Dự án tồn đọng - sự lãng phí "khủng khiếp", do đâu?
Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch triển khai các biện pháp xử lý dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ; không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả trên địa bàn thành phố.
Để xử lý, TP.HCM đã phân loại thành 5 nhóm dự án, giao các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện rà soát các công trình, dự án tồn đọng; phân loại các nhóm dự án, công trình, xác định thẩm quyền, trình tự thủ tục và phân công cơ quan đầu mối thực hiện xử lý vướng mắc.
UBND Thành phố cũng giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND Thành phố tham mưu Chủ tịch UBND Thành phố hướng dẫn triển khai. Ngoài tổ chức khen thưởng, thì đề xuất xử lý cá nhân, tổ chức để các dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài; kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, chậm trễ.
Dự kiến, đến 25/11, TP.HCM sẽ phân loại các nhóm dự án, công trình, xác định thẩm quyền, trình tự thủ tục và phân công cơ quan đầu mối xử lý vướng mắc. Đồng thời, xây dựng kế hoạch chi tiết để xử lý vướng mắc trong tháng 12.
Thực tế, thực trạng dự án treo, dự án bỏ hoang, dự án chưa đưa vào sử dụng… vẫn tồn tại dai dẳng nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM.
Điển hình, TP.HCM vẫn loay hoay với Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, còn nhân dân Thành phố vẫn phải chịu cảnh ngập lụt. Dù đã trải qua hai nhiệm kỳ (10 năm), tiền Nhà nước đã bỏ ra, công trình đã hoàn thiện được 90% nhưng phải tạm ngừng thi công từ năm 2020. Năm 2024, siêu dự án ngăn triều cường này nằm trong danh sách bố trí giải ngân 6.800 tỷ đồng ngân sách. Nhưng Thành phố đã xác định "không có khả năng" tháo gỡ vướng mắc thủ tục để thực hiện giải ngân, hoàn thiện nốt 10% các hạng mục còn lại.
Tại Hà Nội, theo Báo cáo của UBND thành phố, tính đến giữa tháng 6/2024, trong tổng số 712 dự án chậm triển khai, có 705 dự án với tổng diện tích 11.345ha đang được xem xét xử lý. Chủ yếu là tập trung vào việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nhất là đối với các dự án ngoài ngân sách.
5 dự án đầu tư chậm tiến độ của Thủ đô đã được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhắc đến tại cuộc họp tháo gỡ hồi đầu tháng 11, bao gồm: Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy; Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp; Khu nhà ở tái định cư thuộc Khu đô thị Đền Lừ III; Tổ hợp trung tâm thương mại tại phố Giảng Võ và Trung tâm nghiên cứu công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
"Đó là một sự lãng phí khủng khiếp, còn hơn cả tham nhũng. Một đô thị đặc biệt không thể nào có dự án 10 năm không xây dựng. Nguồn lực của Nhà nước "quây tôn" vào đấy thì không thể phát triển bền vững được", KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận xét.
Tại nghị trường Quốc hội hôm qua (21/11), vấn đề xử lý dự án tồn đọng này cũng tiếp tục được các đại biểu thảo luận sôi nổi. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đề cập đến việc nhiều chung cư cao tầng đã xây dựng xong nhưng vướng mắc về pháp lý nên chưa thể đưa vào sử dụng và nhấn mạnh cần có cơ chế để tháo gỡ vướng mắc cho những dự án này, tránh lãng phí tài nguyên, nguồn lực.
"Chúng ta không hợp thức hóa sai phạm cho doanh nghiệp, mà vấn đề cốt lõi là để tránh lãng phí", đại biểu nói.
Chia sẻ với Reatimes dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho biết, có 3 điểm nghẽn đối với các dự án bất động sản tồn đọng hiện nay.
Đầu tiên, vướng mắc liên quan đến các thủ tục đầu tư. Các luật như Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Kinh doanh bất động sản đã được ban hành, cùng với các nghị định và thông tư hướng dẫn tương đối đầy đủ, nhưng việc ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết cấp bộ và cấp tỉnh chưa đồng bộ.
Hiện tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản này đã đạt khoảng 90%, nhưng quá trình áp dụng vẫn gặp khó khăn. Một phần do cần thời gian tập huấn và phổ biến pháp luật, để cán bộ các cấp hiểu rõ và thực hiện đúng quy định. Một phần do chất lượng luật pháp chưa đáp ứng được kỳ vọng, một số nội dung chưa rõ ràng, gây khó khăn trong thực thi. Vì vậy, dù hệ thống pháp lý đã ban hành, nhưng không thể ngay lập tức xóa bỏ tất cả các rào cản thủ tục.
Điểm nghẽn thứ hai nằm ở yếu tố con người, là cán bộ, công chức, viên chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực bất động sản.
"Giai đoạn từ 2021 đến nay, thủ tục đầu tư tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM gặp nhiều trở ngại, và tình trạng này lan rộng trên cả nước. Tại Hà Nội, trong 3-4 năm qua, chỉ có 2-3 dự án nhà ở xã hội được triển khai, con số này tại TP.HCM là 5-6 dự án. Giai đoạn trước, với cùng một hệ thống pháp luật, các dự án nhà ở xã hội được triển khai nhiều hơn đáng kể. Nguyên nhân chính không chỉ đến từ pháp luật mà còn từ tâm lý e ngại của cán bộ do công tác thanh tra, kiểm tra chặt chẽ hơn. Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm khiến nhiều cán bộ trì hoãn hoặc né tránh việc ký duyệt", ông Quê cho hay.
Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6.
Điểm nghẽn thứ ba liên quan đến tài chính doanh nghiệp. Trong 4 năm qua, thị trường phải đối mặt với tác động kép từ đại dịch COVID-19, suy giảm kinh tế và sự đóng băng của bất động sản. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động, chưa kể đến việc giải phóng mặt bằng, xây dựng dự án hay hoàn thành nghĩa vụ tài chính với khách hàng và ngân hàng.
Trong khi, hệ thống pháp luật về vay vốn vẫn còn chặt chẽ, lãi suất cao, khiến các doanh nghiệp thêm áp lực. Việc tiếp cận nguồn vốn và duy trì dòng tiền trở thành bài toán khó đối với các doanh nghiệp bất động sản.
Khuyến khích tổ chức, cá nhân vi phạm sửa sai, khắc phục hậu quả
Việc các dự án bất động sản tồn đọng không được giải quyết đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, ông Nguyễn Anh Quê nhấn mạnh.
Đối với Nhà nước, các dự án đình trệ làm lãng phí tài nguyên đất đai, giảm nguồn thu từ thuế và đầu tư, cản trở việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như các dịch vụ phúc lợi xã hội;
Với doanh nghiệp, nếu không thể triển khai dự án, doanh nghiệp vẫn phải chịu chi phí duy trì mà không có nguồn thu. Tình trạng này kéo dài làm doanh nghiệp suy yếu, thậm chí có nguy cơ phá sản hoặc vướng vào vòng lao lý. Hệ lụy này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành bất động sản mà còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Việc nguồn cung bất động sản hạn chế, trong khi nhu cầu ngày càng tăng dẫn đến giá nhà đất leo thang, gây áp lực lớn lên khả năng sở hữu nhà của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình và thấp. Thiếu quỹ đất không phải là vấn đề chính, mà nguyên nhân nằm ở những khó khăn trong thủ tục đầu tư. Giá chung cư tại Hà Nội tăng cao (và sắp tới có thể là TP.HCM) là minh chứng rõ ràng.
"Tình trạng các dự án bất động sản bị đình trệ không chỉ làm lãng phí tài nguyên, làm suy yếu doanh nghiệp mà còn tạo ra gánh nặng tài chính lớn đối với người dân. Việc tháo gỡ những điểm nghẽn pháp lý và thủ tục là cấp thiết để đảm bảo sự cân bằng và phát triển của toàn bộ hệ sinh thái bất động sản", ông Quê nói.
Để giải quyết ba điểm nghẽn trên, theo ông Nguyễn Anh Quê, về mặt tổng thể, cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Trước hết, về thủ tục pháp lý, tiếp tục hoàn thiện các luật, nghị định và thông tư hướng dẫn, đảm bảo tính rõ ràng và khả thi; đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn cấp bộ và cấp tỉnh, tăng cường tập huấn, phổ biến luật cho cán bộ; xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ nhưng linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và giảm thiểu các xung đột pháp lý.
Thứ hai, cần hỗ trợ, đào tạo, khuyến khích, động viên cán bộ để nâng cao hiệu quả làm việc; kết hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý kỷ luật nghiêm minh, nhằm tăng cường trách nhiệm cá nhân, tránh đùn đẩy trách nhiệm trong tập thể.
Thứ ba, xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp thông qua hoãn nợ, giảm lãi suất vay và tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn. Thúc đẩy xã hội hóa nguồn vốn, huy động từ các tổ chức và cá nhân trên cơ sở hợp tác đôi bên cùng có lợi và tuân thủ pháp luật.
Trước những tranh luận về vấn đề "không hợp thức hóa vi phạm" trong triển khai dự án, ông Nguyễn Anh Quê cho rằng, cần phải hướng dẫn rõ thế nào là "không hợp thức hóa sai phạm các vi phạm" mới dễ xử lý trên thực tế. Bởi ngoài sai phạm của doanh nghiệp, còn có thể do sai sót của chính quyền. Đâu là sai phạm của doanh nghiệp, đâu là thiếu sót của chính quyền thì phải phân biệt và giải quyết sớm.
Đối với cá nhân và doanh nghiệp vi phạm, cần có biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm khắc, đảm bảo tính răn đe và nghiêm minh. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý, cũng cần phải xem xét tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động; đồng thời khuyến khích sửa sai, khắc phục hậu quả và quay lại đóng góp vào lợi ích chung của xã hội, đất nước.
Khi thực hiện xử lý vi phạm, cần tuân thủ hai nguyên tắc chính. Nguyên tắc đầu tiên là đảm bảo tiến hành xử phạt nhanh chóng, kỹ lưỡng, không để sót hay bỏ qua các sai phạm. Mặc dù vậy, quá trình xử lý không nên làm gián đoạn các thủ tục đầu tư, mà vẫn phải bảo đảm tiến độ, để các dự án không bị đình trệ và có thể tiếp tục triển khai.
"Nếu xử lý sai phạm quá chậm, sẽ dẫn đến tình trạng thủ tục đầu tư kéo dài, gây lãng phí nguồn lực xã hội, ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp lẫn người dân và nền kinh tế", ông Quê nói./.
Nguồn: https://reatimes.vn/xu-ly-du-an-ton-dong-can-khuyen-khich-sua-sai-va-khac-phuc-hau-qua-khong-nen-lam-gian-doan-thu-tuc-dau-tu-202241122045215175.htm