Thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển rất mạnh, đặc biệt là sự đổ bộ của hàng loạt thương hiệu TMĐT lớn của thế giới vào Việt Nam, như Amazon, Alibaba, Lazada… Tại Việt Nam cũng có nhiều hệ thống TMĐT như Adayroi, Sendo… và hệ thống bán hàng qua facebook với nhiều hàng hóa được cung ứng qua trang TMĐT.

TMĐT là hình thức kinh doanh mới, không giới hạn về không gian, thời gian và đang dần chi phối thế giới nhờ chiếm lĩnh thị trường bởi lợi thế của internet. Ở Việt Nam, thương mại điện tử đang là miền đất hứa của các DN khi đã có nhiều cái tên rất nổi của kênh bán hàng online như Alibaba, Amazon, Sendo, Shopee... Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh như vũ bão thì các quy định về quản lý vẫn còn nhiều kẽ hở, chưa phù hợp với thực tế phát triển của loại hình kinh doanh này.

Thời gian gần đây, người tiêu dùng không khỏi lo ngại về tình trạng hàng loạt các chợ TMĐT có thương hiệu nổi tiếng lại bán hàng giả, hàng nhái. Hơn nữa, nhiều trang bán hàng online cũng không ngần ngại thừa nhận việc bán sản phẩm hàng nhái các thương hiệu cao cấp có tiếng trên thị trường với giá chỉ vài trăm nghìn đồng. Theo giới chuyên gia, hầu hết các DN đang làm sàn thương mại điện tử hiện nay như: Shopee, Lazada, Sendo… khi cho DN bày bán trên trang riêng của mình đều có những quy định rất cụ thể về mặt hàng sẽ kinh doanh. Hơn nữa, mỗi website lại có những quy định riêng về việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái và khi vi phạm DN đều bị gỡ bỏ ra khỏi hệ thống.

siet chat quan ly thuong mai dien tu
Hệ thống chống hàng giả có thể nhận biết ngay cơ sở bán hàng nào, DN nào của Việt Nam bị thu hồi hàng giả, hàng nhái để xử lý nhanh và triệt để hơn.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) cho biết, nhiều đối tượng bán hàng trên các sàn giao dịch lớn như Shopee, Lazada, Sendo… sau khi bị gỡ bỏ do bán hàng nhái, đã tinh vi hơn để thoát khỏi bộ lọc từ khóa của cơ quan quản lý chức năng. “Nếu trước đây họ bán sản phẩm Nike thì nay họ tinh vi hơn, tách chữ ra Ni-ke để không bị bộ lọc từ khóa phát hiện. Rất khó cho cơ quan chức năng chúng tôi trong việc phát hiện để xử lý”, ông Tuấn dẫn chứng.

Bên cạnh đó, mạng xã hội facebook cũng là một mảnh đất rất màu mỡ cho các đối tượng bán hàng online, từ học sinh, sinh viên đến cả đội ngũ công chức, viên chức, cán bộ. facebook không có pháp nhân tại Việt Nam nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, do đó không có chế tài xử lý. Khi phát hiện sai phạm, Cục Thương mại điện tử chỉ báo cáo vi phạm để Facebook nhận tín hiệu khóa tài khoản. Nhưng theo ông Tuấn, đó chỉ là giải pháp tình thế. “Chúng tôi cũng cử trinh sát theo dõi những đối tượng bán hàng số lượng lớn trên mạng facebook có dấu hiệu là hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Nhưng khi kiểm tra thực tế thì đối tượng này có rất ít sản phẩm hoặc không có sản phẩm nào mà chỉ khi có khách đặt mới đi đặt lại nơi khác”, ông Tuấn nói thêm.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử nêu rõ, trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử là có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Dù vậy, ông Nguyễn Hữu Tuấn vẫn thẳng thắn thừa nhận, việc quản lý lĩnh vực thương mại điện tử đang gặp không ít khó khăn khi tốc độ tăng trưởng nhanh và cùng với sự phát triển về công nghệ đã khiến những dự báo về TMĐT trở nên lỗi thời.

Để ngăn chặn tình trạng hàng giả hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), ông Đặng Hoàng Hải cho biết cục đã xây dựng kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh, xử lý việc bán hàng trên mạng. Vì vậy, các DN, cá nhân bán hàng trên mạng phải có cam kết bán hàng chính hãng, đảm bảo chất lượng. Cùng với đó, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Cục Xuất nhập khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam cũng như hàng hóa sản xuất trong nước và sẽ xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, nếu cần thiết sẽ đề nghị xử lý hình sự.

Được biết, dự kiến trong quí 3-2019, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ cho ra mắt hệ thống chống hàng giả. Điều này nhằm giúp lực lượng chức năng có thể nhận biết ngay cơ sở bán hàng nào, DN nào của Việt Nam bị thu hồi hàng giả, hàng nhái để xử lý nhanh và triệt để hơn. Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường cũng sẽ xây dựng ứng dụng trên ĐTDĐ để lực lượng chức năng có thể trao đổi trực tiếp với DN xung quanh việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng giả. Đây là vấn đề trọng tâm của lực lượng quản lý thị trường trong năm nay và những năm tiếp theo.

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/siet-chat-quan-ly-thuong-mai-dien-tu-150886.html

Theo Pháp luật xã hội