Những năm gần đây, trái phiếu đang dần trở thành một kênh huy động vốn của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản. Trong năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành tổng cộng 722.700 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2020. Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành cuối năm 2021 đạt khoảng 1,4 triệu tỷ đồng (tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm trong giai đoạn từ 2017-2021). Theo đó, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng mạnh, từ 4,9% GDP năm 2017 lên tới 16,6% GDP vào năm 2021.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản là nhóm phát hành nhiều nhất với 318.200 tỷ đồng (tăng 66,3% so với năm 2020) và chiếm 44% tổng lượng phát hành năm 2021. Kế đến, các ngân hàng phát hành tổng cộng 226.400 tỷ đồng, chiếm 31,3% tổng lượng phát hành và tăng 73% so với năm 2020 (một phần do nhu cầu cần nguồn vốn để bù đắp lượng trái phiếu mua lại trước hạn lên tới 67.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, các nhóm ngành năng lượng khoáng sản, định chế tài chính phi ngân hàng, phát triển hạ tầng phát hành từ 28.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng, chiếm trên dưới 4% tổng lượng phát hành; trong đó lượng phát hành của các định chế tài chính phi ngân hàng (chủ yếu là các công ty chứng khoán) và nhóm phát triển hạ tầng tăng cao so với năm 2020 (lần lượt tăng 152% và 225%).
Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo lắng, khi tăng trưởng mảng trái phiếu doanh nghiệp đóng góp nhiều vào mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 ở nhiều ngân hàng như TCB, VPB, MBB, TPB. Việc một số ngân hàng ồ ạt mua trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua có thể có cả mục đích đảo nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Nói cách khác, đây là một cách ngân hàng và doanh nghiệp bắt tay nhau dùng trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ.
Đặc biệt, trong thời gian qua, các loại trái phiếu doanh nghiệp được phát hành tại Việt Nam hầu hết đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, nhiều loại trái phiếu không có tài sản đảm bảo; một số doanh nghiệp công bố huy động vốn trái phiếu với lãi suất cao, nhưng không có phương án kinh doanh khả thi rõ ràng, do vậy rất khó có khả năng đảm bảo trả được nợ gốc và lãi sau này.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang tiềm ẩn rủi ro đối với một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao. Khi doanh nghiệp bất động sản gặp trục trặc thì ngân hàng và cả nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ nắm giữ các trái phiếu doanh nghiệp đều có thể bị vạ lây, thậm chí phá sản. Tất nhiên, trong ngắn hạn, rủi ro vỡ nợ đến từ các doanh nghiệp này là chưa nhiều khi thời điểm đáo hạn của các trái phiếu doanh nghiệp hầu hết vào năm 2024 - 2025.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã xuất hiện những rủi ro tiềm ẩn. Chính vì vậy trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã liên tiếp phát đi thông điệp cảnh báo; đồng thời triển khai những hành động quyết liệt để thị trường tiềm năng này phát triển ổn định, an toàn, hiệu quả.
Ngay từ khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp manh nha những rủi ro, cuối năm 2019, Bộ Tài chính đã kịp thời phát đi những cảnh báo đầu tiên. Tiếp đó, trong bối cảnh thị trường này tăng mạnh, trong năm 2020 và năm 2021, Bộ Tài chính đã liên tiếp gia tăng tần suất và cường độ cảnh báo rủi ro. Trong hai năm trở lại đây, với nhiều hình thức khác nhau, các thông tin cảnh báo về rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã được nhiều cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải rộng khắp, truyền thông điệp của các cơ quan quản lý, cũng như các chuyên gia uy tín.
Bộ Tài chính đã yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam,… đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo thị trường này trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, tính chủ động và sự kiên quyết, việc kiểm tra sâu sát và chế tài xử lý với các chủ thể phát hành của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chưa thực sự nghiêm khắc.
Khung pháp lý quản lý trái phiếu doanh nghiệp liên tục được hoàn thiện. Theo quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Doanh nghiệp năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán quy định về chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng.
Để quản lý tốt trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 57/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/7/2021 quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường các loại chứng khoán, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp sẽ hoạt động trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong năm 2022. Theo đó, chậm nhất đến hết ngày 31/12/2022, HNX thống nhất tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu theo quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm tra một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo và tình hình tài chính yếu kém.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Công an thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp bất động sản huy động vốn từ phát hành trái phiếu và phối hợp chia sẻ thông tin kết quả kiểm tra, giám sát.
Đáng lưu ý, trước thực tế, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn nhưng không phục vụ cho sản xuất kinh doanh, trên cơ sở công tác quản lý giám sát và kết quả kiểm tra về tình hình phát hành, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đánh giá để đề xuất sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng hạn chế hiện tượng tiêu cực, tăng cường công khai minh bạch trong huy động vốn trái phiếu.
Ngày 16/9/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung nhiều điều, khoản so với Nghị định 153. Như quy định về điều kiện phát hành trái phiếu tuân thủ quy định tại Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, Nghị định 65 chỉ điều chỉnh một số quy định về hồ sơ, để đảm bảo tăng tính minh bạch của việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tăng tính tiếp cận thông tin của chủ thể phát hành và của nhà đầu tư. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm về công bố thông tin của nhà phát hành cho nhà đầu tư và trách nhiệm trong việc sử dụng vốn và các quy định khác.
Nghị định 65/2022/NĐ-CP bổ sung quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu gồm: Kết quả xếp hạng tín nhiệm trong một số trường hợp cụ thể theo quy định của Luật Chứng khoán và lộ trình thực hiện như quy định đối với chào bán trái phiếu ra công chúng (từ 01/01/2023); hợp đồng ký kết với đại diện người sở hữu trái phiếu trong trường hợp chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân và xác nhận của ngân hàng thương mại về việc mở tài khoản nhận tiền mua trái phiếu.
Như vậy, nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định bổ sung yêu cầu phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp trong hồ sơ phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo từng trường hợp và lộ trình như đối với trường hợp phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng theo các quy định hiện hành. Đồng thời, nghị định cũng quy định doanh nghiệp được phát hành trái phiếu riêng lẻ để cơ cấu lại nợ doanh nghiệp.
Nghị định bổ sung quy định doanh nghiệp phải mua lại trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành; trước và sau khi phát hành phải có công bố thông tin về khả năng đảm bảo thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành đã được công bố. Với quy định này, quyền lợi của nhà đầu tư trái phiếu được đảm bảo ở mức độ cao hơn.
Nghị định 65/2022/NĐ-CP cũng bổ sung quy định tài sản bảo đảm của trái phiếu phải được định giá và đăng ký biện pháp bảo đảm. Đồng thời quy định: Nội dung Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp tại Sở Giao dịch chứng khoán sẽ bổ sung công bố một số chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp phát hành, thông tin về các doanh nghiệp không thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu, sử dụng vốn trái phiếu không đúng mục đích để nhà đầu tư và thị trường biết được thông tin của doanh nghiệp phát hành.
Nghị định bổ sung các quy định để tăng tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư cá nhân khi mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hạn chế tối đa nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ gian lận để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Trong đó, việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng danh mục chứng khoán phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay. Thời hạn có hiệu lực của giấy chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp chỉ là 3 tháng thay vì 1 năm như trước đây.
Khi mua trái phiếu, nhà đầu tư phải đọc, hiểu và ký văn bản xác nhận đã tiếp cận đầy đủ các tài liệu về trái phiếu dự kiến mua và hiểu biết pháp luật, chấp nhận rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp); tổ chức cung cấp thông tin và tổ chức xác nhận tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cùng ký xác nhận lên văn bản này về việc đã cung cấp đầy đủ thông tin và hồ sơ cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư không được phép bán hoặc cùng góp vốn đầu tư trái phiếu với nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Nghị định bổ sung quy định nhằm tăng cường tính minh bạch và tuân thủ pháp luật của các tổ chức cung cấp dịch vụ, như: Đại lý phát hành là công ty chứng khoán được Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp phép hoặc ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành phải xác nhận về việc doanh nghiệp phát hành đã nhận đủ tiền thu từ phát hành trái phiếu. Tổ chức cung cấp dịch vụ không được là người có liên quan của doanh nghiệp phát hành.
Trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ đã được bổ sung cụ thể, đặc biệt là trách nhiệm của tổ chức phân phối trái phiếu nếu hỗ trợ doanh nghiệp phát hành khống hoặc cung cấp thông tin sai sự thật, chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu. Trường hợp các tổ chức này vi phạm quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung quy định để thiết lập thị trường giao dịch có tổ chức. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải lưu ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán, sau đó đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán.
Tại phương án phát hành trái phiếu phải nêu cụ thể đối tượng nhà đầu tư mua trái phiếu, sau khi phát hành trái phiếu chỉ được giao dịch giữa các đối tượng nhà đầu tư đã công bố tại phương án phát hành.
Để hoàn thiện quy định về cơ chế quản lý, giám sát, Nghị định còn bổ sung trách nhiệm giám sát của Sở Giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam và trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán nhà nước trong việc quản lý, giám sát và thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Bộ Tài chính có trách nhiệm đánh giá việc thực hiện cơ chế chính sách; quản lý, giám sát tổ chức kiểm toán, doanh nghiệp thẩm định giá khi cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp; Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm giám sát các tổ chức tín dụng khi cấp phép cho các tổ chức này cung cấp dịch vụ đấu thầu, đại lý phát hành trái phiếu.
Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý tại cấp luật và các văn bản hướng dẫn tập trung vào việc đánh giá điều kiện phát hành và điều kiện nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Theo thống kê, hiện lượng trái phiếu riêng lẻ chiếm áp đảo 95% (khoảng 1,425 triệu tỷ đồng) trong tổng khối lượng trái phiếu phát hành tính đến cuối năm 2021 (1,5 triệu tỷ đồng).
Cuối tháng 7/2022, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn khoảng 144.500 tỷ đồng. Con số này của năm 2023 ở mức 271.400 tỷ đồng và năm 2024 sẽ là 329.500 tỷ đồng. Theo đó, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trả nợ trong vòng 3 năm tiếp theo lên tới 745.400 tỷ đồng. Quý IV/2022, bất động sản là ngành có lượng trái phiếu đáo hạn lớn nhất với tổng giá trị đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng. Phần lớn trái phiếu được công ty bất động sản phát hành với kỳ hạn ngắn hơn chu kỳ phát triển của dự án bất động sản, nhằm giúp lãi suất phát hành thấp hơn và việc phát hành, hấp thụ trái phiếu trở nên dễ dàng hơn. Điều này dẫn đến nhu cầu vòng quay trái phiếu khi đáo hạn là rất cao. Tuy nhiên, áp lực trái phiếu đáo hạn đã được giảm thấp với trào lưu mua lại trước hạn trái phiếu của các doanh nghiệp.
Với các quy định mới của cơ quan quản lý và sau các sự kiện chưa có tiền lệ về việc hủy các lô trái phiếu đã phát hành của một số doanh nghiệp, thị trường chứng kiến làn sóng mua lại trái phiếu trước hạn mạnh mẽ của các doanh nghiệp phát hành. Theo đó, tính đến 30/9/2022, số dư TPDN giảm xuống 1,3 triệu tỷ đồng. Hiện nay giá trị trái phiếu do ngân hàng phát hành là hơn 400 nghìn tỷ, TPDN phi ngân hàng là hơn 920 nghìn tỷ đồng. Chiếm gần 50% trong số này là dư nợ trái phiếu bất động sản (455 nghìn tỷ đồng).
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), trong tháng 9/2022, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 28.833 tỷ đồng, tăng 199% so với cùng kỳ năm trước. Tính luỹ kế trong 9 tháng năm 2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là 142.209 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021. Rõ ràng, với giá trị mua lại trong 9 tháng đầu năm 2022 rất cao, áp lực thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn đã giảm đi đáng kể.
Tuy nhiên, giá trị phát hành trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 9/2022 vẫn ở mức thấp, không có nhiều bứt phá. Cụ thể, trong tháng có tổng cộng 25 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành là 15.363 tỷ đồng. Ngân hàng vẫn là nhóm dẫn đầu với tổng giá trị phát hành 9.623 tỷ đồng. Nhóm bất động sản đứng thứ hai phát hành 2.300 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm. Nhóm hàng tiêu dùng đứng thứ ba phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm và 7 năm.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 10.499 tỷ đồng, giảm 9,37% so với cùng kỳ năm ngoái (chiếm khoảng 4,3% tổng giá trị phát hành). Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 233.692 tỷ đồng, giảm 40% (chiếm khoảng 95,7% tổng giá trị phát hành).
Để có nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn, các doanh nghiệp bất động sản cần xem xét kỹ và thực hiện các điều kiện để có thể tiếp tục phát hành trái phiếu ra công chúng và phát hành trái phiếu riêng lẻ theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP để vừa đảm bảo nguồn vốn đầu tư vào các dự án bất động sản, vừa đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.
Với việc ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP và sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ ngày càng phát triển bền vững, an toàn, lành mạnh, ổn định và trở thành kênh huy động vốn hiệu quả của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Bộ Tài chính cho biết đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm, tức là từ ngày 1/1/2024 sẽ tiếp tục thực hiện quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP.
Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình 2 tỷ đồng tối thiểu trong 180 ngày, không bao gồm tiền đi vay.
Trong dự thảo nghị định sửa đổi, Bộ Tài chính báo cáo thị trường đang gặp khó khăn về thanh khoản. Việc giãn thời gian thực hiện quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm sẽ giúp thị trường có thêm thời gian điều chỉnh và có thể duy trì cầu đầu tư trái phiếu của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề xuất giãn thời gian thực hiện 1 năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP.
Nghị định 65/2022/NĐ-CP yêu cầu từ 1/1/2023, hồ sơ chào bán trái phiếu của doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm, được áp dụng với những doanh nghiệp có tổng giá trị trái phiếu huy động trong 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu hoặc tổng dư nợ trái phiếu lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu.
Bộ Tài chính lý giải trong bối cảnh huy động vốn khó khăn, trường hợp doanh nghiệp phải thực hiện xếp hạng tín nhiệm sẽ mất một thời gian đáng kể và tăng thêm chi phí phát hành.
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất hoãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong vòng 1 năm, từ ngày 1/1/2024 sẽ thực hiện thay vì từ 1/1/2023 như quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Đối với trái phiếu chào bán ra công chúng, doanh nghiệp phát hành vẫn phải xếp hạng tín nhiệm từ đầu năm sau.
Nguồn: https://reatimes.vn/phat-trien-thi-truong-trai-phieu-lanh-manh-on-dinh--20201224000016392.html