Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” được tổ chức ngay sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được không chế càng thể hiện sự quyết tâm vực dậy nền kinh tế của TP.
Đổi thay rõ nét
Những tuyến đường cao tốc nối Hà Nội với các tỉnh, thành, đường vành đai, cầu bắc qua sông Hồng, những công trình lớn, nhỏ… một phần thu hút đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của các DN đã tạo diện mạo khang trang. Không chỉ ở khu vực nội thành, bộ mặt vùng nông thôn rộng lớn cũng có nhiều đổi thay rõ nét. Dù còn một số vấn đề trong công tác quản lý đô thị, nhưng không thể phủ nhận kinh tế Thủ đô phát triển đã giúp đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao cả về vật chất và tinh thần.
Cần khẳng định rằng, những năm qua, TP tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC, giảm bớt thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nghiên cứu thực hiện cơ chế "một cửa liên thông" cấp đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài. Thực hiện xây dựng quy trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư qua mạng tại Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài (theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ).
Ngoài ra, TP tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, tăng cường phối hợp các ngành với chính quyền địa phương để tập trung giải quyết các vướng mắc về quy hoạch, GPMB và các nội dung liên quan… Nhờ vậy, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Thủ đô từng bước được cải thiện, được Nhân dân và cộng động DN ghi nhận. Trong đó, ngành thuế và hải quan được đánh giá cao sự đổi mới tích cực trong thủ tục, làm giảm thời gian cho DN. Công tác đào tạo đã được quan tâm là một trong chỉ số đứng cao nhất góp phần đưa chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội đạt mức cao qua từng năm...
Điểm nhấn càng được thể hiện khi Hà Nội đã nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. TP đã yêu cầu các DN hoạt động, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phải sản xuất, kinh doanh an toàn để phòng chống dịch một cách hiệu quả. TP cũng ưu tiên các DN sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tối thiểu của xã hội. Đối với các ngành còn lại TP cũng kiểm tra đánh giá để tổng hợp kiến nghị Chính phủ đưa ra chính sách phù hợp với bối cảnh của Thủ đô.
Đặc biệt, ngay sau đại dịch Covid-19 cơ bản được được khống chế và đẩy lùi, Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” sẽ được tổ chức với hàng loạt các cam kết, dự án được đầu tư cùng các DN thể hiện sự chuẩn bị rất kỹ của TP Hà Nội với tâm thế sẵn sàng kích cầu, vực dậy nền kinh tế.
Mong công khai, minh bạch
Cộng đồng DN đánh giá cao những nỗ lực của Hà Nội, xứng đáng trở thành TP tiên phong cả nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển DN. Tuy nhiên, đa số các DN đều gặp khó bởi đại dịch Covid-19, hiện các chính sách hỗ trợ cho DN đã được ban hành nhưng vấn đề quan trọng là các cơ quan quản lý phải tiến hành rà soát xem có bao nhiêu DN được thụ hưởng ưu đãi, còn vướng mắc gì.
Hiệp hội DN NVV Hà Nội cũng đã có kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, TP tiếp tục tiến hành rà soát chính sách, sớm có các văn bản hướng dẫn xem có bao nhiêu DN được thụ hưởng, còn vướng ở đâu để quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho DN. Đối với các DN chưa đủ điều kiện được thụ hưởng thì cần chỉ rõ do đâu để DN tiệm cận được hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, gỡ vướng cho các dự án đã và đang ký kết được triển khai một cách hiệu quả.
Đơn cử, việc Hà Nội ban hành và thực thi Đề án triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn là hết sức cần thiết, cần được tiến hành sớm, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn hội nhập và phát triển hiện nay. Mong muốn các DNNVV khi thụ hưởng hỗ trợ sẽ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị phát triển toàn diện cả về số lượng, chất lượng phù hợp với điều kiện thực tiễn, đặc điểm của TP và các quy định hiện hành, góp phần từng bước hiện thực hóa hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị mới trên địa bàn, cấp quận huyện, nên có các DN lớn, đủ mạnh dẫn dắt hỗ trợ cho các DNNVV.
Tiếp đến, thực hiện đảm bảo tính nguyên tắc của đề án; giám sát, tổ chức đánh giá, thực hiện chế độ thi đua khen thưởng hàng năm đối với công chức viên chức hỗ trợ tốt cho các DNNVV; đánh giá tác động chính sách của TP về hỗ trợ đối với DNNVV và những tồn tại, bất cập, hiệu quả của các chính sách, tránh sự chồng chéo; thực hiện chính sách hợp lý. Để từ đó có kế hoạch giải ngân và rút kinh nghiệm cho những giai đoạn sau, trong đó, lưu ý việc tiến hành các thủ tục phải thực hiện nhanh gọn, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch...
Bên cạnh các chính sách của Chính phủ và TP Hà Nội, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển như vũ bão, đòi hỏi DN cũng phải chuyển hướng sang nền kinh tế số, bắt kịp xu hướng chung của toàn cầu để sau khi dịch Covid-19 có thể mạnh mẽ vươn lên thực hiện những dự án đã cam kết, đóng góp chung vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước. Mong rằng, Hội nghị năm nay sẽ tạo tiền đề phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
Vấn đề xã hội hóa các dự án đã đặt lợi ích các bên để thu hút đầu tư... Nếu nghiêng về Nhà nước thì thiệt hại nhà đầu tư, nhưng nếu nghiêng về nhà đầu tư thì ảnh hưởng tới cộng đồng. Hà Nội đã hài hoà các lợi ích chung nhằm hút đầu tư, nhưng mong sẽ tập trung và chọn mô hình điểm để nhân rộng. |