Qua phản ánh của người tiêu dùng về việc hệ thống Mint Cosmetics bán hàng không rõ nguồn gốc, không có tem phụ đi kèm, phóng viên (PV) đã tìm đến cửa hàng Mint Cosmetics (Ngõ 215, 106D6 Tô Hiệu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.) để xác minh thông tin. 

Ngay khi bước vào cửa hàng pv được nhân viên cửa hàng chào đón nhiệt tình, giới thiệu đây toàn là những sản phẩm từ Nhật Bản rất uy tín. Tuy nhiên, ngay khi xem sản phẩm mặt nạ, toàn bộ những sản phẩm này đều không có tem phụ. Thắc mắc về việc trên, nhân viên trấn an:“Bọn em nhập cả thùng, nên tem phụ được dán ở trên thùng chứ không phải ở sản phẩm”...

Hàng loạt sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán trong cửa hàng

Hàng loạt sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán trong cửa hàng

Qua quan sát của pv, phía bên trong cửa hàng còn rất nhiều sản phẩm từ sữa dưỡng thể, kèm nền, phấn trang điểm,...tất cả đều không tem mác và nguồn gốc rõ ràng. Đáng lo ngại các sản phẩm này còn mang tên những thương hiệu nổi tiếng. Theo nhân viên cửa hàng cho biết gần như toàn bộ các sản phẩm mỹ phầm là hàng nhập khẩu từ nước ngoài, trên bao bì, vỏ sản phẩm đều là chữ nước ngoài nên không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Các sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng nhưng không được dán tem phụ.

Các sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng nhưng không được dán tem phụ.

Việc các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia mà không có tem phụ, nhãn phụ bằng tiếng Việt là  không phù hợp với các quy định hiện hành theo pháp luật Việt Nam. Theo nghị định 43/2017/NĐ-CP, Nghị định về nhãn hàng hoá đã nêu rất rõ, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt trên bao bao bì sản phẩm mới được phép lưu hành. Nhãn phụ là nơi thể hiện các thông tin đầy đủ, chi tiết về nguồn gốc xuất xứ, nhà nhập khẩu và phân phối hàng hóa, giúp các cơ quan chức năng dễ dàng quản lý, kiểm tra sản phẩm nhập khẩu, đồng thời giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm chính hãng, rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng sản phẩm.

Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin trước đó, hàng hóa trên thị trường đều phải có nhãn mác. Những loại hàng hóa mập mờ về nhãn mác thường là hàng giả, hàng nhái “ăn theo” những thương hiệu sản phẩm nổi tiếng. Hiểu một cách đơn giản, hàng hóa bất thường mới sử dụng nhãn mác không bình thường.

Mint Cosmetics bị khách hàng tố sản phẩm kém chất lượng.

Mint Cosmetics bị khách hàng tố sản phẩm kém chất lượng.

Cũng theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, tình trạng hàng hóa "vô tình" bị quên ghi ngày sản xuất, nơi sản xuất, ghi nhãn mác mập mờ, thiếu trung thực để đánh lừa người tiêu dùng khá phổ biến. Ngoài ra, tình trạng nhãn mác in sai quy cách về cỡ chữ, kiểu chữ hoặc dán nhãn mác không đúng vị trí quy định trên hàng hóa, hàng hóa nhập khẩu không có tem nhãn phụ cũng là những sai phạm dễ gặp. Lợi dụng tình trạng này nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã trộn hàng nhái, hàng giả để thu lợi nhuận. Sản phẩm vi phạm quy định nhãn, mác phổ biến nhất là thực phẩm, quần áo, đồ điện – điện tử.

Với những sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc, liệu rằng quyền lợi của người tiêu dùng có được đảm bảo?

Các cơ quan chức năng có nắm được tình trạng nhiều sản phẩm không có nhãn phụ bằng tiếng Việt trái quy định đang được bày bán tại hệ thống Mint Cosmetics để đưa ra hình thức xử lý, ngăn chặn?. Từ việc kinh doanh các sản phẩm "nhập nhèm" nguồn gốc xuất xứ thu lợi nhuận "khủng" như vậy thì Mint Cosmetics có chấp hành đúng quy định nộp thuế Nhà nước?.

Đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng kiểm tra, đề nghị Cục quản lý thị trường Hà Nội sớm vào cuộc làm rõ dấu hiệu vi phạm của hệ thống cửa hàng Mint Cosmetics nêu trên.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc./.

Theo Vi Anh/ Đô thị mới