Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.
Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.
Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.
Vỉa hè cổng trường “biến” thành điểm trông giữ xe ngày & đêm
Nhu cầu trông giữ xe ngày một tăng ở Hà Nội khiến các bãi trông giữ xe trái phép xuất hiện tại khắp các vỉa hè tuyến phố Thủ đô. Điều đáng nói, hoạt động này diễn ra công khai nhưng dường như đều nhận được sự “đồng thuận, nhắm mắt bỏ qua” của các cấp chính quyền địa phương bởi không hề thấy động thái xử lý nào từ cơ quan chức năng.
Đầu tháng 11/2020, phóng viên (PV) đã có nhiều buổi ghi nhận thực tế tại khu vực cổng sau trường tiểu học Văn Chương (ngõ Trung Tiền, Đống Đa, Hà Nội), thực tế ghi nhận toàn bộ vỉa hè khu vực này bị "cướp" làm điểm trông giữ xe ngày và đêm.
Trẻ em phải di chuyển dưới lòng đường do toàn bộ vỉa hè bị "trưng dụng" làm điểm trông giữ xe
“Vào giờ cao điểm, các con tan học, phụ huynh dừng đỗ xe dưới lòng đường do vỉa hè bị chiếm dụng khiến giao thông luôn trong tình trạng ùn tắc bởi phía cổng sau của trường diện tích đường khá nhỏ. Việc này không chỉ gây cản trở các phương tiện mà còn đặc biệt nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với các con tiểu học khi không còn không gian vỉa hè để di chuyển” – một phụ huynh có con theo học tại trường tiểu học Văn Chương bày tỏ..
Hình ảnh ghi nhận lúc 16:15 ngày 4/11/2020 - Mặc dù là giờ tan học nhưng các xe vẫn "án ngữ" hết 2/3 cổng trường, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Theo quan sát, người đi bộ nói chung và học sinh nói riêng rất khó để đi bộ trên vỉa hè, nhiều trường hợp các em buộc phải đi bộ dưới lòng đường, xen lẫn với những dòng phương tiện xe máy, ô tô đông đúc vào giờ tan trường. "Khi đưa con đi học, tới cổng trường thì thả con xuống nhưng toàn phải thả ở dưới đường để con đi vào chứ không đưa vào được đến tận cổng do nhiều hôm ô tô đỗ chắn ở ngoài" - là ý kiến khác của một PH trường Văn Chương.
Nhiều ô tô "chắn" trước cổng trường khiến việc đưa đón con em của các phụ huynh trở nên khó khăn hơn.
Chị Đ.A.M - một người dân sinh sống tại khu vực này cho biết, gia đình rất muốn hướng con tự lập bằng cách đi bộ tới trường. Thế nhưng, điều này dường như không thể thực hiện được bởi vỉa hè xung quanh khu vực trường học không còn không gian an toàn cho các con, nguy cơ mất an toàn giao thông hay những nguy cơ về an ninh trật tự luôn thường trực.
Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông khu vực, điểm trông giữ xe này còn không có bất cứ biển bảng niêm yết giá vé hay số giấy phép được cấp, không có thông tin cụ thể diện tích được sử dụng vỉa hè. Bãi xe nói trên ở ngoài trời, có nhiều phương tiện đậu, đỗ, gửi tại đây, trong khi hệ thống phòng cháy chữa cháy sơ sài hay gần như không có. Trong khi đó, bãi xe tự phát lại nằm ngay sát khu dân cư và trường học như vậy nếu xảy ra sự cố hỏa hoạn rất dễ gây ra những hậu quả nặng nề.
Mỗi ngày, điểm trông giữ xe này thường có đến cả vài chục lượt xe ô tô, xe máy ra - vào. Chỉ cần tính nhanh, số tiền thu được hàng tháng tại các bãi gửi xe này là rất lớn. Thế nhưng, số tiền này sau đó “trôi” về đâu và ai quản lý, sử dụng, nộp ngân sách ra sao vẫn là câu hỏi được dư luận đặt ra nhưng chưa có câu trả lời từ chính quyền địa phương.
Tại điểm trông giữ xe không có biển bảng của đơn vị quản lý
Theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008, các hoạt động bị cấm trên đường bộ:
a) Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ;
b) Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ;
c) Thả rông súc vật trên đường bộ;
d) Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ;
đ) Đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ;
e) Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông;
g) Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông;
h) Sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy;
i) Hành vi khác gây cản trở giao thông.
Khai thác vỉa hè để phát triển kinh tế mà quên đi quyền và lợi ích của người dân thì cần cân nhắc kỹ lưỡng. Mặt khác, nếu công tác quản lý chưa đủ năng lực, thiếu tinh thần trách nhiệm sẽ gây ra nhiều hệ luỵ, thậm chí tạo ra các tiền lệ xấu trong việc tổ chức, quy hoạch đô thị.
Trước đó, để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, 06 tháng đầu năm 2020, Thanh tra Sở Giao thông Vận Tải Hà Nội đã ban hành 32 kế hoạch, phương án và 915 văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý, giải tỏa các vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường…
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tập trung chỉ đạo các Đội Thanh tra Giao thông quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm trông giữ phương tiện không phép, sai phép; chỉ đạo các Đội phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, giải tỏa các vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, như các hành vi lấn chiếm trái phép lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, treo đặt biển quảng cáo, băng rôn sai quy định che khuất tầm nhìn… gây cản trở giao thông, mất trật tự an toàn giao thông.
Chính quyền “ngại” xử lý?
Liên quan đến vấn nạn này, Lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị kiểm tra, giải tỏa các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép, vi phạm an toàn giao thông và vi phạm quy định thu phí, đặc biệt là các điểm trông giữ xe đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
Chủ tịch UBND và trưởng công an các quận/phường giám sát chặt chẽ các điểm trông giữ xe. Nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn, chủ tịch UBND và trưởng công an xã, phường, thị trấn phải kiểm điểm, chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND quận, huyện, thị. Trường hợp để các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép, thu phí không đúng quy định mà không có biện pháp xử lý dứt điểm, chủ tịch UBND quận, huyện, thị chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND Thành phố.
Bãi xe nhận trông giữ xe cả ngày và đêm trong suốt một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có phương án xử lý?
Thế nhưng, trái ngược với những chỉ đạo của TP, bãi xe nói trên dù ở khá gần với UBND phường Văn Chương nhưng vẫn tồn tại sai phạm công khai cả ngày lẫn đêm, bất chấp pháp luật. Chính quyền địa phương “ngại” xử lý hay có sự tồn tại của “lợi ích nhóm” ở đây?
Nhiều người dân cho biết: "Không chỉ riêng bãi xe này, hầu hết những quán trà, quán ăn tại đây đều để xe tràn lan trên vỉa hè, muốn đi bộ cũng khó khăn, phải đi xuống lòng đường. Đường đông đúc gây ra va chạm giao thông, ùn tắc giao thông liên tục. Chỉ có những ngày lễ, Tết mới thấy bãi xe này “nghỉ” vài hôm theo yêu cầu của phường".
Hệ luỵ từ điểm trông giữ xe này là đẩy người tham gia giao thông, đặc biệt là các em học sinh xuống lòng đường bất chấp nguy hiểm; khiến tình hình giao thông trở nên lộn xộn; không gian đô thị nhếch nhác. Điều nãy đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Phải chăng mức xử phạt chưa đủ mạnh, chưa đủ tính răn đe để chấm dứt thực trạng trên? Lực lượng quản lý, xử lý của các cơ quan chức năng đang ở đâu?
Chuyên gia nghiên cứu về giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy từng chia sẻ: "Do không tính toán, cân đối được lượng xe đi và xe đỗ khiến các quy hoạch đã bị “vỡ” và đó chính là chỗ hở, yếu kém của quy hoạch Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố khác nói chung. Mặt khác, nhiều bãi đỗ xe được lập ra theo đúng mục đích, tên gọi của nó, nhưng sau đó lại bị biến tướng thành các dịch vụ khác.
Điều này thể hiện sự yếu kém trong tổ chức quản lý, thực hiện của Hà Nội và các sở ngành, đồng thời có khả năng xuất hiện nhiều vấn đề tiêu cực đằng sau. Để giải quyết bài toán về điểm đỗ xe, cần khuyến khích triển khai xây dựng những bãi xe ngầm, trên cao. Đồng thời, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải cần phối hợp xây dựng kế hoạch, quy hoạch để các cơ quan, công trình,... đều có bãi trông xe, hay khuyến khích, đẩy mạnh triển khai áp dụng các mô hình đỗ xe thông minh, qua đó mới làm giảm căng thẳng về các điểm đỗ xe".
Pháp luật đã quy định rõ, vỉa hè là dành cho người đi bộ và cho phép sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường vào hoạt động phi giao thông sau khi đã dành riêng vị trí cho người đi bộ. Vỉa hè có vai trò quan trọng trong tạo môi trường an toàn, thuận tiện cho người dân tiếp cận với dịch vụ giao thông công cộng cũng như những dịch vụ kinh doanh, văn phòng dọc các tuyến phố.
Chính sách pháp luật đã quy định rõ ràng nhưng việc thực hiện chưa nghiêm túc, từ ý thức người dân đến cơ chế quản lý còn lỏng lẻo khiến thực trạng này vẫn xảy ra tại phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội? Chính quyền địa phương có đang "nhắm mắt làm ngơ" cho các sai phạm nói trên?
Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với UBND phường Văn Chương, các lực lượng chức năng có liên quan để tìm hiểu rõ hơn về vấn nạn trên.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo đấu tranh trấn áp các loại tội phạm và trật tự đô thị (Ban Chỉ đạo 197) TP Hà Nội, có đến gần 500 điểm trông giữ xe không phép trên địa bàn thành phố. Mặc dù UBND TP Hà Nội đã có nhiều cố gắng để ngăn chặn, nhưng thực trạng các bãi trông giữ ô-tô, xe máy vẫn diễn ra ngang nhiên trước mặt các cơ quan thực thi pháp luật.