Kỳ vọng gì từ nới room tín dụng?
Trong nửa đầu năm 2022, dòng vốn cho thị trường bất động sản bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, sự suy giảm của thị trường trái phiếu.
Tuy nhiên, đến ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo cho biết đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng room tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này. Cụ thể, có 15 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room tín dụng. Các ngân hàng đã thông báo điều chỉnh hạn mức room tín dụng như Sacombank 4%; Agribank 3,5%; MB 3,2%; Vietcombank 2,7%; TPBank 1,2% SHB 3,2%; OCB 3,1%; VIB 3%…
Được biết, trong năm 2022, đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước công bố nới hạn mức tín dụng cho tổ chức tín dụng. Các năm trước, nhà điều hành thường có 1 - 2 đợt nới room trong năm, sau khi đã giao mức trần cho từng đơn vị vào đầu năm.
Thông tin này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và khách hàng của thị trường bất động sản.
Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cao cấp Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, việc siết chặt tín dụng nhằm giúp Nhà nước có cơ hội chọn lựa và ưu tiên những doanh nghiệp, dự án có dòng tiền tốt ở các lĩnh vực khác nhau, tùy vào thời điểm và tình hình kinh tế. Ngoài ra, động thái này sẽ hạn chế việc vay tín dụng xấu, gây khó khăn cho các ngân hàng. Do đó, thông báo điều chỉnh room tín dụng mới nhất của Ngân hàng Nhà nước là một động thái bẻ khóa tiền tệ tích cực, giúp trực tiếp bơm nguồn tiền vào nền kinh tế hậu Covid-19, từ đó tiếp sức cho các lĩnh vực và ngành nghề bao gồm dịch vụ, sản xuất, kinh doanh và bất động sản.
Tuy nhiên, theo ông Khương, ngoài nguồn lực và tài chính thì các thủ tục cơ chế là vấn đề nan giải nhất trong việc phát triển thị trường bất động sản ở Việt Nam, không ít dự án còn vướng mắc vấn đề pháp lý. Vì vậy, việc nới room tín dụng và tăng nguồn lực sẽ không tạo nên những thay đổi rõ rệt cho các doanh nghiệp hay cải thiện tình trạng hạn chế về nguồn cung trên thị trường.
Do đó, Chính phủ cần phải có những chính sách khai thông để bổ sung nguồn vốn nội lực và nguồn vốn vay cho doanh nghiệp, từ đó tăng tính liên kết, giúp thị trường bất động sản tận dụng được tiềm năng của nó.
Chia sẻ với Reatimes, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cũng cho rằng, việc nhiều ngân hàng được nới room tín dụng là một tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản nói chung, đặc biệt các doanh nghiệp có các dự án đang triển khai dở dang. Bởi bất động sản là một ngành nghề đặc biệt, cần vốn lớn, bên cạnh đó là thời gian triển khai dự án rất dài. Trong quá trình đó, nếu bị đứt gãy tín dụng, thị trường hay cơ chế chính sách thì đều dẫn đến một hệ quả khôn lường.
“Tôi cho rằng, cần có những giải pháp nhanh chóng và kịp thời để làm sao không bị đứt gãy chuỗi cung ứng thị trường, làm sao để triển khai nhanh các dự án đang dở dang, giúp cho nguồn cung trên thị trường tiến tới đáp ứng được nhu cầu.
Có thể nói thị trường bất động sản Việt Nam rất tốt, như vậy giờ chúng ta chỉ có tác động cơ chế chính sách làm sao cho uyển chuyển, đồng bộ và phù hợp với thực tiễn thì lập tức thị trường sẽ phát triển nhanh", ông Điệp nhấn mạnh.
Mở rộng các dòng vốn để không phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng
Khi vốn tín dụng vẫn thiếu hụt, trái phiếu chưa được "cởi trói", FDI trở thành dòng vốn quan trọng đối với thị trường bất động sản hiện nay.
Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ hồi phục và phát triển kinh tế mạnh nhất thế giới trong giai đoạn sau đại dịch, thu hút nhiều sự quan tâm và nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh cơ hội đầu tư tại nhiều quốc gia ngày càng hạn chế, các khoản đầu tư cũng không có tính cạnh tranh cao, Việt Nam trở thành điểm sáng trong việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài gia nhập thị trường.
"Đây sẽ là cơ hội cho việc phát triển nguồn lực cho dòng FDI ở Việt Nam, bao gồm thị trường bất động sản. Đối với một đất nước với hơn 100 triệu dân như Việt Nam, một siêu đô thị với hơn 10 triệu dân như TP.HCM, các khoản đầu tư này là rất quan trọng. Tất nhiên, khi thị trường phát triển tốt thì sẽ hấp thụ được vốn FDI vào nhiều”, ông Khương nói thêm.
Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn gần 16,8 tỷ USD vào Việt Nam trong 8 tháng năm 2022. Đáng chú ý là số vốn ngoại đầu tư trực tiếp (FDI) rót vào ngành kinh doanh bất động sản lại tăng vọt với hơn 3,3 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Con số đăng ký này đã tăng cao hơn gấp đôi so với số vốn 1,6 tỷ USD mà ngành bất động sản thu hút được của 8 tháng năm 2021.
Ông Nguyễn Thế Điệp cũng cho rằng, doanh nghiệp nước ngoài chỉ cần nhìn thấy cơ hội ở một môi trường đầu tư thông thoáng, có tính cạnh tranh cao thì chắc chắn sẽ "đổ" vào. Tuy nhiên, để tận dụng được dòng vốn này, cần có cơ chế, chính sách đồng bộ. Bên cạnh đó, chính các doanh nghiệp bất động sản trong nước cũng phải không ngừng nâng cao nội lực, khả năng để tạo ra những cú "bắt tay" với hiệu quả cao.
Trong bối cảnh các quy định về tín dụng cho ngành bất động sản có nhiều thay đổi, giới chuyên gia đánh giá việc kêu gọi vốn thông qua hình thức M&A vẫn được các nhà đầu tư tin tưởng và tìm đến những đơn vị tư vấn M&A tiêu chuẩn quốc tế để được hỗ trợ kết nối với những đối tác phù hợp.
Nhận định về xu hướng M&A của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cao cấp Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, đây là cơ hội lớn dành cho các doanh nghiệp trong nước. Việc liên kết giữa các nguồn lực tài chính khác nhau giúp cho doanh nghiệp cải thiện năng lực phát triển các dự án và thu hút nguồn khách hàng mới do các nhà đầu tư nước ngoài đem lại.
“Ngoài ra, đối với những công ty niêm yết, điều này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu hút vốn nước ngoài trên sàn giao dịch chứng khoán. Các công ty quy mô nhỏ với năng lực tài chính thấp cần phải có chiến lược tái cấu trúc lại danh mục đầu tư, đảm bảo hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án”, TS. Sử Ngọc Khương nói thêm./.
Nguồn: https://reatimes.vn/tang-cuong-thu-hut-fdi-cho-bat-dong-san-20201224000014410.html