Năm 2022 là một năm mà nền kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn từ những vấn đề như áp lực từ lạm phát, lãi suất tăng, xung đột tại Ukraine,… Điều này đã đẩy các công ty khởi nghiệp (startup) rơi vào thế khó bởi các nhà đầu tư đã thận trọng hơn trong việc rót vốn, qua đó khiến mức định giá startup không còn tình trạng “liên tục lập đỉnh” như trong giai đoạn 2020 – 2021.
Chính những startup cũng phải thay đổi chiến lược trong năm 2022. Thay vì cố gắng đốt tiền để mở rộng quy mô nhanh chóng, nhiều startup đã thận trọng hơn trong việc sử dụng nguồn vốn để phát triển doanh nghiệp.
Trong bối cảnh khó khăn trên thị trường vốn, vẫn có một số startup nổi lên, nhận được sự đánh giá cao của các nhà đầu tư và đã thực hiện được những vòng gọi vốn trị giá hàng triệu USD trong năm 2022.
Finhay – 25 triệu USD
Tháng 6, công ty khởi nghiệp fintech của Việt Nam Finhay đã huy động được 25 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B do quỹ đầu tư Openspace Ventures có trụ sở tại Singapore, đơn vị đầu tư ban đầu vào Tập đoàn GoTo của Indonesia; trang mạng xã hội Kumu có trụ sở tại Manila, Philippines và Vietnam Investments Group dẫn đầu.
Finhay cho biết các nhà đầu tư khác trong vòng gọi vốn này bao gồm Insignia Ventures Partners, TVS, Headline, TNB Aura và IVC. Đầu tháng này, Insignia, với các khoản đầu tư khác bao gồm GoTo và kỳ lân ô tô đã qua sử dụng có trụ sở tại Singapore, Carro, cũng đã dẫn đầu một vòng gọi vốn pre-Series A cho Bluesheets, một công ty khởi nghiệp về dữ liệu tài chính ở Singapore.
Nguồn vốn mới này sẽ được Finhay sử dụng để đầu tư vào việc mở rộng kinh doanh, tuyển dụng nhân sự và phát triển công nghệ. Finhay cũng đã mua lại một công ty môi giới chứng khoán, biến nó thành nền tảng đầu tư kỹ thuật số duy nhất được cấp phép tại Việt Nam, theo thông báo từ startup này.
Finhay được thành lập vào năm 2017 bởi Huy Nghiêm. Startup này vận hành một nền tảng đầu tư vi mô và có hơn 2,7 triệu người dùng đã đăng ký ở Việt Nam. Nền tảng của Finhay đề xuất nhiều sản phẩm tài chính vi mô bao gồm các gói tiết kiệm, đầu tư và bảo hiểm dựa trên thông tin cá nhân của khách hàng và đánh giá rủi ro.
Sau đó, khách hàng có thể bắt đầu xây dựng “sự giàu có” của mình thông qua Finhay với nguồn vốn ban đầu chỉ từ 3 USD (gần 70.000 đồng). Huy Nghiêm, người từng lọt vào danh sách 30 Under 30 Asia năm 2020, hình dung Finhay là giải pháp “một cửa”, nơi khách hàng có thể quản lý tài sản của mình một cách liền mạch.
Virtual Internships – 14,3 triệu USD
Trong tháng 9, Virtual Internships, một startup edtech chuyên về các chương trình thực tập dành cho học sinh, sinh viên có trụ sở tại Anh và Việt Nam đã huy động được 14,3 triệu USD trong một vòng gọi vốn Series A do Hambro Perks dẫn đầu, với sự tham gia của Sequoia India & Southeast Asia’s Surge và STIC Investments.
Công ty khởi nghiệp này cung cấp khả năng tiếp cận việc thực tập thông qua các dịch vụ kỹ thuật số cho các thành viên theo học chương trình giáo dục đại học trên 100 quốc gia. Ngoài ra, Virtual Internships cũng đào tạo cho sinh viên trước và trong suốt quá trình thực tập của họ.
Công ty cho biết bất kể vị trí, lý lịch, chuyên ngành và lĩnh vực nghề nghiệp, Virtual Internships sẽ giúp sinh viên có cơ hội thực tập tại các công ty khởi nghiệp và công ty blue-chip trong vòng một tháng. Startup này cũng đưa ra ước tính rằng cứ mỗi 7,5 phút sẽ có một công ty mới tham gia vào mạng lưới của Virtual Internships.
Được thành lập vào năm 2018 bởi Daniel Nivern và Ed Holroyd Pearce, Virtual Internships có nhân viên hoạt động tại 25 quốc gia trên toàn thế giới. Công ty đã tham gia vào đợt thứ 5 của chương trình Sequoia’s Surge, một chương trình cung cấp các hỗ trợ để tăng tốc cho các startup của quỹ đầu tư Sequoia.
Edupia – 14 triệu USD
Cũng trong tháng 9, Edupia, một công ty khởi nghiệp về lĩnh vực edtech có trụ sở tại Việt Nam, đã huy động thành công 14 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A do Jungle Ventures dẫn đầu. Quỹ đầu tư EWTP Capital do gã khổng lồ Alibaba “chống lưng” và quỹ đầu tư ThinkZone Ventures của Việt Nam cũng tham gia vòng gọi vốn này của Edupia.
Với nguồn vốn huy động thành công từ vòng gọi vốn mới nhất, Edupia đã huy động được tổng cộng 16 triệu USD vốn đầu tư tính đến tháng 9.
Được thành lập vào năm 2018 bởi Trần Đức Hùng, công ty khởi nghiệp này hoạt động với mục đích cung cấp một nền tảng học tiếng Anh dễ dàng và dễ tiếp cận để xóa bỏ bất bình đẳng về ngôn ngữ tại Việt Nam. Nền tảng học tập của Edupia hướng đến trẻ em dưới 6 tuổi cũng như học sinh tiểu học và trung học.
Edupia khởi đầu là một nền tảng tự học và đã mở rộng sang các lớp học trực tiếp và dạy kèm riêng. Hiện tại, ứng dụng này có hơn 5 triệu người dùng và đang nhận thấy nhu cầu từ các thị trường Đông Nam Á khác ngoài Việt Nam, bao gồm Indonesia, Thái Lan và Myanmar.
Edupia đang tìm cách tập trung vào các sản phẩm dành cho học sinh từ mẫu giáo cho tới lớp 12 và đã mở rộng sang các môn học bổ sung như toán học và code. Công ty cũng có kế hoạch mở rộng sang thị trường Thái Lan và Indonesia, cũng như giới thiệu các tính năng và giải pháp công nghệ mới.
Dat Bike – 13,3 triệu USD
Tháng 4, Dat Bike, startup xe máy điện Việt Nam, đã huy động được 5,3 triệu USD trong vòng gọi vốn series A do Jungle Ventures dẫn đầu, với sự tham gia tiếp tục của nhà đầu tư Wavemaker Partners, đơn vị đã rót vốn vào Dat Bike ở những vòng gọi vốn trước.
Tới tháng 11, Dat Bike tiếp tục vốn thành công thêm 8 triệu USD, qua đó nâng tổng nguồn vốn kêu gọi thành công qua các vòng gọi vốn trong năm 2022 lên 13,3 triệu USD. Dẫn đầu vòng gọi vốn này của Dat Bike là Jungle Ventures, cùng với sự tham gia của GSR Ventures, Delivery Hero Ventures, Wavemaker Partners và Innoven Capital.
Dat Bike được thành lập vào năm 2019 bởi ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn, một kỹ sư phần mềm từng làm việc tại Thung lũng Silicon. Startup ra đời với sứ mệnh xanh hóa giao thông, chuyển đổi xe máy xăng tại Việt Nam thành xe máy điện.
Thực tế, Dat Bike không phải là một startup quá xa lạ tại Việt Nam. Năm 2019, ông Sơn từng mang Dat Bike lên sóng chương trình truyền hình Shark Tank Việt Nam để gọi vốn.
Thời điểm lên sóng Shark Tank gọi vốn, Dat Bike cho biết đã mở bán xe được hơn 1 tháng và có 60 người đăng ký mua. Doanh thu dự kiến là 100.000 USD. Với quy mô sản xuất vào thời điểm đó, dự án Datbike chưa có lãi. Tuy nhiên, theo CEO, nếu bán được 1.000 chiếc thì tỷ suất lợi nhuận gộp là 30%, 10.000 chiếc sẽ lãi 30-40%. Khi đó, chi phí sản xuất chỉ còn khoảng 25 triệu đồng.
Vốn điều lệ của Dat Bike khi đó là 1 tỷ đồng, vốn thực góp khoảng 5 tỷ đồng. Dự án chỉ có hai cổ đông, là co-founder. Còn những nhà đầu tư đóng góp theo hình thức cổ phiếu chuyển đổi nhưng chưa có ai chuyển đổi
SmartNet – 9,2 triệu USD
Trong tháng 11, thị trường startup Việt còn chứng kiến một thương vụ gọi vốn trị giá triệu USD khác đến từ SmartNet, đơn vị vận hành ví SmartPay.
Cụ thể, Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC) của Nhật Bản đã ký một thỏa thuận với công ty công nghệ tài chính Việt Nam SmartNet để mua cổ phần trị giá 1,3 tỷ yên (9,2 triệu USD).
Marek Forysiak, Chủ tịch của SmartNet, đã xác nhận với Tech in Asia rằng khoản đầu tư từ SMBC là một phần của vòng gọi vốn Series A trị giá 30 triệu USD của SmartNet. Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn phải được phê duyệt theo quy định.
Được thành lập vào năm 2015, SmartNet cung cấp các giải pháp thanh toán tại Việt Nam và tập trung vào các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Startup này vận hành SmartPay, một ví điện tử được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Một số đơn vị đối tác của SmartNet hiện tại có thể kể đến như FE Credit, Bảo hiểm toàn cầu, MegaV, Vietnam Post, VienthongA.vn,… SmartNet cũng là đối tác giới thiệu sản phẩm cho FE Credit.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/top-5-thuong-vu-goi-von-dinh-dam-nhat-cua-startup-viet-20201231000008941.html