Mỗi năm, cứ vào ngày 23 tháng chạp âm lịch, người dân sẽ làm lễ cúng tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời. Thủ tục cúng Táo Quân năm nào các gia đình Việt cũng thực hiện nhưng cũng cần một số điểm chú ý.

Khi cúng, gia chủ có thể đọc bài văn khấn sau:

Văn khấn ông Công ông Táo năm 2020 chuẩn nhất 

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ (chúng) con là: ……………

Ngụ tại:…………

Hôm nay ngày 23 tháng chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái. Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai giá, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạn tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Chú ý: Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để cá trở ông Táo lên chầu trời.

(Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin)

Hóa vàng mã như thế nào mới đúng?

Đồ lễ vàng mã cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp gồm đầy đủ các mũ áo, tiền vàng bằng giấy bởi theo quan niệm truyền thống, các Táo quân là người coi sóc bếp lửa trong gia đình sẽ cưỡi cá chép bay về thiên đình, thay mặt gia chủ bẩm báo mọi sự trong gia đình năm cũ đã qua với Ngọc hoàng đồng thời thay gia chủ bày tỏ mong muốn một năm mới vạn sự an lành, đủ ăn đủ mặc.

Nên hóa vàng mã một cách văn minh. (Ảnh: Xã Luận)

Lễ vật cúng Táo Quân gồm có: Mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn.

Để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy.

Vàng mã cúng ông Công, ông Táo được đốt đi sau khi cúng vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Tiếp đó, gia chủ mới lập bài vị mới cho Táo công.

Quá trình đốt vàng mã phải được hoàn tất vào trước 12h ngày 23 tháng Chạp vì người Việt quan niệm phải “kịp giờ” để ông Táo lên thiên đình. Nếu trưa, chiều 23 tháng Chạp mới cáo lễ tiễn đưa ông Táo về Trời, e rằng ông Táo sẽ không nhận được lễ vật tâm thành của gia chủ.

Việc hóa vàng mã nên được thực hiện ở sân hoặc góc vườn sạch sẽ. Đối với những gia đình ở tại chung cư không nên hóa vàng mã trong nhà hoặc trên ban công vì có thể gặp gió sẽ bay ra môi trường. Các chung cư đều có lư hương lớn để các gia đình tập trung hóa vàng văn minh mà vẫn giữ được tín ngưỡng.

Theo Mộc Anh/Đô Thị Mới