Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa có ý kiến về kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2020.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT rà soát kỹ lưỡng, thực hiện việc công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2020 theo thẩm quyền, quy định của pháp luật về đất đai và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác, đầy đủ của số liệu hiện trạng sử dụng đất năm 2020 được công bố.

Đồng thời, rà soát, đánh giá sự thống nhất giữa kết quả thống kê và hiện trạng sử dụng đất, những bất cập và nguyên nhân chủ yếu trong công tác thống kê, kiểm kê và quản lý, sử dụng đất đai tại các địa phương.

Trên cơ sở đó, chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý kịp thời, nhằm bảo đảm sử dụng hiệu quả, không lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, tháo gỡ khó khăn, phục vụ tốt thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.

Phó Thủ tướng chỉ đạo rà soát, công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2020
Phó Thủ tướng chỉ đạo rà soát, công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2020

Bộ TN&MT cần căn cứ số liệu hiện trạng sử dụng đất đai của cả nước khi hướng dẫn các Bộ: Quốc phòng, Công an trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ 2021- 2030. Và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021- 2025 cấp tỉnh, lập và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021- 2030; tránh để xảy ra các tình trạng sử dụng đất sai mục đích, đất đã giao, đã cho thuê chậm đưa vào khai thác, sử dụng… bảo đảm sử dụng hiệu quả, khơi thông nguồn lực đất đai vào phát triển đất nước.

Về việc giải quyết các khu vực tranh chấp địa giới hành chính cấp tỉnh do lịch sử để lại (trường hợp Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế), Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT và các địa phương, cơ quan có liên quan thực hiện đúng theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 02/TB-VPCP ngày 4/1/2022 của Văn phòng Chính phủ.

Đối với các trường hợp tranh chấp địa giới hành chính cấp tỉnh khác, Bộ TN&MT chủ động đôn đốc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm những bất cập và tồn tại đã phát hiện; báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Bước sang năm 2021, Bộ TN&MT đã hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021). Đây là Quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 trên tất cả các lĩnh vực.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, về quản lý đất đai, công tác thu hồi đất, giao đất được thực hiện kịp thời đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ dự án của các doanh nghiệp, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông,... Vì vậy, năm 2021 mặc dù là năm có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song thu ngân sách từ đất đai vẫn đạt trên 172 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 15% tổng thu ngân sách.

Nguồn thu ngân sách từ đất đai đã góp phần quan trọng để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 2021 (năm 2021, thu ngân sách vượt 10%).

Đồng thời, trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra các dự án, thanh tra kiểm tra việc quản lý sử dụng đất đã tiến hành thu hồi 7.700 ha đất sử dụng không đúng mục đích, chậm đưa vào khai thác, vi phạm các quy định pháp luật để tạo điều kiện cho các địa phương sớm đưa quỹ đất vào khai thác, sử dụng đúng hiệu quả.

Công tác đo đạc bản đồ, cắm mốc để phân định ranh giới các loại đất đã được triển khai bảo đảm hiệu quả, góp phần quan trọng bảo vệ tài nguyên, khoáng sản.

Đặc biệt, là việc thực hiện nhiệm vụ cắm mốc biên giới quốc gia trên đất liền đạt nhiều kết quả rất tích cực. Tới thời điểm hiện nay, Bộ Tài nguyên Môi trường cùng các Bộ, ngành, địa phương liên quan đã hoàn thành phân giới cắm mốc với Trung Quốc, Lào; riêng Campuchia đã hoàn thành 84%. Việc sớm hoàn thành cắm mốc biên giới trên đất liền có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần tạo ra môi trường để phát triển ổn định, hòa bình, hợp tác giữa các quốc gia.

Theo Kinh Tế Môi Trường

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/pho-thu-tuong-chi-dao-ra-soat-cong-bo-ket-qua-thong-ke-dien-tich-dat-dai-nam-2020-64405.html