Chúng tôi đã ghi nhận ý kiến từ một số giáo viên tại Hà Nội.
Cốt yếu phải cho trẻ ấn tượng với môi trường mới thật thân thiện
Là một phụ huynh có con năm nay vào lớp 1, anh Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1988, trú quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, vợ chồng anh mới sinh một con nên đang phân vân không biết có nên cho con đi học chữ trước khi vào năm học hay không. Đưa con đến trường tập trung nhận lớp, cô giáo sẽ dạy con những bài học gì, có kiểm tra đánh giá gì với trẻ không…
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Lê Thị Mai Hoa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, các bậc phụ huynh không nên quá suy nghĩ về chuyện trẻ có được học chữ trước khi chính thức bước vào năm học mới.
Cô giáo Lê Thị Mai Hoa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ. |
“Theo kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, đặc biệt đối với trẻ vào lớp 1 thì điều cốt yếu nhất với các con chính là khả năng thích nghi, làm quen với môi trường mới. Đang ở bậc mầm non được tự do vui chơi, hoạt động thì khi bước sang tiểu học, các con được làm quen với cô giáo mới, các bạn mới và những không gian vui chơi mới.
Vào đầu tháng 8 hàng năm, chúng tôi thường tổ chức lễ đón học sinh lớp 1. Ngay từ cổng trường đã thấy sự xuất hiện của những chú thú nhồi bông với hình dạng các nhân vật hoạt hình, trẻ sẽ cảm thấy ấn tượng và quên đi cảm giác lạ lẫm. Không khí hồ hởi, bố mẹ cũng đứng chụp ảnh cùng con bên những con thú bông tạo cho trẻ cảm giác vui vẻ.
Tùy theo sở thích của mỗi cháu mà các cô giáo sẽ hướng dẫn bố mẹ cho con chơi các trò chơi khác nhau như: Vẽ tranh, đá bóng, đọc truyện tranh, chơi xích đu, đu quay… ở ngay khuôn viên trường. Tất cả tạo cho các con một không gian thân thiện, quên đi mọi căng thẳng”, cô Hoa nói.
Cũng theo cô Mai Hoa, với xu hướng phát triển toàn diện đòi hỏi các thầy cô phải có kĩ năng làm sao để trẻ cảm thấy yêu trường, yêu lớp, vừa chơi vừa học thì mới có hứng thú đi học.
Công tác bồi dưỡng, chọn lọc các giáo viên dạy trẻ lớp 1 cũng rất được chú ý. Ngoài kiến thức chuyên môn, các cô cũng phải rèn luyện thêm các kĩ năng mềm khác để làm sao tạo ấn tượng với trẻ.
“Tôi lấy ví dụ, có một vị phụ huynh cho con học ở lớp này nhưng thấy cô giáo ở lớp bên cạnh cúi xuống buộc dây giầy cho học trò trong giờ chào cờ, vị này đã điện thoại trực tiếp cho hiệu trưởng để xin chuyển con sang lớp bên cô giáo kia. Thế mới thấy, chỉ một động tác rất nhỏ thôi nhưng cũng sẽ gây ấn tượng rất sâu sắc với phụ huynh và học sinh”, cô Hoa chia sẻ.
Có nên cho trẻ học chữ trước khi vào năm học?
Bên cạnh đó, vị nữ hiệu trưởng cũng nhấn mạnh tới việc không nên cho trẻ học chữ trước khi vào năm học. Thực tế không ít phụ huynh mặc định lo lắng là con chưa biết đọc, biết viết thì vào năm học sẽ khó bắt kịp các bạn.
Trẻ ở tầm tuổi này đến lớp sẽ được cô giáo cho làm quen với từng bộ sách giáo khoa sẽ được học, trẻ nhận biết được một số con chữ trong bảng chữ cái mà ở nhà bố mẹ cũng hay chỉ cho bé.
Với mỗi chữ cái tương ứng với một hình họa, ví dụ chữ “C” sẽ được minh họa bởi hình ảnh của “Con cá”, hay “Em bé” sẽ minh họa cho chữ “E”… giúp trẻ làm quen dần với chữ cái. Với trẻ lớp 1 thì chỉ cần sau 1 học kì là nhiều em có thể biết đọc biết viết.
Học sinh chuẩn bị bước vào lớp 1 với nhiều sự thay đổi từ môi trường mới, cô giáo mới, bạn bè mới. Ảnh: Đình Tuệ. |
Đồng quan điểm trên, TS Vũ Thu Hương (Nguyên giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, việc dạy trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 là điều không nên.
“Tháng 8 khi cho các con đến trường chủ yếu là để trẻ làm quen với môi trường tiểu học. Cách đi đứng, nói năng với bạn bè, thầy cô giáo… đều khác so với bậc mầm non để các con sẽ tăng dần tính tự lập. Ở chương trình học lớp 1, các con chỉ cần biết đọc biết viết và biết làm tính cộng trừ trong phạm vi 100 nên không quá khó khăn.
Tuy nhiên, sở dĩ có những trẻ học ở lớp 1 nhưng vẫn không biết đọc, biết viết không phải là bài học khó mà do các em không biết được việc phải hoàn thành trách nhiệm cô giáo giao bài.
Nếu bố mẹ ép con đi học trước vừa khiến con áp lực, sợ học, vừa khiến não con phải làm việc quá tải. Hơn nữa, khi con đã đi học trước rồi, đến lớp con sẽ không tập trung vào bài dạy của cô giáo nữa. Hiệu quả giảng dạy của cô giáo cũng vì thế mà bị ảnh hưởng”, TS Thu Hương nhấn mạnh.
Sự đồng hành của phụ huynh và sự thân thiện của cô giáo mới sẽ tạo cho trẻ niềm vui khi tới ngôi trường mới. Ảnh: Đình Tuệ. |
Còn theo cô giáo Lê Thanh Hà, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội), bố mẹ cần dành cho trẻ khoảng 1 tháng để làm quen với trường học mới bằng cách đưa trẻ tới trường. Tại đây, cô giáo sẽ chỉ cụ thể và kể cho các bé nghe về các vật dụng, đồ dùng có trong lớp rồi hành lang, tường lớp, cửa sổ, vườn hoa... ở chỗ nào. Tất cả phải làm sao giúp trẻ cơ bản hình dung ra được mình sẽ được học trong một ngôi trường mới với thầy cô mới, bạn bè mới sẽ hấp dẫn như thế nào.
Bên cạnh đó, cô Thanh Hà cũng nhấn mạnh tới việc bố mẹ không nên cho con học chữ trước khi vào lớp 1. Bởi theo cô, khi trẻ học trước sẽ dễ dẫn tới tâm lý chủ quan, đến lớp không tập trung nghe cô giáo giảng và hình thành sự mất tập trung.
Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/truoc-khi-vao-lop-1-tre-can-duoc-trang-bi-nhung-gi-157436.html