Hành động theo đám đông chỉ gây thiệt cho chính mình
Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc đáng ghi nhận, tuy nhiên quy mô thị trường này so với GDP còn nhỏ, cho thấy đây là một thị trường còn tương đối non trẻ. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp trên GDP tại Việt Nam đang thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực; như Malaysia khoảng 50 - 60%, Singapore gần 40%, Thái Lan ở mức 30%, trong khi đó Việt Nam chỉ khoảng 15% GDP.
Vì vậy, dư địa cho thị trường TPDN Việt Nam còn nhiều và tiềm năng để phát triển là rất lớn. Hơn hết, TPDN đóng vai trò rất quan trọng trong việc huy động vốn, đảm bảo dòng vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế thay vì phụ thuộc quá nhiều vào thị trường tiền tệ, tín dụng.
Vai trò và tiềm năng của TPDN là không thể chối cãi, song thị trường này thời gian qua gặp không ít những khó khăn và biến cố. Đặc biệt là lòng tin của giới đầu tư đang dần lung lay, từ đó tạo nên áp lực lớn cho thị trường.
Chia sẻ tại một talkshow mới đây của Báo Đầu tư, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Công ty Chứng khoán DSC cho biết, trong thời gian qua đã có một cuộc khủng khoảng nhẹ về niềm tin trên thị trường TPDN.
“Nỗi sợ lớn với thị trường lúc này là chúng ta bị mờ thông tin, đặc biệt với các nhà đầu tư cá nhân. Hiện tại, chúng ta chưa có vụ vỡ trái phiếu nào nhưng nỗi sợ vô hình là rất lớn. Thị trường vẫn có trái phiếu tốt, trái phiếu xấu, nhưng nỗi sợ của thị trường là nỗi sợ chung”, ông Huy nói.
Theo ông Huy, nỗi sợ là đúng nếu trái phiếu có vấn đề. Nhà đầu tư muốn thu hồi tiền ngay lập tức là không sai. Nhưng hành động theo đám đông, nhìn thấy người khác rút trái phiếu mà không phân tích bản chất doanh nghiệp thì sẽ gây thiệt hại cho chính bản thân mình, cụ thể là lãi suất thấp hơn. Không những thế, việc bán tháo còn gây áp lực lớn lên thị trường và các bên liên quan.
Vì vậy, ông Bùi Văn Huy cho rằng, nhà đầu tư cần bình tĩnh, phân tích kỹ càng, không nên đánh đồng tất cả trái phiếu trên thị trường với nhau. Nhà đầu tư cần đi sâu vào tình hình hoạt động, phân tích tình hình dòng tiền và khả năng chi trả trái phiếu của doanh nghiệp cũng như rủi ro về pháp lý của các dự án.
“Tôi nhận ra rằng, thị trường có phát triển hay không phụ thuộc vào mức độ hiểu biết của nhà đầu tư. Do đó, mấu chốt quan trọng vẫn là nhà đầu tư cần nắm rõ thông tin, hiểu rõ doanh nghiệp và nghiên cứu kỹ thị trường”, ông Huy chia sẻ.
Đánh giá về mức độ tin cậy của thị trường TPDN, ông Huy cho rằng, hiện thị trường vẫn an toàn, chưa có rủi ro hệ thống, ít nhất là những trái phiếu đến hạn trong năm 2022, 2023 và 2024.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Anvi nhìn nhận, thị trường trái phiếu có sự phát triển mạnh trong hai năm gần đây. Dù sôi động như vậy nhưng không thể nói trước được những rủi ro của thị trường này vì không có tiêu chí, cơ sở nào để đánh giá mà dựa trên những quy định chặt chẽ, đòi hỏi nhiều thứ nên nhà đầu tư không biết trông chờ vào đâu.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Chưa ai mất trên thị trường trái phiếu nhưng thị trường đang sôi sục vì thông tin chưa chính xác, nhà đầu tư nghĩ mình bị lừa và chưa hiểu rõ vấn đề. Đó là nguy cơ không chỉ xuất phát từ niềm tin trên thị trường mà còn do pháp lý không ổn định, chưa có lộ trình bài bản nên đến bây giờ Việt Nam phải chấp nhận xử lý rủi ro và tìm cách tháo gỡ.
Thậm chí, thị trường cổ phiếu còn rủi ro nhiều hơn thị trường trái phiếu, bởi thị trường trái phiếu có sự minh bạch, rõ ràng hơn, cam kết cao hơn về hồ sơ, thủ tục… Tất nhiên cuối cùng thị trường nào cũng vẫn phải phụ thuộc vào sức khỏe doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong 100 mã trái phiếu an toàn, nếu có 5 - 7 mã chưa đạt thì cũng không nên vì rủi ro nhỏ mà ảnh hưởng tới niềm tin lớn vì có thể sẽ làm sập đổ cả thị trường. Do đó, nhà đầu tư phải biết phân biệt, sàng lọc, xem xét và lựa chọn trái phiếu”.
Cũng theo ông Trương Thanh Đức, doanh nghiệp đang hoạt động một cách bình thường, có uy tín trong nhiều năm, dẫn dắt thị trường, có nhiều dự án, hiệu quả kinh doanh tốt... thì dù thua lỗ, doanh nghiệp vẫn cam kết cố gắng hoàn thành nghĩa vụ với nhà đầu tư, vì đó là sự sống còn của doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp không hoàn thành nghĩa vụ, không trả nợ đúng hạn thì sau này khó huy động vốn, thậm chí bán hàng cũng không được. Quan trọng hàng đầu của doanh nghiệp vẫn là chữ tín với khách hàng, bằng mọi cách doanh nghiệp phải chấp nhận thanh toán đúng gốc lẫn lãi.
“Trong các vụ án vừa qua, có những công ty phát hành trái phiếu dù tài sản rất lớn mà không thể cầm cố, thế chấp vào đâu, nếu không chủ động xử lý thì cơ quan chức năng sẽ phải xử lý. Việc này mất nhiều thời gian hơn, nhưng về cơ bản, nhà đầu tư sẽ không mất hết”, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Rủi ro là bản chất của thị trường
Đưa ra giải pháp cho thị trường TPDN, các chuyên gia cho rằng, thị trường cần công khai minh bạch thông tin và nhà đầu tư cần có sự tỉnh táo. Không nên chạy theo tâm lý đám đông bởi bản chất của thị trường là luôn có rủi ro.
“Chúng ta không nên sợ rủi ro, có người chấp nhận rủi ro thấp, có người chấp nhận rủi ro cao, nên cái mà nhà đầu tư cần sợ là sợ sự bất định của chính mình. Người chấp nhận rủi ro thấp thì có thể chấp nhận đầu tư vào những trái phiếu an toàn, người chấp nhận rủi ro cao thì có thể đầu tư vào những trái phiếu rủi ro cao, thậm chí ở Mỹ có cả những trái phiếu rác, quan trọng là tỷ suất sinh lợi bao nhiêu để nó tương xưng với rủi ro như vậy.
Khi chúng ta xác định được mức độ rủi ro của từng trái phiếu thì chúng ta lựa chọn rất dễ. Và khi hình dung được câu chuyện này thì việc rút tiền hàng loạt sẽ không xảy ra”, ông Bùi Văn Huy nói.
Cũng theo ông Huy, bên cạnh việc nhà đầu tư phải có sự kiên định thì Nhà nước cũng cần xây dựng được một thị trường minh bạch, nơi mà ở đó, cái gì tốt, cái gì xấu cũng được phơi bày ra, cái gì rủi ro cao, rủi ro thấp cũng được công khai minh bạch để nhà đầu tư có được thông tin và dựa trên cơ sở đó có thể đưa ra những quyết định đúng đắn.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng đồng quan điểm, dù chính sách, hành động thế nào thì quan trọng nhất vẫn là đạt được sự công khai, minh bạch trong thông tin và thông tin phải đúng, trung thực. Bất kỳ doanh nghiệp nào vi phạm phải xử lý rất nặng. Từ đó mới có thể tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư, giúp thị trường được khơi thông và phát triển. Còn về mức độ rủi ro, đây vốn đã là bản chất của thị trường nên các nhà đầu tư cần chấp nhận.
“Rủi ro là bản chất của thị trường. Sự nguy hiểm tăng theo lãi suất, lãi suất tăng theo rủi ro là nguyên tắc cơ bản mà mỗi nhà đầu tư phải biết. Trên thế giới có nhiều mô hình đầu tư mạo hiểm, mức độ rủi ro rất cao, không biết có tương lai hay không nhưng vẫn có nhiều nhà đầu tư đổ hàng triệu, hàng tỷ USD vào. Điều đó chứng tỏ, sự tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng của các nhà đầu tư mới là điều quan trọng”, ông Đức cho biết./.
Nguồn: https://reatimes.vn/thi-truong-trai-phieu-la-van-de-cua-niem-tin-20201224000015583.html