Việt Nam-Triều Tiên thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Triều Tiên đạt 579.000 USD; các mặt hàng xuất khẩu chính là bánh kẹo, gỗ nội thất, xà phòng, dược phẩm...
Theo ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Triều Tiên trong thời gian tới, hai bên có thể tiếp tục duy trì tiếp xúc, trao đổi thông qua kênh chính trị-ngoại giao và giao lưu nhân dân.
Bên cạnh đó, hai bên cần tăng cường các hoạt động chia sẻ thông tin về chính sách, quy định về quản lý kinh tế, xuất nhập khẩu, đầu tư... của mỗi bên, đồng thời tăng cường các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý và phát triển kinh tế-xã hội giữa các cơ quan nghiên cứu của hai bên.
Ngoài ra, các doanh nghiệp hai bên có thể tăng cường tham gia các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại tại mỗi nước nhằm quảng bá, thúc đẩy xuất nhập khẩu các mặt hàng không thuộc diện bị cấm theo các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Ðảng Lao động Triều Tiên, quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt Nam-Triều Tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành đặt nền móng luôn được củng cố và phát triển.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, tình hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Nam-Triều Tiên luôn được xây dựng, bồi đắp, trở thành một truyền thống tốt đẹp của hai dân tộc. |
Bên cạnh đó, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Triều Tiên đã có những bước tiến; nhiều hiệp định quan trong đã được ký, tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác song phương như: Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao và công vụ (tháng 1/1956); Hiệp định hợp tác văn hóa (tháng 11/1957); Hiệp định hợp tác khoa học kỹ thuật (tháng 10/1958); Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (năm 1961), Hiệp định thương mại và hàng hải (tháng 12/1962)...
Theo Bộ Công Thương, giai đoạn trước năm 2010, hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Triều Tiên chủ yếu diễn ra theo hình thức hàng đổi hàng. Từ năm 2010 trở lại đây, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Triều Tiên còn ở quy mô khiêm tốn.
Đáng chú ý, Việt Nam không nhập khẩu hàng hóa từ Triều Tiên kể từ năm 2011 đến nay mà chủ yếu chỉ xuất khẩu sang Triều Tiên các mặt hàng nhu yếu phẩm như sản phẩm hóa dược, dầu thực vật, hàng tiêu dùng, bánh kẹo.
Năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam sang Triều Tiên đạt 7,3 triệu USD với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là bánh kẹo, sản phẩm hóa dược.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Triều Tiên đạt 579.000 USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Triều Tiên là bánh kẹo, gỗ nội thất, xà phòng, dược phẩm.
Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam
25 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng gần 120 lần, từ mức 450 triệu USD năm 1994 lên hơn 60 tỷ USD vào năm 2018.
Dệt may là mặt hàng của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cao nhất sang Hoa Kỳ |
Hiện Việt Nam đứng thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ và tăng trưởng thương mại giữa hai nước hàng năm đạt 20%. Cùng với đó, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong trao đổi thương mại với Hoa Kỳ luôn duy trì mức thặng dư lớn.
Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ tháng 1/2019 đạt hơn 5,151 tỷ USD, tăng tới 42,1%, tương đương con số tuyệt đối 1,527 tỷ USD so với cùng kỳ 2018. Với con số này, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ đã gấp tới 4,7 lần tốc độ bình quân chung cả nước.
Đáng lưu ý, dệt may là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất sang Hoa Kỳ, đạt 1,591 tỷ USD tăng 34,1%. Ngoài dệt may, các nhóm hàng chủ lực khác là giày dép 620 triệu USD, tăng hơn 100 triệu USD; gỗ và sản phẩm gần 475 triệu USD, tăng 156 triệu USD; điện thoại sang Hoa Kỳ đạt gần 473 triệu USD, tăng tới 121%, tương đương con số tăng thêm 259 triệu USD…
Theo Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), mặc dù mới tháng 1 nhưng Hoa Kỳ đã chiếm 23,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tiếp tục giữ vững vị thế là thị trường trọng điểm của Việt Nam.
Đặc biệt, hàng hóa Việt Nam được thị trường này rất ưa chuộng và mới đây, Việt Nam chính thức được xuất khẩu xoài sang Hoa Kỳ sau 10 năm nỗ lực đàm phán, hoàn thành tất cả các thủ tục của một trong những thị trường cao cấp và khó tính nhất.
Cũng trong tháng 1, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước từ thị trường Hoa Kỳ đạt 1,076 tỷ USD đã đưa con số xuất siêu của Việt Nam chạm ngưỡng hơn 4 tỷ USD đối với đối tác hàng đầu này.
Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối bạn hàng, tiếp cận thị trường tiếp tục được đẩy mạnh, không chỉ ở những nhóm ngành hàng truyền thống, mà còn mở ra những lĩnh vực hợp tác mới như cơ khí, chế tạo phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ theo chủ trương của Chính phủ.
Thông qua các kênh trao đổi truyền thống cũng như các công cụ giao dịch điện tử, Thương vụ đã tiếp nhận và kết nối cơ hội giao thương giữa các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu Hoa Kỳ với các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như dệt may, thủy sản, gạo, sản phẩm dừa, đồ gỗ, hàng cơ khí, chế tạo, hóa chất, hóa mỹ phẩm, dây cáp điện, thiết bị điện tử, bán dẫn…
“Với tổng giá trị nhập khẩu lớn nhất thế giới, đạt trên 2.400 tỷ USD năm 2018, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam những năm tới, nhưng đây cũng là thị trường cạnh tranh khốc liệt”, ông Bùi Huy Sơn bày tỏ.
Theo nhận định từ các chuyên gia, quan hệ thương mại Việt – Hoa Kỳ trong năm 2019 nhiều khả năng sẽ có những thay đổi quan trọng, thậm chí về chất lượng. Bởi Hoa Kỳ có khả năng công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam sau thời điểm 1/7/2019 và quan hệ thương mại hai nước sẽ được đặt trên những nền tảng pháp lý quan trọng là hàng loạt cam kết quốc tế.
Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững vào Hoa Kỳ, theo ông Bùi Huy Sơn các cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ tạo môi trường chính sách thuận lợi, ổn định, nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng thương hiệu, tận dụng tốt hệ thống phân phối, triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Bên cạnh các chương trình và định hướng chung về tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc xây dựng thương hiệu, dỡ bỏ thuế, tháo gỡ hàng rào kĩ thuật, Bộ Công Thương còn có các đề án lớn nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu, nhất là sản phẩm của các ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến.
Tuy nhiên, ngoài các chính sách hỗ trợ, theo Bộ trưởng các doanh nghiệp phải chủ động phát triển thị trường để nâng cao năng lực sản xuất trong nước; đồng thời gắn kết sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh hiệu quả để thâm nhập sâu hơn vào thị trường này và góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Quân Vương