Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu là 3,66%. 

Nếu tính cả các khoản nợ không bị chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì tỷ lệ này là 7,21% trong khi cuối năm 2020 là 5,08%.

Ảnh hưởng từ đại dịch, nợ xấu tăng mạnh lên tới 7,21%.
Ảnh hưởng từ đại dịch, nợ xấu tăng mạnh lên tới 7,21%.

Xét riêng tại nợ xấu nội bảng, do tác động của dịch bệnh Covid-19, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm. Đến cuối tháng 6/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,73% (cuối năm 2020 là 1,69%).

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số nợ xấu nội bảng được xử lý là 78,86 nghìn tỷ đồng. Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro là 33,13 nghìn tỷ đồng, chiếm 42%; thông qua bán nợ là 18,66 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,7%; khách hàng trả nợ là 20,55 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,11%.

Về xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến 30/6/2021, đã xử lý được 359,41 nghìn tỷ đồng. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng (không bao gồm xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt) là 187,18 nghìn tỷ đồng, chiếm 52,08% tổng nợ xấu đã xử lý.

Xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 93,63 nghìn tỷ đồng (chiếm 26,05%). Xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 78,60 nghìn tỷ đồng (chiếm 21,87%).

Đến thời điểm 30/6/2021, các tổ chức tín dụng đã sử dụng 179,57 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng và bán nợ xấu cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt đạt 35,93 nghìn tỷ đồng. 

Theo Ngân hàng Nhà nước, trước khi có Nghị quyết 42, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản đảm bảo và khách hàng trả nợ còn chưa cao.

Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực từ 15/8/2017 đến 30/6/2021, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 138.340 tỷ đồng (chiếm 38,5% tổng nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã xử lý), cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu đã xử lý trung bình năm từ 2012 - 2017 là khoảng 22,8%.

Trong quá trình triển khai quy định liên quan đến xử lý nợ xấu có một số khó khăn vướng mắc về khuôn khổ pháp lý như: Hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ xấu đã hình thành nhưng được quy định rải rác tại nhiều văn bản và chưa có Luật xử lý nợ xấu.

Ngoài ra, việc thực hiện thứ tự ưu tiên về thanh toán khi xử lý tài sản đặc biệt theo quy định tại Nghị quyết 42; việc thu giữ tài sản đặc biệt; áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản và xử lý tài sản đặc biệt; việc hoàn trả vật chứng; công tác phối hợp trong hoạt động thi hành án dân sự...cũng có những vướng mắc.

Theo Định Trần/Congluan.vn

Nguồn: https://congluan.vn/anh-huong-tu-dai-dich-no-xau-tang-manh-len-toi-721-post160341.html