Lời tòa soạn: Theo thống kê, hiện nay, Hà Nội có tới hơn 300 dự án "treo", bỏ hoang, sử dụng sai mục đích ở khắp các địa bàn quận, huyện. Thực trạng này không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất, thất thu Ngân sách Nhà nước mà còn khiến quyền lợi, tiện ích của người dân xung quanh khu vực "đất vàng" bị ảnh hưởng. Dù đây không phải là vấn đề mới, nhưng để xử lý triệt để được những tồn tại của hàng trăm dự án bỏ hoang lại là câu chuyện mãi chưa có hồi kết.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp "ôm đất vàng" rồi bỏ hoang; chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến các sai phạm sử dụng đất, công tác xử lý, giải pháp khắc phục... để thông qua đó "giành" lại quỹ đất cho Thủ đô và đảm bảo quy hoạch, mỹ quan đô thị chung của Thành phố.

Trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai 

Theo quy định pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, cụ thể như Luật xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai và các điều khoản luật khác có liên quan.

Theo khoản 1 Điều 64 Luật đất đai số 45/2013/QH13 quy định các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm: Đất được Nhà nước giao; cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng.

Trường hợp không đưa đất vào sử dụng, chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất… hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất; trừ trường hợp do bất khả kháng…

Đối với việc chủ đầu tư, cá nhân sử dụng đất sai mục đích cũng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Theo đó, sử dụng đất không đúng mục đích là hành vi đưa đất thuộc quyền sử dụng và sở hữu của mình vào sử dụng trái với mục đích sử dụng đất đã được ghi trong giấy chứng nhận hoặc quyết định giao, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đối với hành vi vi phạm trong việc sử dụng đất sai mục đích thì tại Nghị định 102/2014NĐCP ngày 10/11/2014 đã nêu rõ những trường hợp cụ thể của từng hành vi vi phạm cũng như mức phạt từ Điều 6 - Điều 9 của Nghị định này.

Quy trình xử phạt đối với hành vi sử dụng đất sai mục đích được quy định tại Chương III thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Phải chăng lãnh đạo UBND quận Đống Đa không nắm bắt rõ về quy hoạch đô thị, công tác quản lý đất đai trên địa bàn của mình nên để xảy ra chuyện PV liên hệ làm việc, nội dung nêu cụ thể nhưng vẫn chỉ đạo "nhầm". (Ảnh Hương Ly)

Theo Điều 208 Luật Đất đai 2013 quy định về Trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau:

1. Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.

2. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ 15 tầng của Sunprotexim tại ô đất vàng 11A Cát Linh, quận Đống Đa, TP Hà Nội vẫn nằm "đắp chiếu" sau 10 năm, nhưng khi được hỏi về lý do chậm tiến độ UBND quận Đống Đa chưa thể trả lời. 

Ngày 25/11/2020, phóng viên (PV) sau gần 1 tháng đặt lịch làm việc không nhận được bất cứ phản hồi chính thức nào đã phải quay trở lại văn phòng UBND quận trao đổi thông tin một lần nữa. Tuy nhiên, theo bà Thuý Hà - Chuyên viên văn phòng UBND quận Đống Đa trao đổi với PV, nội dung liên quan đến dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ 15 tầng của Sunprotexim trên lô đất 11A Cát Linh đã được lãnh đạo quận chuyển đến UBND phường Cát Linh để trả lời báo chí. 

Tiếp tục liên hệ với UBND phường Cát Linh PV được chuyên viên tại đây trả lời lô đất 11A Cát Linh không nằm trên địa bàn phường quản lý. Sau đó chuyên viên tại văn phòng UBND phường Cát Linh cho biết nội dung về dự án đã được văn phòng UBND quận Đống Đa gửi đến phường Quốc Tử Giám. 

Một lần nữa PV liên hệ đến UBND phường Quốc Tử Giám để làm việc. Tuy nhiên, trao đổi qua điện thoại chuyên viên tại văn phòng UBND phường Quốc Tử Giám cho hay không có văn bản nào liên quan đến nội dung dự án 11A Cát Linh được văn phòng UBND quận Đống Đa chuyển đến để làm việc với PV. 

Với quy trình làm việc "lòng vòng" của khối văn phòng UBND quận Đống Đa cho đến hiện tại PV vẫn chưa thể tiếp cận thông tin. 

Có lẽ lãnh đạo UBND quận Đống Đa đã không thể nắm bắt rõ về quy hoạch đô thị, công tác quản lý đất đai trên địa bàn của mình nên để xảy ra sự việc PV liên hệ làm việc, nội dung nêu cụ thể nhưng vẫn chỉ đạo "nhầm" một cách khó hiểu như vậy. 

Liệu có phải sự thờ ơ của các đơn vị, chính quyền quận Đống Đa là "cái cớ" cho lô đất vàng 11A Cát Linh rơi vào tình trạng hoang hoá?

Sau một thập kỷ, dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ 15 tầng của Sunprotexim tại ô đất vàng 11A Cát Linh, quận Đống Đa, TP Hà Nội vẫn nằm "đắp chiếu". (Ảnh - Hương Ly)

Được biết, ngày 23/8/2017, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định số 5853/ QĐ-UBND về việc thu hồi 2.505m2 đất tại địa chỉ 11A Cát Linh, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, do Công ty Tạp phẩm và bảo hộ lao động (Sunprotexim) quản lý, sử dụng; cho Công ty cổ phần Bình Minh Group thuê để tiếp tục sử dụng cùng với tài sản nhận chuyển nhượng làm trụ sở làm việc và cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Thời hạn chuyển nhượng hợp đồng thuê đến ngày 27/8/2054.

Trước đó, vào năm 2010, Sunprotexim đã chủ trương xây dựng hai dự án trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp cao 15 tầng, tại số 11A Cát Linh và 30 Đoàn Thị Điểm. Theo kế hoạch, Sunprotexim sẽ khởi công dự án tại số 11A Cát Linh vào quý IV/2010. Để thực hiện dự án, các ki-ốt tại số 30 Đoàn Thị Điểm được sửa sang để các đơn vị tại số 11A Cát Linh chuyển sang. 

Thực tế ghi nhận tại lô đất vàng 11A Cát Linh cho thấy phía bên ngoài dự án chỉ có một tấm biển quảng cáo đề “Xi măng Xuân Thành”, bên trong khu đất cỏ mọc um tùm và chiếc máy cẩu đã cũ, không có bất cứ hoạt động kinh doanh nào diễn ra.

Cương quyết thu hồi dự án chậm triển khai có thể phát hiện được tham nhũng nằm ở đâu trong quá trình giao đất trước đó

Hiện nay, không ít dự án được quy hoạch có tuổi đời từ 10 đến 20 năm nằm “đắp chiếu”, khiến quỹ đất hoang hóa ngày một gia tăng.

Ngoài việc đất bị bỏ hoang, thì tại một số dự án cũng đang xuất hiện tình trạng chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, dẫn đến nhiều tranh chấp, chiếm dụng, gia tăng vấn đề mất trật tự, văn minh đô thị. Vậy, nguyên nhân thực sự của hiện trạng trên từ đâu? Vì sao doanh nghiệp vẫn cố ôm “đất vàng” không chịu triển khai dự án?

Lý giải nguyên nhân xảy ra tình trạng chủ đầu tư “ôm” đất bỏ hoang, một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho biết: Ở góc nhìn khách quan, chủ yếu do doanh nghiệp không hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng, bởi chồng chéo về pháp luật. Nguyên nhân chủ quan do doanh nghiệp yếu kém về năng lực, ôm quỹ đất để đầu cơ.

Tuy nhiên, theo chuyên gia đánh giá, năng lực của Chủ đầu tư không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, mà phần lớn các doanh nghiệp đang thực hiện tối đa hóa lợi nhuận thông qua việc đầu cơ về đất đai.

Theo GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, việc khó thu hồi các dự án "đắp chiếu" có thể giải thích bằng lý do là có lợi ích chung gì đó ở đây mà lợi ích đó đã được trao đổi rồi nên bây giờ khó thu hồi. Ngoài ra, cũng có thể do ý chí của nhà kinh doanh không bắt nhịp được ý chí của nhà quản lý (là lợi ích, là hiệu quả của dự án – PV) dẫn đến việc Nhà đầu tư chần chừ triển khai.

Đồng thời, Nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ cũng cho rằng việc các dự án chậm tiến độ còn vướng mắc ở chỗ khi nhận giao đất, doanh nghiệp đã thực hiện việc đầu tư cơ bản trên khu đất đó, đến nay thu hồi tài sản gắn liền với đất gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc thu hồi chậm trễ ngày nào thì nhà nước sẽ chậm thu được ngân sách từ tiền sử dụng đất ngày đó.

Do vậy, cần sớm thu hồi các dự án không triển khai trong 48 tháng. Ngoài ra, việc cương quyết thu hồi theo GS. Đặng Hùng Võ có thể phát hiện được tham nhũng nằm ở đâu trong quá trình giao đất trước đó.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội tại phiên giải trình về kết quả giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, thành phố hiện có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm (chiếm 23,1%), với hình thức và mức độ khác nhau.

Phổ biến nhất vẫn là 40 dự án chậm đưa đất vào sử dụng trên 12 tháng liên tục kể từ khi được giao đất trên thực địa; 47 dự án chậm tiến độ thực hiện trên 24 tháng; 22 dự án chậm hoàn thành công tác; 4 dự án chậm nghĩa vụ tài chính.


Theo Hàn Vi/Đô thị mới