Tại Hội nghị tham vấn về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 tổ chức ngày 1/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ như giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn và giảm lãi suất các khoản vay, chi ngân sách nhà nước với quy mô khoảng 6,7 tỉ USD.
Nếu tính cả các khoản hỗ trợ qua các kênh quỹ bảo hiểm thất nghiệp, các khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí... quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 là khoảng 10,45 tỉ USD, tương đương 2,84% GDP, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Ông Dũng chỉ ra các thực tại khó khăn của nền kinh tế như: “Hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, các chuỗi cung ứng, tiêu dùng bị gián đoạn, đứt gãy; chi phí sản xuất tăng cao; năng lực nội tại, sức chống chịu của nền kinh tế ngày càng giảm sút; nguồn lực của cộng đồng DN ngày càng bị bào mòn”.
Tuy nhiên, thời gian qua chính sách hỗ trợ của Việt Nam vẫn chủ yếu nhằm giải quyết khó khăn ngắn hạn về tài chính của DN, người dân, chủ yếu tác động về phía cung của nền kinh tế…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực tế Việt Nam đã bắt đầu thay đổi cách tiếp cận với dịch Covid-19 theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” để thực hiện vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là rất cần thiết để có được những chính sách đúng đắn, tập trung các nguồn lực kịp thời, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người dân, người lao động, nền kinh tế vượt qua khó khăn…
Kinh nghiệm quốc tế, khuyến nghị của các chuyên gia, tổ chức quốc tế đều cho rằng, Việt Nam cần phải xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, để không "lỡ nhịp" khi bước vào trạng thái "bình thường mới".
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, chuyển đổi số, công nghệ số, để chủ động tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng mới toàn cầu… cũng như xu thế chuyển đổi các hoạt động tài chính, thương mại, giáo dục, y tế, khám chữa bệnh… trên nền tảng trực tuyến.
Để nhanh chóng phục hồi kinh tế, chủ động cải thiện tốc độ tăng trưởng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đưa ra 8 nhóm giải pháp, cụ thể:
Kiểm soát dịch bệnh, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát; Hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, trong đó cần quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu lực hiệu quả bộ máy chính quyền, hành chính các cấp;
Phục hồi và phát triển ngành du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước; Hỗ trợ phục hồi DN trong một số ngành lĩnh vực ưu tiên bằng giải pháp hỗ trợ tín dụng, tài chính, sản xuất, phát triển chuỗi cung ứng bền vững; Phục hồi, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN FDI;
Phát triển vùng, đô thị, tháo gỡ thể chế để phát triển các đô thị lớn của cả nước; Phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.
Nguồn: https://baodansinh.vn/quy-mo-cac-goi-ho-tro-nam-2021-khoang-1045-ty-usd-tuong-duong-284-gdp-20211003185858.htm