Ngày 22/9, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững thị trường bất động sản (BĐS) và Trao chứng nhận cho các dự án đáng sống năm 2023.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Liên đoàn VCCI Phạm Tấn Công cho biết, BĐS là thị trường có vị trí và vai trò quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế quốc dân của Việt Nam, vừa có hệ sinh thái riêng, vừa có quan hệ trực tiếp với các thị trường khác như: thị trường tài chính, thị trường lao động...
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã không ngừng quan tâm và ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ thị trường hồi phục, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành gần 10 nghị quyết, nghị định, thông tư, cùng với đó là nhiều cuộc họp với các hiệp hội, doanh nghiệp BĐS đầu ngành được tổ chức để tìm ra hướng giải quyết những khó khăn trên thị trường.
Tuy vậy, các doanh nghiệp BĐS hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong quý giảm. Cụ thể, quý I/2023 là 940 doanh nghiệp, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022, bên cạnh đó số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341, tăng 30,2% và 1.816, tăng 60,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh: Hệ thống chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai đang tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là Luật Đất đai 2013 sau gần 10 năm áp dụng đã cho thấy những bất cập khi chưa theo kịp hay chưa đủ chi phối những tình huống mới của thị trường BĐS. Trong quá trình tổ chức thực hiện các Luật có liên quan đến BĐS lại mâu thuẫn, chồng chéo, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện, làm giảm hiệu lực, hiệu quả các quy định của pháp luật, dẫn tới chưa khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải cũng cho rằng, là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, có liên quan mật thiết đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Nhưng những khó khăn của thị trường thời gian gần đây không thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều mà cần nhiều thời gian để thử nghiệm hay rút kinh nghiệm.
“Hiện có rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị đang triển khai thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc hoặc dừng triển khai thực hiện do nhiều nguyên nhân, điển hình như nguyên nhân liên quan đến pháp luật về đất đai, quy định về phương pháp định giá đất; liên quan đến pháp luật về quy hoạch, về thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung; về điều kiện, thời điểm rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch đảm bảo đồng bộ quy hoạch xây dựng bao gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu… hay những nguyên nhân liên quan đến pháp luật về đầu tư” – ông Hoàng Hải nói.
Cần sớm tháo gỡ nhiều vướng mắc
Theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp, thị trường BĐS Việt Nam hiện nay rất hấp dẫn với 100 triệu dân, tốc độ đô thị hóa cao, năm sau phát triển nhanh hơn năm trước. Tuy nhiên, 70% các vướng mắc xuất phát từ pháp lý do sự chồng chéo về luật pháp, riêng BĐS có 12 luật tác động chi phối, nếu rộng ra là 20 luật như: Luật Quy hoạch, Luật Phòng cháy chữa cháy…
“Các bộ ngành chịu trách nhiệm làm luật nhưng chưa có cơ chế thống nhất, dù quy trình thực thi rất tốt nhưng quá trình xây dựng vẫn xuất hiện những chồng chéo. Bên cạnh đó, việc tiếp thu các ý kiến đóng góp trong quá trình xây dựng Luật vẫn còn hạn chế. Thị trường BĐS đang tồn tại 4 vướng mắc lớn: giải phóng mặt bằng, quy hoạch, định giá đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Vì vậy, pháp luật cần tập trung vào các vấn đề đã nêu để tháo gỡ cho thị trường” – ông Nguyễn Quốc Hiệp kiến nghị.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam TS Nguyễn Văn Đính cho rằng, thời gian qua Chính phủ và các Bộ, ngành đã rất nỗ lực đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, niềm tin từ các nhà đầu tư cũng dần được phục hồi, nhiều dự án mới bắt đầu mở bán trên thị trường, dẫn đến việc gia tăng số lượng giao dịch.
“Tuy vậy, việc cải thiện nguồn cung nhà ở mới và sự ổn định của tâm lý của người mua vẫn đang diễn ra chậm chạp, cần nhiều thời gian để hoàn thiện các dự án mới. Đồng thời, tâm lý của nhà đầu tư dù đang dần ổn định hơn nhưng vẫn khá thận trọng, đặc biệt là những người đang đối diện với áp lực tài chính từ các khoản đầu tư trước đây. Qua khảo sát, 70% DN cho biết, các chính sách về nguồn vốn vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả” – ông Nguyễn Văn Đính cho hay.
Thị trường sẽ phục hồi trong năm 2024
TS. Sử Ngọc Khương - Chuyên gia đầu tư bất động sản cho rằng, thị trường đang được điều tiết tốt hơn về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Đáng chú ý, để kịp thời tháo gỡ, Chính phủ cùng Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở các báo cáo tham mưu, đề xuất của Bộ Xây dựng và Bộ ngành liên quan đã ban hành nhiều chỉ đạo giải quyết với biện pháp rất quyết liệt, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường cũng như doanh nghiệp bất động sản.
CTCP Chứng khoán VnDirect đánh giá, việc ban hành các chính sách hỗ trợ (Nghị định 08, Nghị quyết 33, Quyết định 388, Nghị định 10...) và nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa đầu năm 2023 được xem là có lợi cho thị trường bất động sản.
Đặc biệt, Luật Đất đai 2023, nếu được áp dụng đúng tiến độ sẽ có hiệu lực trong nửa cuối năm 2024, từ đó giải quyết các nút thắt trong phê duyệt dự án tại các dự án khu dân cư mới, giúp nguồn cung nhà ở phục hồi trong giai đoạn 2024 - 2025.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, thị trường BĐS có thể khó khăn kéo dài đến quý II, quý III sang năm. Để phục hồi, Chính phủ đang quyết liệt cùng với Tổ công tác về tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS với sự tham gia tới tận DN./.
Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/thi-truong-bds-con-nhieu-kho-khan-109551.html