Công văn "nóng" gỡ rối cho thí sinh

Trước thực thực tế tại các trường đại học, cao đẳng hiện nay số lượng thí sinh rút hồ sơ chuyển nguyện vọng rất đông, điều đó gây khó khăn cho chính trường đại học, chính các thí sinh vì lượng hồ sơ rất nhiều.

Theo báo Giáo dục Việt Nam, chiều ngày 11/8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết,  để tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh, nhất là các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển, Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT phối hợp với các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng tiếp tục cho thí sinh đăng ký xét tuyển và thay đổi nguyện vọng theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.

Tạo điều kiện cho các thí sinh thay đổi nguyện vọng ĐKXT với sự phối hợp của các sở GD&ĐT theo quy trình, nếu thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ ĐKXT và nộp vào trường khác có thể trực tiếp rút hồ sơ tại trường (theo quy định hiện hành) hoặc có thể tới sở GD&ĐT địa phương hoặc tới các trường THPT do sở GD&ĐT quy định để nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT.  

Trao đổi với báo Tuổi trẻ, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - cho biết qua phản ánh của các phương tiện truyền thông, bộ thấy rằng việc rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng của thí sinh ở xa có phần khó khăn.

Do vậy, bộ bổ sung nơi tiếp nhận thay đổi nguyện vọng nhằm tạo điều kiện cho thí sinh được bình đẳng về cơ hội xét tuyển. Bộ có thảo luận để sở GD-ĐT và các trường THPT tiếp nhận tin thay đổi nguyện vọng xét tuyển, rút hồ sơ của thí sinh.

Bên cạnh đó, bộ cũng điều chỉnh phần mềm để hỗ trợ việc này. Các sở căn cứ vào nhu cầu thực tế của thí sinh cần bố trí nhân sự tiếp nhận phù hợp và đảm bảo trong thời gian quy định.

Theo bà Phụng, khi rút hồ sơ và thay đổi nguyện vọng, thí sinh điền vào mẫu và các sở sẽ nhập vào phần mềm. Thông tin này sẽ được chuyển đến trường thí sinh rút và trường mới thí sinh muốn xét tuyển.

Trường cũ sẽ xóa dữ liệu thí sinh trên hệ thống phần mềm quản lý và lưu giữ bản chính giấy chứng nhận kết quả của thí sinh. Trường mới sẽ xét tuyển thí sinh dựa trên dữ liệu do các sở chuyển về như những thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại trường.

Nếu trúng tuyển, khi nhập học thí sinh phải đến trường cũ rút giấy chứng nhận kết quả và nộp cho trường mới trúng tuyển để kiểm tra.

Sở Giáo dục cập nhật thay đổi vào phần mềm quản lý thi

Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị thay đổi nguyện vọng ĐKXT (theo mẫu 1 kèm theo công văn này), Giấy biên nhận thu hồ sơ của trường cũ hoặc Phiếu báo phát chuyển Hồ sơ ĐKXT của Bưu điện.

Mẫu đơn đề nghị thay đổi nguyện vọng


Đến hết ngày 20/8/2015, Sở GD&ĐT tổ chức thu nhận hồ sơ thay đổi nguyện vọng ĐKXT của thí sinh; cập nhật vào phần mềm quản lý tuyển sinh các thông tin thay đổi nguyện vọng của thí sinh; đồng thời gửi về Bộ qua hộp thư ts2015@moet.edu.vn danh sách thí sinh đề nghị rút hồ sơ.

Lưu giữ Đơn đề nghị thay đổi nguyện vọng ĐKXT, Giấy biên nhận thu hồ sơ của trường cũ hoặc Phiếu báo phát của Bưu điện đến hết tháng 12 năm 2015.

Các trường đại học cập nhật thay đổi từ danh sách Sở gửi lên

Các trường ĐH, CĐ thường xuyên cập nhật thông tin điều chỉnh nguyên vọng ĐKXT do sở GDĐT chuyển lên hệ thống phần mềm quản lý tuyển sinh của Bộ và tiếp nhận danh sách thí sinh đề nghị rút hồ sơ và cập nhật vào phần mềm quản lý tuyển sinh của Bộ để đưa thí sinh ra khỏi danh sách ĐKXT của trường; lưu giữ Giấy chứng nhận kết quả thi của các thí sinh này; Nhập thông tin của thí sinh vào dữ liệu ĐKXT của trường mình.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở, các trường đại học, cao đẳng khắc phục khó khăn, tạo thuận lợi nhất có thể cho học sinh.

Ngân Chi (Tổng hợp)/ Theo Ngày nay Online