Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Vai trò, trách nhiệm của Ban Quản lý Phố cổ còn mờ nhạt

Năm 2018, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Quyết định số 3394QĐ-UBND về việc Phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý Phố cổ Hà Nội. Theo đó, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội là đơn vị sự nghiệp có nguồn thu tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, phần còn lại được ngân sách Nhà nước cấp; có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng và mở tài khoản kho bạc, ngân hàng. Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội chịu sự quản lý trực tiếp của UBND quận Hoàn Kiếm và sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các sở, ngành TP có liên quan.

Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội giúp UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội (đã được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia) theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội gồm Trưởng ban là Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (kiêm nhiệm) và 02 Phó Trưởng ban (trong đó có 01 Phó Trưởng ban thường trực); Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ trực thuộc gồm: Phòng Hành chính - Tuyên truyền và hợp tác quốc tế; Phòng Quy hoạch - Kiến trúc và Nghiên cứu khoa học; Phòng Quản lý dự án.

Biên chế của Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội do UBND quận Hoàn Kiếm quyết định trong tổng số biên chế hành chính - sự nghiệp của quận được UBND TP Hà Nội giao hàng năm và được HĐND quận quyết nghị.

Trên cơ sở Đề án vị trí việc làm, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội xây dựng kế hoạch sử dụng biên chế viên chức, số lượng lao động hợp đồng, quỹ tiền lương, tiền công của đơn vị trình UBND quận Hoàn Kiếm (qua Phòng Nội vụ) thẩm định, tổng hợp báo cáo UBND TP theo quy định.

Bản đồ quy hoạch phố cổ

Tuy nhiên, trong suốt thời gian vừa qua vai trò cũng như trách nhiệm của Ban Quản lý Phố cổ còn mờ nhạt. Bởi trên thực tế khu vực phố cổ ngày càng trở nên "nhếch nhác" vì những dự án, công trình xây dựng vượt quy chuẩn quy hoạch phố cổ. Không gian sống của người dân bị thu hẹp, kéo theo hệ luỵ về ô nhiễm môi trường, nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn... Di tích lịch sử, nét đẹp kiến trúc phố cổ, phố cũ đã dần được "bê tông hoá" bằng những vi phạm TTXD.

Tại khoản 4 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP".

4. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

Câu chuyện vi phạm TTXD tại khu vực phố cổ không còn mới, nhưng để chấm dứt thực trạng “bát nháo” xây dựng phá vỡ quy hoạch rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt.

Theo Quyết định số 6398/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội, các công trình mặt phố cổ đều không được phép cao quá 12m, lớp nhà mặt phố được phép xây từ 1-3 tầng, tương đương 6-12m; lớp phía sau từ 2-4 tầng, tương đương 10-16m, khoảng lùi tối thiểu của lớp sau là 4-6m…

Cũng tại Quy chế này, UBND TP Hà Nội cũng quy định rõ: Khu phố cũ Hà Nội nằm trên địa bàn 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng có diện tích gần 508ha (không bao gồm các khu phố cổ, khu vực Hồ Gươm và phụ cận, khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình phía Nam phố Hoàng Hoa Thám), với 215 ô phố và khoảng 150 tuyến phố. Quy định chung trong khu vực phố cũ được Hà Nội đưa ra đối với các công trình xây dựng đặc trưng từ 4 - 6 tầng (khoảng 16 - 22m), mật độ xây dựng tại các ô phố không quá 70%...

Hàng loạt công trình khủng đã và đang được thi công rầm rộ tại địa bàn phường Hàng Bông.

Công trình xây ở các phố quanh Hồ Gươm và vùng phụ cận gồm Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thùng, Nhà Chung, Nhà Thờ, Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ không được phá vỡ cảnh quan, không gian mặt nước, các công trình công cộng, di tích lịch sử…, do vậy, nhà mặt phố ở đây chỉ được xây cao không quá 4 tầng (16 m), nhà lớp sau xây dựng không quá 6 tầng (24 m); Khu phố cũ được chỉ định chiều cao công trình không quá 6 tầng, và khu vực hạn chế phát triển thuộc các quận: Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, từ vành đai 2 trở vào trung tâm, được giới hạn chiều cao công trình từ 5 - 7 tầng, nhằm khống chế mật độ dân số các quận này từ 220 – 260 người/ha.

Theo nội dung chỉ đạo tại Công văn số 553/UBND-VP của UBND quận Hoàn Kiếm về việc tăng cường xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn quận, Ban Quản lý quy hoạch kiến trúc phố cổ Hà Nội có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện các công trình vi phạm các quy định bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ, có văn bản yêu cầu UBND phường để xảy ra các công trình vi phạm TTXD phải có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định; phối hợp với UBND các phường trong khu phố cổ, phòng Quản lý Đô thị, Đội Thanh tra Xây dựng quận xử lý các vi phạm TTXD trong khu vực phố cổ Hà Nội.

Người dân tại khu vực phố cổ cũng cho biết, các công trình tại số 2 Hàng Bè, số 2- 4 ngõ Trung Yên (phường Hàng Bạc) thi công vượt số tầng và chiều cao so với quy hoạch. 

Quy định là thế nhưng Ban Quản lý Quy hoạch kiến trúc phố cổ Hà Nội (thuộc quận Hoàn Kiếm) vẫn chưa thể hiện được rõ ràng trách nhiệm của mình khi các công trình vượt tầng phá vỡ quy hoạch phố cổ đã trở thành điểm nóng nhiều năm nay.

Vi phạm TTXD tại phường Hàng Bạc, phường Hàng Bông đi ngược lại chủ trương của UBND TP Hà Nội

Hàng loạt công trình vi phạm đã bị báo chí điểm tên, chỉ mặt, chính quyền thừa nhận nhưng đến thời điểm hiện tại, tất cả những nỗ lực xử lý vi phạm chỉ nằm trên giấy. Các công trình vẫn ngang nhiên tồn tại ở những vị trí đắc địa của khu phố cổ.

Cụ thể: tại phường Hàng Bạc, công trình số 10F, phố Đinh Liệt với chiều cao xây thêm lên tầng thứ 06, chưa có dấu hiệu dừng lại, đang được chủ đầu tư quây bạt và thi công gấp rút; Công trình số 125 Hàng Bạc cũng tự ý sữa chữa cơi nới, có dấu hiệu sai phép nghiêm trọng vẫn được chủ đầu tiếp tục thi công…

Công trình số 10F phố Đinh Liệt, số 125 Hàng Bạc đang trong tình trạng thi công phá vỡ quy hoạch, khiến cảnh quan đô thị nhếch nhác.

Người dân tại khu vực phố cổ cũng cho biết thêm, các công trình tại số 2 Hàng Bè, số 2- 4 ngõ Trung Yên (phường Hàng Bạc) thi công vượt số tầng và chiều cao so với quy hoạch từ rất lâu. Công trình vi phạm quy mô lớn nhưng chưa rõ cơ quan chức năng đã xử lý thế nào? Thực tế các công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại.

Tương tự sai phạm TTXD lặp lại tại phường Hàng Bông và có chiều hướng tăng mạnh với những sai phạm có diễn biến phức tạp. Những công trình đang xây dựng có địa chỉ tại số 154B, 108, 151 – 153, 161 – 163, 211, Hàng Bông không chỉ xây dựng sai mật độ, sai phép phá vỡ quy hoạch chung của phố cổ, phố cũ.

Công trình số 211 Hàng Bông vượt quy chuẩn chiều cao quy hoạch phố cổ vẫn không bị xử lý.

Trong đó, công trình số 154B Hàng Bông đang thi công lớp ngoài 04 tầng, lớp trong 05 tầng đang có dấu hiệu vi phạm về số tầng. Công trình số 108 Hàng Bông cách UBND phường vài chục mét cũng đang sửa chữa và có dấu hiệu lên tầng. Hàng loạt các công trình vi phạm nghiêm trọng phá vỡ quy hoạch chung của TP Hà Nội trên phố Hàng Bông, Hội Vũ như số 211 Hàng Bông, 07 Hội Vũ vẫn ngang nhiên tồn tại bất chấp quy định pháp luật. 

Công trình xây dựng số 71 Hàng Bông (phường Hàng Bông) “phá vỡ” quy hoạch phố cổ có chiều cao vượt trội.

Trong bối cảnh vấn đề xây dựng sai phép và quản lý đất đai trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đang rất “nóng” với nhiều vi phạm đã được chỉ rõ và khi chính quyền TP Hà Nội tiếp tục có những chỉ đạo tích cực, quyết liệt để “siết” công tác quản lý TTXD thì việc xuất hiện nhiều công trình có dấu hiệu vi phạm tại phường Hàng Bạc, phường Hàng Bông phải chăng đang đi ngược lại chủ trương của UBND TP Hà Nội?

Ngày 25/3/2019 Thường trực HĐND TP Hà Nội đã tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý TTXD. Đây là nội dung được HĐND TP Hà Nội quan tâm giám sát, chất vấn và tái chất vấn tại ba kỳ họp liên tiếp của HĐND TP khóa 15.

Điều đáng nói, đại biểu HĐND TP cũng như các cử tri đặt ra là vì sao các sai phạm dù đã rõ địa chỉ, đã được các cấp, các ngành kết luận thanh tra, thậm chí đã từng bị cưỡng chế tháo dỡ, song đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Cá biệt, nhiều vi phạm cũ chưa được xử lý thì đã phát sinh sai phạm mới.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nêu quan điểm, một phần là do lực lượng Thanh tra Xây dựng chưa làm hết trách nhiệm. Việc phối hợp với các quận, huyện, thị xã trong việc kiểm tra, đôn đốc còn lỏng lẻo, chưa rõ ràng, ý thức chấp hành của một bộ phận người dân chưa cao… Từ những nguyên nhân này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị chủ tịch, bí thư ở các địa phương phải tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 08-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường trách nhiệm của đội quản lý trật tự xây dựng, kiên quyết xử lý triệt để sai phạm cũ, không để phát sinh vi phạm mới. 

Ngày 26/02/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo thành phố làm việc với Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã có chỉ đạo kiên quyết xử lý và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép, thu hồi các dự án có sử dụng đất nhiều năm không triển khai; có giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm các con sông, nguồn nước, thực hiện phân loại xử lý rác thải, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành.

Ngày 18/2/2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành văn bản 1316/SXD-TTr đề nghị UBND các quận, huyện tập trung chỉ đạo các lực lượng của quận, huyện, UBND các xã, phường xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng. UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP về tiến độ, thời gian xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm. Văn bản cũng nêu rõ: Trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu các xã phường, nếu để xảy ra vi phạm sẽ bị đình chỉ công tác. Trường hợp cần thiết, có thể tạm dừng công tác điều hành của các chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn cho đến khi xử lý xong vi phạm.

Công trình 161 – 163 Hàng Bông xây dựng sai phép, phá vỡ quy hoạch phố cổ.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, lực lượng chuyên ngành của Sở Xây dựng Hà Nội cùng với UBND các quận, huyện, thị xã và Đội quản lý trật tự xây dựng (TTXD) đã tiến hành kiểm tra 10.531 công trình (đạt tỷ lệ 100% công trình); phát hiện, xử lý 237 trường hợp vi phạm mới. Trong đó, 59 trường hợp xây dựng không phép; 92 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 15 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 71 trường hợp có các vi phạm khác.

Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, đến nay đã xử lý dứt điểm 157/237 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 66,2%. Trong đó, cưỡng chế phá dỡ 6 trường hợp; tự khắc phục 114 trường hợp; cấp bổ sung, điều chỉnh giấy phép xây dựng 37 trường hợp.

Sở đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 80/237 trường hợp, chiếm 33,8%. UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 669 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 13,4 tỷ đồng.

Công trình sửa chữa số 108 Hàng Bông (phường Hàng Bông), nằm cách UBND phường vài chục mét nhưng vẫn ngang nhiên vi phạm trật tự xây dựng.

Tuy nhiên, theo đánh giá, mặc dù số lượng công trình xây dựng mới vi phạm TTXD có chiều hướng giảm, nhưng về hình thức vi phạm lại diễn biến phức tạp và khó lường hơn.

Một số cá nhân, hộ gia đình cố tình vi phạm, số khác thì "lách luật" móc nối với cán bộ chính quyền địa phương "bật đèn xanh" để được xây dựng thêm những phần ngoài giấy phép. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các quận, huyện của Hà Nội, nhưng tập trung nhiều nhất ở một số quận trung tâm, như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai...

Hàng loạt dự án, công trình có dấu hiệu sai phạm đã được chỉ ra như: vượt chiều cao, sai mật độ, biến tướng nhà ở thanh chung cư mini cho thuê, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, phá vỡ quy hoạch đô thị. Đáng nói, các vi phạm chỉ phát hiện chậm trễ, đẩy cơ quan nhà nước vào "việc đã rồi".

Công trình số 151 – 153 Hàng Bông (phường Hàng Bông) được xây dựng không theo quy chuẩn quy hoạch phố cổ đnag gấp rút hoàn thiện đưa vào sử dụng.

Các đơn vị quản lý trên địa bàn sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm của công trình tại phường Hàng Bạc, phường Hàng Bông. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể đã buông lỏng quản lý khi để xảy ra sai phạm. Đặc biệt, cần đánh giá lại năng lực quản lý cũng như vai trò, trách nhiệm của Ban Quản lý Quy hoạch kiến trúc phố cổ Hà Nội trong suốt thời gian qua.

Việc xử lý dứt điểm các vi phạm sẽ đưa quy hoạch đô thị, quy hoạch phố cổ đi đúng hướng xanh - sạch - đẹp, gìn giữ không gian văn hoá kiến trúc, bảo tồn di tích lịch sử mà nhân dân, Đảng và Nhà nước đã đề ra. 

Theo Hương Ly/Đô Thị Mới