Cụ thể, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại phải thường xuyên đánh giá tình hình hoạt động, tài chính, khả năng trả nợ, nhất là đối với khách hàng có dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản lớn, khách hàng cá nhân có mức vay phục vụ đời sống, tiêu dùng lớn, khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19… để có biện pháp xử lý phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích liên quan đến xây dựng, kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Kiểm soát chặt tín dụng Bất động sản
NHNN yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt tín dụng Bất động sản (Ảnh: Nhadautu)

Ngoài ra, các ngân hàng cần duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 3% so với tổng dư nợ cho vay, đầu tư. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đối với các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01 năm 2020 và các văn bản sửa đổi, bổ sung trong năm 2021.

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đưa ra 8 khuyến nghị cho các doanh nghiệp địa ốc, để ứng phó với lộ trình hạn chế tín dụng vào bất động sản

Thứ nhất là các doanh nghiệp cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Trước hết là đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu, chuẩn bị được quỹ đất dự án, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án, tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp... để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng các nguồn vốn khác thay thế do ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Hai là các doanh nghiệp luôn luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, giữ chữ tín, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công, bàn giao nhà, xây dựng căn hộ thông minh, tòa nhà thông minh, hình thành không gian sống xanh, thân thiện môi trường.

Ba là các doanh nghiệp luôn luôn phấn đấu để trở thành là nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp và có năng lực trong phân khúc thị trường và sản phẩm mà mình đã chọn, để trở thành doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đưa ra 8 khuyến nghị cho các doanh nghiệp địa ốc, để ứng phó với lộ trình hạn chế tín dụng vào
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đưa ra 8 khuyến nghị cho các doanh nghiệp địa ốc, để ứng phó với lộ trình hạn chế tín dụng vào (Ảnh: Internet)

Bốn là các doanh nghiệp cần quan tâm phân khúc thị trường nhà ở vừa và nhỏ(1 - 2 phòng ngủ),có giá bán vừa túi tiền(khoảng trên dưới 1tỷ đồng/căn)đang là phân khúc chủ đạo của thị trường, có tính thanh khoản cao và bền vững.

Năm là các doanh nghiệp cần tăng vốn chủ sở hữu để tăng cường nội lực của doanh nghiệp và coi trọng việc hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập để hình thành các tập đoàn bất động sản mạnh.

Sáu là các doanh nghiệp lựa chọn đối tác là các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài (FDI) có uy tín và năng lực tài chính để hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án, nhằm tăng cường nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp.

Bảy là các doanh nghiệp quan tâm xây dựng chiến lược gia tăng bền vững giá trị bất động sản. 

Tám là các doanh nghiệp quan tâm 3 tiêu chí an toàn quan trọng hàng đầu về xây dựng và quản trị doanh nghiệp.

Theo HoREA, tín dụng cho bất động sản đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, quy mô tín dụng lĩnh vực này đã giảm dần từ năm 2016 đến nay. Năm 2018, tốc độ tăng tín dụng 12%, nhưng tín dụng bất động sản chỉ hơn 5%. Tỉlệ dư nợ trong bất động sản hiện khoảng hơn 500.000 tỷ đồng.

Theo An An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/kiem-soat-chat-tin-dung-bat-dong-san-20201231000003757.html