Việc Trung ương ban hành Nghị quyết 18 được đánh giá là cột mốc quan trọng, với những điểm mới đột phá, hướng đến giải pháp nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, tạo sức bật cho phát triển. Đặc biệt, Nghị quyết có nhiều điểm mới cả trong quan điểm, mục tiêu, cả trong nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Đề cập đến một số điểm mới nổi bật trong Nghị quyết 18, luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên kiêm thành viên Hội đồng Khoa học Pháp lý Trung tâm Trọng tài Quốc tế VN (VIAC) cho biết:
Đầu tiên là việc xác định bỏ khung giá đất xây dựng cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Thứ hai là đánh thuế cao hơn và đánh thuế đối với những người sở hữu nhiều nhà đất, diện tích rồi có giá trị nhà đất lớn. Thứ ba là việc giao đất cho thuê đất sẽ xác định quan điểm rõ ràng hơn. Cái thứ tư thì có lẽ là điểm mới hoàn toàn mới trước đây. Luật Đất đai quy định đất mà sử dụng cho mục đích tôn giáo, cơ sở tôn giáo thì không phải trả tiền sử dụng đất thì hiện nay đã xác định rõ ràng.
Đề cập thêm về những điểm mới đáng chú ý của Nghị quyết 18, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho biết, Nghị quyết 18 có nhiều điểm mới, chủ yếu tác động đến đất đai và xa hơn là về thị trường BĐS. Trong đó, yêu cầu đánh thuế cao với những người sở hữu nhiều BĐS với mục đích đầu cơ.
Trước quy định này, nhiều quan điểm tỏ ra lo ngại về việc thuế đất sẽ tăng cao làm ảnh hưởng tới tầng lớp thu nhập thấp, song theo GS Đặng Hùng Võ, đây không phải là vấn đề đáng lo ngại bởi thuế chỉ đánh cao vào những người sở hữu nhiều BĐS: "Lần này, khi Nghị quyết 18 đưa ra, tôi cho rằng rất sáng tạo là đánh thuế cao vào đâu, nhưng một mặt thì miễn giảm thuế đối với trường hợp nào rất cụ thể. Tại Nghị quyết, chúng ta có thể hiểu rằng chỉ đánh thuế cao vào những trường hợp nhiều nhà nhiều đất đầu cơ, tích trữ, không đưa đất vào sử dụng giấy phép. Tôi cho rằng đấy là yếu tố rất mới của Nghị quyết 18".
Bên cạnh đó, về tài chính đất đai, theo ông Đặng Hùng Võ, một trong những điểm mới nổi bật trong Nghị quyết 18, nhận nhiều sự chú ý hơn cả là quy định bỏ khung giá đất: "Lớn nhất là Nghị quyết 18 đã yêu cầu bỏ khung giá đất, tức là chúng ta thay đổi cách quản lý giá đất. Lần này chúng ta đặt ra những nguyên tắc rất quan trọng là thứ nhất giá đất tìm cách ngang với giá thị trường; đưa quyền sử dụng đất vào như là một yếu tố mang tính thương mại trên thị trường".
Đồng tình quan điểm, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, yêu cầu bỏ khung giá đất mang lại nhiều tác động tích cực: Việc bãi bỏ khung giá đất, đưa thị trường BĐS về cơ chế thị trường sẽ giúp Việt Nam có thêm dòng thu ngân sách từ thuế với giao dịch bất động sản. Cùng với đó sẽ hạn chế được đầu cơ, tham nhũng về đất đai, người dân được lợi khi nhận được tiền đền bù từ đất, tăng thu cho Ngân sách.
Còn theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính của Quốc hội cho rằng, thời gian qua, có rất nhiều vụ tham nhũng tiêu cực liên quan đến đất đai mà nguyên nhân sâu xa là do bảng giá đất thấp:
Quy định này chính là đột phá mang tính bước ngoặt về tư duy. Nếu làm được như Nghị quyết Trung ương 18 đề ra, chúng ta đã thực hiện tốt việc mô hình kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, Nhà nước sử dụng công cụ thị trường để điều tiết hành vi, lợi ích
Nghị quyết 18 được ban hành đã đáp ứng mong đợi của nhiều người dân, với kỳ vọng sẽ khắc phục được hạn chế, bất cập trong chính sách và quản lý đất đai tồn tại nhiều năm nay.
Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nghi-quyet-18-bo-khung-gia-dat-xac-dinh-gia-dat-theo-nguyen-tac-thi-truong-giam-thieu-tieu-cuc-301374.html