Trích dẫn từ nhiều nguồn, Nikkei báo cáo, các công ty công nghệ trên đang thăm dò nhiều quốc gia châu Á khác để chọn làm ngôi nhà mới sản xuất linh kiện. Đây là động thái mới nhất trong căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung.
Theo báo cáo của Nikkei, Apple đang xem xét chuyển 15-30% sản lượng iPhone ra khỏi Trung Quốc. Amazon cũng vậy, hiện đang xem xét chuyển dây chuyền xản xuất các đầu lọc điện tử và loa Echo sang Việt Nam. Còn Microsoft lại đang cân nhắc Thái Lan và Indonesia. Một nguồn tin cho biết, các hãng lớn bắt đầu chuyển ra khỏi Trung Quốc vào cuối tháng 7 này.
Đối với Dell và HP, hai công ty này đã xuất xưởng 70 triệu thiết bị máy tính vào năm ngoái và hầu hết lô linh kiện này được sản xuất tại Trung Quốc. Dell một mặt khuyến khích "chính phủ Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục đối thoại để giải quyết các vấn đề còn tồn tại" và hy vọng sẽ thấy một thỏa thuận, nhưng họ cũng đang bắt đầu thử nghiệm sản xuất máy tính xách tay ở Đài Loan, Việt Nam và Philippines.
Nguồn tin từ Nikkei Asian Review cũng chỉ ra rằng Amazon và Nintendo đang hướng tới Việt Nam như một phương án thay thế để sản xuất máy đọc sách điện tử Kindle, loa thông minh Echo và máy chơi game.
Ngay cả khi căng thẳng Mỹ-Trung được giải quyết thì Trung Quốc cũng phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt về xưởng sản xuất linh kiện cho các nước, không chỉ về thuế quan mà còn chi phí nhân công.
"Các nước Đông Nam Á và Ấn Độ sẽ cùng nhau trở thành trung tâm cạnh tranh mới trong những năm tới cho sản xuất điện tử", nhà kinh tế Mark Williams thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế toàn cầu nhận định.
"Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc có thể đưa ra nhiều giải pháp ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu về dài thì Trung Quốc vẫn sẽ gặp bất lợi về nếu như không còn là xưởng sản xuất linh kiện lớn nhất nhì thế giới”. Ông Mark Williams nói thêm.