Phòng còn hơn chống

Tháng 10/2019, hãng Calvin Klein tại Việt Nam phát hiện một cửa hàng trực tuyến có tên Sori Shop chào bán các sản phẩm kính mắt, ví, túi xách giả mạo nhãn hiệu của hãng trên Facebook và Shopee. Hãng đã kiểm tra trên internet, phát hiện cửa hàng Sori có địa chỉ tại 247 Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP. HCM nhưng khi đến địa chỉ này, hãng không tìm thấy cửa hàng thời trang nào tại đây.

Còn theo người đại diện của nhãn hàng Casio tại Việt Nam, thời gian qua, người kinh doanh máy tính, đồng hồ giả của hãng Casio đã có thêm nhiều thủ đoạn đối phó tinh vi hơn như: Lúc quảng cáo dùng hình ảnh hàng thật, hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng là hàng nhái mà chính người mua cũng khó nhận biết; giao dịch không có chứng từ, hóa đơn; người bán trên các sàn tìm mọi cách lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn khiến cho hãng khá đau đầu. 

Calvin Klein và Casio chỉ là hai trong số vô vàn thương hiệu bị làm giả và được bày bán trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam thời gian qua. Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, từ trước tới nay, hàng giả luôn là vấn đề nhức nhối và khi TMĐT phát triển thì tình trạng này không giảm bớt mà còn tồi tệ hơn.

Hàng giả, hàng nhái được bày bán ngày càng công khai trên các sàn TMĐT

Trong những năm qua, trung bình hàng năm, Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiếp nhận không dưới 1.500 khiếu nại, tố cáo, phản ánh của người dùng, trong đó hơn 50% liên quan tới hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT. Các hành vi điển hình là chất lượng hàng hóa không giống quảng cáo, quảng cáo gian dối, thông tin sai về xuất xứ, thông tin sai về giá cả, không cho xem hàng trước khi thanh toán, thanh toán mà không nhận được hàng, giao hàng chậm…

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, có thêm các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng là cách các doanh nghiệp TMĐT tạo sự tin cậy cho khách hàng, tạo thêm sự cạnh tranh”, ông Tân nói.

Cùng chia sẻ về vấn nạn này, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, TMĐT trở thành một phương thức kinh doanh vô cùng hiệu quả và đang có xu thế thay thế dần phương thức truyền thống. Theo quan sát và thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, các tháng trước Tết, tình trạng mua tại cửa hàng, siêu thị, chợ không nhiều, thay vào đó, người tiêu dùng đặt hàng trên mạng.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển của TMĐT, một vài năm trở lại đây việc phân phối, bán các sản phẩm vi phạm trên TMĐT khá nhiều, trong đó có hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí là hàng giả, hàng nhái và hàng cấm. “Với sự phát triển như vũ bão của TMĐT thời gian qua, chúng ta cần quan tâm tới việc làm sao để TMĐT phát triển lành mạnh hơn, trong sạch hơn để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Chúng ta phải chủ động phòng còn hơn chống”, ông Linh nói.

Cũng theo ông Linh, trong thời qua, các cơ quan nhà nước đã có nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng vi phạm trên các sàn TMĐT nhưng bản thân các doanh nghiệp, chủ sàn TMĐT cũng phải có trách nhiệm hơn trong việc siết chặt quản lý. Đây là một việc cực kỳ cần thiết.

Hiện nay, qua việc thanh tra, kiểm soát trên thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường nhận thấy, sàn giao dịch TMĐT hay các mạng xã hội đang trở thành một nơi cung cấp hàng hóa rất nhiều. Tuy nhiên, các thông tin đăng trên đó lại có vấn đề, không đủ thông tin cho người tiêu dùng có thể mua hàng, dẫn đến rất nhiều hàng giả trà trộn vào. Trong khi, trách nhiệm của các chủ sàn TMĐT hiện nay lại đang lỏng lẻo, còn buông lỏng.

Hành vi vi phạm trên sàn TMĐT rất phổ biến, hàng giả, hàng nhái, hàng cấm còn xuất hiện rất nhiều trên sàn TMĐT.

Ra đời hệ thống bảo vệ người tiêu dùng khi mua hàng trên sàn TMĐT

Thương mại điện tử Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm qua là từ 25% - 30%. Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng TMĐT Việt Nam đạt mức 30% với tổng doanh thu bán lẻ TMĐT (B2C) đạt 9,06 tỷ USD. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã giúp cho các phương thức kinh doanh dựa trên môi trường mạng được thúc đẩy nhanh chóng và mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp.

Người bán hàng thực hiện nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm bán được hàng giả trên các sàn TMĐT

Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, Internet và TMĐT cũng có những mặt trái và đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt về tình trạng vi phạm pháp luật, kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên các website/ứng dụng TMĐT.

Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả vấn nạn hàng giả trong TMĐT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương đã khai trương “Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong TMĐT”.

Hệ thống này là một trong 6 nhóm giải pháp quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu Bộ Công thương đề ra tại Kế hoạch tăng cường công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT giai đoạn 2018 - 2020, giúp kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu và phối hợp quản lý, giám sát thực thi và hỗ trợ giải quyết phản ánh, khiếu nại của các đơn vị chức năng trong và ngoài Bộ Công thương như: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các Sở Công thương…

Việc triển khai hệ thống này còn đảm bảo việc thực hiện cam kết cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ của Bộ Công thương với cộng đồng doanh nghiệp.

Hệ thống gồm 3 phân hệ chính: Hệ thống Quản lý và giám sát hoạt động TMĐT tại địa chỉ Online.gov.vn; hệ thống thông tin, cảnh báo, hỏi đáp trực tuyến và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong TMĐT tại địa chỉ chonghanggia.online.gov.vn; hệ thống báo cáo trực tuyến về tình hình hoạt động TMĐT của các doanh nghiệp tại địa chỉ baocao.gov.online.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đánh giá, TMĐT đang phát sinh nhiều rủi ro, làm giảm bớt lòng tin đối với người tiêu dùng, tăng nguy cơ ảnh hưởng xấu tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế và người dân. Rất nhiều website giả mạo cung cấp những thông tin sai lệch về hàng hóa, dịch vụ nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của cá nhân.

Cụ thể, thời gian gần đây, nhiều mạng xã hội ứng dụng TMĐT đã có những hành vi vi phạm pháp luật, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát cũng như gây thiệt hại.

Ra đời cổng này là thiết thực, giúp người tiêu dùng có địa chỉ đáng tin cậy để họ có nơi bảo vệ trước những hành vi lừa đảo, tinh vi. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp chân chính có cơ chế, bảo vệ mình khi có các doanh nghiệp có những hành vi thực hiện không nghiêm túc”, ông Thế nói.

Theo Nguyễn Chiêm/Đô thị mới