“Ở cấp trường phải tham khảo ý kiến của giáo viên trong trường và phụ huynh để khi lựa chọn có sự đồng ý đạt đến mức nhất định thì mới công bố sách giáo khoa được dùng” - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết.
Liên quan đến lựa chọn bộ SGK chương trình lớp 1, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã tiếp nhận sách giáo khoa từ 3 đơn vị đề nghị thẩm định, gồm NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP.HCM. Tổng số có 49 bản mẫu SGK đối với 09 môn học ở lớp 1.
Ngày 21/11/2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký quyết định số 4507/QĐ-BGD&ĐT phê duyệt danh mục SGK lớp 1 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, có 38/49 bản thảo SGK lớp 1 ở tất cả 9 môn/ hoạt động giáo dục (77,70%) được các hội đồng thẩm định đánh giá mức "Đạt"; có 11/49 bản thảo GSK lớp 1 ở 6 môn học/ hoạt động giáo dục (22,3%) được hội đồng thẩm định đánh giá "Không đạt".
Đánh giá chung về các SGK, TS. Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, các cuốn sách đều được tác giả xây dựng công phu, cẩn thận, tâm huyết trên cơ sở tuân thủ định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông, với trọng tâm là chuyển mục tiêu giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực.
Nhiều SGK lớp 1 được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới có quan điểm biên soạn riêng, cấu trúc sách mới, hiện đại, tiếp cận với cách biên soạn sách của các nước tiên tiến trên thế giới nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với điều kiện nhà trường và học sinh tiểu học Việt Nam…
Sắp tới, phụ huynh, giáo viên sẽ tham gia lựa chọn sách của chương trình phổ thông.
Với các SGK "Không đạt", TS. Thái Văn Tài cho biết, hầu hết các tác giả đều có nguyện vọng và gửi đơn (thông qua nhà xuất bản) đề nghị về Bộ GD&ĐT để được tiếp tục chỉnh sửa, biên soạn lại theo góp ý của các Hội đồng và tiếp tục trình thẩm định lại theo quy định. Bộ GDĐT sẽ tổ chức thẩm định các bản mẫu này như thẩm định lần đầu vào tháng 12/2019.
Chia sẻ thêm về lý do chưa đăng tải công khai chi tiết từng bộ SGK đã được phê duyệt, TS. Tài cho biết: "SGK liên quan Luật Xuất bản, Luật Sở hữu Trí tuệ, trong đó có Luật Sở hữu bản quyền, quyền lớn nhất là của tác giả, tiếp đó là nhà xuất bản. Quy định công bố đối với bản sách điện tử, bản PDF sẽ được quy định trong thời gian tới".
Về quy định lựa chọn bộ SGK nào được dùng ở địa phương và các nhà trường, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đang xây dựng Thông tư để hướng dẫn thực việc lựa chọn SGK theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học và không quy định cứng là các UBND tỉnh phải chọn tất cả SGK các môn học trong cùng một bộ hay chỉ được chọn một bộ sách cho địa phương.
"Trong hướng dẫn để các địa phương lựa chọn SGK sẽ có quy định, giao cho các thành viên hội đồng xây dựng tiêu chí; ở cấp trường phải tham khảo ý kiến của giáo viên trong trường, phụ huynh, để khi lựa chọn có sự đồng ý đạt đến mức nhất định thì mới công bố SGK được dùng. Tiếp đó mới công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng" - PGS.Nguyễn Xuân Thành thông tin thêm.
Bộ GD&ĐT cho biết, Dự thảo Thông tư lựa chọn SGK đang được xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi theo quy định biên soạn, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi tiếp thu tất cả ý kiến của các bên liên quan, Thông tư sẽ được hoàn thiện để sớm trình Bộ trưởng phê duyệt ban hành, kịp thời gian để các địa phương tổ chức lựa chọn sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu năm học mới.
Theo lộ trình của Bộ GD&ĐT, trước tháng 3/2020 các địa phương phải hoàn thành việc lựa chọn và công bố danh mục SGK sử dụng trong các trường phổ thông của tỉnh. Từ tháng 3 đến tháng 5/2020, Sở GD&ĐT cùng các NXB tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1.