Từ việc “bắt nạt trực tuyến”, nhiều vụ việc học sinh tìm đánh nhau ngoài đời rồi tung clip lên mạng xã hội. Ảnh: TL

Từ việc “bắt nạt trực tuyến”, nhiều vụ việc học sinh tìm đánh nhau ngoài đời rồi tung clip lên mạng xã hội.

Chuyện không chỉ là online

Chia sẻ về câu chuyện con gái hiện đang học lớp 7 từng bị bạn đe dọa trên mạng xã hội, anh Nguyễn Đức Duy (đường Đê La Thành, Hà Nội) cho biết: “Nghĩ con có nhu cầu giao lưu, học hỏi bạn bè và kết nối với nhau qua mạng xã hội nên tôi cho con hàng ngày sau giờ học có thể dùng Internet để giải trí, kết nối bạn bè… Thế nhưng, đợt rồi vợ chồng tôi tá hỏa khi thấy con rơi vào trạng thái ít nói, hay lén ở trong phòng một mình. Hỏi mãi con mới nói là bị bạn bè từ trêu trọc, tới dọa nạt chỉ vì trót có câu nói bông đùa trên mạng xã hội, phải nhờ giáo viên, giảng hòa mãi con mới được người bạn kia “tha” cho. Từ đó, tôi hạn chế con dùng mạng xã hội và cẩn trọng trước từng lời nói”.

Câu chuyện nói trên của gia đình anh Duy cũng diễn ra khá phổ biến hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn. Thời gian qua, đã không ít các vụ việc đau lòng xảy ra khi học sinh trêu đùa, thách thức trên mạng xã hội mà dẫn đến ẩu đả, thậm chí đã từng có trường hợp học sinh tự tử chỉ vì bị bạn bè trêu chọc, gây sức ép thông qua hình thức trực tuyến. Theo các chuyên gia giáo dục, hình thức này được gọi là “bắt nạt trực tuyến”, khá phổ biến ở xã hội hiện đại, nhưng ít người có thể thấy được tác hại mà thường nghĩ đến đó là “chuyện trẻ con trên mạng”.

Mới đây, TS Trần Văn Công, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) và các cộng sự đã công bố nghiên cứu khảo sát, phân tích thực hiện trên 864 học sinh THCS và THPT năm 2018 trên địa bàn Hà Nội, Nghệ An và Thanh Hóa về vấn nạn “bắt nạt trực tuyến”. Độ tuổi trung bình là 13.67 trong đó giới tính nam chiếm 53,3% và nữ chiếm 46,7%. Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, có 30,6% học sinh bị “bắt nạt trực tuyến” bởi ít nhất 1 hành vi ở mức 2 lần trở lên; 26,7% học sinh có hành vi bắt nạt người khác trực tuyến bởi ít nhất một hành vi ở mức hai lần trở lên.

Theo TS Trần Văn Công, các hành vi “bắt nạt trực tuyến” bao gồm: Gửi các bình luận đe dọa, gây tổn thương thông qua email hoặc tin nhắn; gửi những tin nhắn đe dọa, gây tổn thương; gây hiểu lầm bằng cách giả vờ là người giới tính khác; chế nhạo các bình luận trong nhóm, diễn đàn; chế nhạo người khác trong các nhóm diễn đàn… Kết quả phân tích dữ liệu cũng cho thấy, học sinh bị bắt nạt nhiều nhất là trên mạng xã hội (Facebook, Twitter), tiếp đến là các ứng dụng nhắn tin (Zalo, Viber); các trang chia sẻ hình ảnh, video clip (Youtube, Instagram,…) và qua thư điện tử (gmail).

Chuyện tưởng nhỏ, nhưng tác hại lớn

Về hệ quả của “bắt nạt trực tuyến”, PGS.TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục cho biết, một số trường hợp học sinh có hình thể không được hấp dẫn đã nhận được những bình luận của các bạn, bố mẹ, thầy cô giáo trêu đùa trên mạng. Học sinh ấy không tự tin tham gia các hoạt động xã hội, ăn kiêng, rạch tay chảy máu để giải tỏa áp lực. Cộng với việc học hành sa sút, thậm chí bạn ấy đã nghĩ đến cái chết… Tuy nhiên, bố mẹ không nhận ra vấn đề, cho rằng kết quả học tập không tốt của con là do xao nhãng học tập. Đây chỉ là một ví dụ về hậu quả của việc bắt nạt trên mạng.

NGƯT Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, việc học sinh bị cô lập, tẩy chay, trấn lột đã xảy ra từ khá lâu. Tuy nhiên, gần đây học sinh có xu hướng từ những việc trên mạng xã hội đã ngang nhiên đánh bạn theo kiểu “hội đồng”, quay clip tung lên mạng xã hội để “dằn mặt”.

“Theo tôi, trước việc học sinh bị bắt nạt dù ở hình thức trực tiếp hay trực tuyến thì vai trò của giáo viên là hết sức quan trọng. Là giáo viên, cần tìm hiểu học sinh, nắm bắt được thực tế đang diễn ra trong lớp học mình quản lý, phải là chỗ dựa tin cậy để học sinh tâm sự, từ đó mới đưa ra các giải pháp giúp học sinh. Bên cạnh đó, phụ huynh hàng ngày phải gần gũi con, nắm bắt tâm lý con, nếu có dấu hiệu bất thường nào đó, phụ huynh cần hỏi han để cùng con tháo gỡ, vượt qua”, NGƯT Đặng Đình Đại chia sẻ.

Theo TS Nguyễn Hồng Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng (ĐH Giáo dục) đề nghị, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh phải theo dõi và biết được học sinh, con mình làm gì trên Facebook. Giáo viên chủ nhiệm có thể nhờ một học sinh khác làm “tai mắt” kết bạn trên face với các học sinh. Tuy nhiên, lại có ý kiến chuyên gia đề nghị sử dụng Internet làm công cụ phòng ngừa HS bị bắt nạt trên mạng. Chẳng hạn, trước khi vào website, học sinh phải trả lời một số câu hỏi để biết mình đang ở trong trạng thái bị bắt nạt hay bắt nạt để dừng lại, thay vì chỉ dựa vào trường học.

Từ năm 2015 đến nay, các chuyên gia đến từ ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) có 10 nghiên cứu về bắt nạt trực tuyến, khảo sát trên 5.000 học sinh, giáo viên, chuyên gia. Kết quả cho thấy 24% học sinh THCS và THPT tham gia khảo sát là nạn nhân của ít nhất một hình thức bắt nạt trên mạng. Đến 2016, tỷ lệ này tăng lên 35,7%. Năm 2018, kết quả nghiên cứu tại 3 địa phương là Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa cho thấy gần 34% học sinh THCS, THPT tham gia “bắt nạt trực tuyến” với vai trò khác nhau như nạn nhân, thủ phạm, vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm. Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo khoa học “Chương trình can thiệp bắt nạt trực tuyến dựa vào trường học” diễn ra ngày 2/1 tại Hà Nội.

 

Theo Giadinh.net.vn