khăn nguồn vốn cho các doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại. Từ góc độ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Khôi nêu kiến nghị cần tập trung vào những dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, cho người lao động, nhà ở phù hợp với thu nhập người dân và những dự án đang hoàn thiện, sắp đưa vào sử dụng.

Thứ ba, cần có sự tác động, hỗ trợ từ các địa phương để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, từ đó mới có thể đưa dự án nhanh chóng đi vào hoạt động.

Thứ tư, cần nâng cao trách nhiệm của các công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước đối với việc giải quyết các khâu thủ tục hành chính trong đầu tư và giải phóng mặt bằng.

Doanh nghiệp đang rất cần sự giúp đỡ từ phía Nhà nước 

Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đưa ra dự đoán khi nhìn nhận về thị trường trong năm tới: “Tôi đánh giá thị trường xây dựng và bất động sản trong năm 2023 sẽ phát triển mạnh ở các lĩnh vực như xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Bên cạnh đó, những dự án nhà ở đô thị đang triển khai dở dang, những công trình công nghiệp đem lại nguồn việc lớn cho các doanh nghiệp xây dựng, những dự án đầu tư công, những dự án hạ tầng sẽ là triển vọng cho năm 2023 của ngành Xây dựng”.

 Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Tuy nhiên, theo ông Hải, các doanh nghiệp đang rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ từ phía Nhà nước. Ông Hải cho rằng đại dịch Covid-19 và tiếp đó là chiến tranh ở Ukraine đã khiến ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề, từ đó đã có những tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản trong thời gian dài.

“Không doanh nghiệp bất động sản nào có thể gánh nổi khoản nợ trong thời gian dài như thế khi các khoản vay chỉ có thời hạn 3 - 5 năm phải trả, trong khi các dự án lại không thể khai thác do biến cố bất ngờ. Các doanh nghiệp địa ốc đã không thể lường trước được những biến cố này và việc điều chỉnh thị trường theo cơ chế tự động cũng sẽ không thể giải quyết được tận gốc vấn đề. Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước”, ông Hải nhấn mạnh.

Đưa ra giải pháp cho các doanh nghiệp, TS. Nguyễn Văn Khôi cho rằng các doanh nghiệp ngoài việc chủ động quản trị, điều chỉnh mục tiêu linh hoạt để vượt qua khó khăn thì cũng cần phải tính đến các phương án giảm chi phí giá thành, giảm giá bán, thậm chí chấp nhận giảm lợi nhuận để có thể tiếp cận được những đối tượng có nhu cầu thực về nhà ở. TS. Nguyễn Văn Khôi đề xuất các doanh nghiệp bất động sản có thể xem xét, cơ cấu lại sản phẩm; ví dụ phân khúc nhà ở thương mại đang xây thô cũng có thể xin chuyển sang thành dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà tái định cư… nếu thấy phù hợp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp và các địa phương cũng cần xem xét, nghiên cứu và điều chỉnh theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, được ban hành ngày 28/5/2022. Trong Nghị định có nêu rõ cần chú trọng phát triển nhà ở công nhân và các dịch vụ tiện ích đi kèm để phục vụ cho người lao động tại các khu công nghiệp.

“Vấn đề lớn nhất là phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân đang thiếu trầm trọng. Tôi cho rằng chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố cần xem xét, điều chỉnh quy hoạch không gian, kế hoạch sử dụng đất và kế hoạch phát triển thị trường bất động sản. Trong đó, phải chú trọng hướng đến phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp. Đây chính là cơ sở tạo sự ổn định trước mặt và lâu dài”, TS. Nguyễn Văn Khôi khẳng định./.

Theo Reatimes.vn

Nguồn: https://reatimes.vn/phat-trien-bat-dong-san-gan-lien-voi-an-sinh-xa-hoi-20201224000016529.html