Mia có “tiếp tay” cho hàng giả, hàng nhái?
Theo đó, bà My - chủ của hệ thống đồ lót Mia cho biết: “Tôi khẳng định hàng nhập từ Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và đều là hàng công ty nhập khẩu. Tôi đăng ký hộ kinh doanh gia đình, bán lẫn hàng xách tay Thái Lan, Trung Quốc. Không hề có chuyện gian dối khách hàng ở đây bởi chúng tôi có bộ phận chăm sóc khách hàng, luôn nói rõ với khách hàng về các sản phẩm... Tôi đảm bảo sức khoẻ cho khách hàng sử dụng sản phẩm của Mia... Vấn đề vi phạm tôi nghĩ Mia không vi phạm, tôi có luật sư để làm chuyên về pháp lý”...
Khi phóng viên thông tin về việc các sản phẩm của Mia nhái thương hiệu nổi tiếng như Victoria’s secet, bà My cũng khẳng định Mia không có bất kỳ sản phẩm nào là hàng nhái của thương hiệu này. Cùng đó bà My chia sẻ về việc Mia nhận là “Đồ lót số 1 Việt Nam” là không đúng về luật quảng cáo. Tuy nhiên, việc gắn mác là “Đồ lót số 1 Việt Nam” theo bà My chỉ là “một cách để cho vui” mà thôi.
Trước những phản hồi của bà My, pv xác minh tại chuỗi cửa hàng Mia rất nhiều sản phẩm hàng nhái. Trong đó đồ lót, đồ ngủ nhái thương hiệu Victoria’s Secert là rõ nhất. Trong cửa hàng số 267 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội cửa hàng Mia bán đồ ngủ nhái mẫu bộ ngủ thương hiệu Victorria seccert, quần lót Pink cùng thương hiệu trên.
Phải chăng bà chủ của hệ thống đồ lót Mia có thể “xách tay” với khối lượng sản phẩm lớn như vậy để phân phối cho 11 cửa hàng của mình?. Việc nhập khẩu các mặt hàng đó có hoá đơn chứng từ nào hay không?. Nguồn gốc các sản phẩm đồ lót Mia từ đâu cũng không ai có thể xác định được là hàng nhập khẩu hay gia công?. Hàng loạt câu hỏi người tiêu dùng đặt ra nhưng câu trả lời từ Mia chỉ là “lời nói gió bay” không có căn cứ nào chứng minh.
PV một lần nữa liên hệ để được làm việc trực tiếp với bà My chủ hệ thống đồ lót Mia để làm sáng tỏ các thông tin nêu trên. Tuy nhiên, bà My từ chối gặp gỡ báo chí.
Cần làm rõ…
Để có cái nhìn khách quan về vụ việc, pv đã trao đổi và xin ý kiến luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối, đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Quan điểm luật sư Nguyễn Ngọc Hùng như sau: “Theo tìm hiểu thông tin, tại Khoản 11, Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo gồm: Việc Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một (1)” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Khoản 2 Điều 2 Nghị định 28/2017/NĐ-CP, mức phạt cho hành vi quảng cáo sử dụng từ ngữ “nhất”, “số 1” nhưng không có tài liệu hợp pháp chứng minh, mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các tổ chức vi phạm. Đương nhiên hệ thống cửa hàng đồ lót Mia đã vi phạm. Về hộ gia đình mở 11 cửa hàng trong chuỗi hệ thống của MIA thì xác định mỗi cửa hàng là 1 hộ gia đình. Điều này luật không cấm.
Việc Mia kinh doanh các sản phẩm hàng xách tay cần các cơ quan chức năng làm rõ những sản phẩm này có nguồn gốc ra sao?. Có đóng thuế đầy đủ hay không?. Từ việc xác minh thông tin nguồn gốc sản phẩm mới có thể xử lý vi phạm hang xách tay có phải nhập lậu hay không. Căn cứ Theo quy định tại Điều 17, Nghị định 185/2013/NĐ-CP: Những hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu với mức giá trị hàng hóa từ dưới 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng sẽ bị xử phạt hành chính bằng các biện pháp: Cảnh cáo, phạt tiền và các hình phạt bổ sung như tịch thu tang vật, tịch thu phương tiện vận tải đối với trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. mức phạt cụ thể tùy thuộc vào lỗi vi phạm, trong trường hợp này cơ quan quản lý thị trường cần sớm vào cuộc để đánh giá mức độ, hậu quả hành vi vi phạm.
Từ việc kinh doanh các sản phẩm "nhập nhèm" nguồn gốc xuất xứ thu lợi nhuận "khủng" như vậy thì Mia có chấp hành đúng quy định nộp thuế Nhà nước? Đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng kiểm tra, đề nghị Cục quản lý thị trường Hà Nội sớm vào cuộc làm rõ dấu hiệu vi phạm của hệ thống cửa hàng đồ lót Mia.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới bạn đọc trong kỳ tới./.