Theo thống kê hiện nay, sự có mặt của khoảng 1.800 cơ sở sản xuất nước giải khát trong đó bao gồm cả các "ông lớn" hàng đầu thế giới như Pepsi, Coca Cola... cùng với hàng nghìn các doanh nghiệp trong nước khác đang khẳng định sức hút lớn đối với thị trường nước giải khát Việt Nam.
Tại Việt Nam, bình quân người Việt tiêu thụ nước giải khát trên 23 lít/người/năm. Theo Hiệp hội bia rượu - nước giải khát các dòng sản phẩm này chiếm lượng sản xuất và tiêu thụ lên đến 85% sản lượng của cả nước, Dự kiến đến năm 2020, con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt khoảng 8,3-9,2 tỷ lít/năm.
Những nguyên nhân giúp cho ngành nước giải khát Việt Nam tăng trưởng cao là do điều kiện khí hậu nóng ẩm, văn hóa ăn uống đa dạng với sự phát triển nhanh của dịch vụ ăn uống ngoài hàng đã đẩy nhu cầu về nước giải khát tăng nhanh chóng qua các năm. Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, với độ tuổi trong nhóm 15-54 tuổi chiếm gần hơn 62,2%; trong đó độ tuổi 15-40 được đánh giá là có nhu cầu cao nhất về các loại nước giải khát. Cùng với đó, tốc độ gia tăng dịch vụ ăn nhanh ở Việt nam đang đạt ngưỡng 17,8% trong năm nên kéo theo sự phát triển của ngành nước giải khát, đặc biệt là loại nước uống có gas.
Gần 90% thị phần thuộc về 3 “ông lớn”
Chỉ sau vài chục năm đầu tư vào Việt Nam, hai doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là Coca Cola, Pepsi đang chiếm lĩnh gần như tuyệt đối thị phần nước giải khát có gas. Trong khi đó, với phân khúc nước uống giải khát không gas thì duy nhất hiện có Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp 100% vốn trong nước vẫn đang chi phối.
Báo cáo của Hiệp hội bia rượu-nước giải khát, đến thời điểm này, thị phần ngành nước giải khát hiện do Coca Cola chiếm lĩnh trên 41% thị phần, PepsiCo khoảng 22,7% trong khi Tân Hiệp Phát là 25,5%, số còn lại khoảng 10,5% thuộc về các cơ sở nhỏ lẻ khác.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia rượu - nước giải khát cho biết, thị trường nước giải khát không cồn của Việt Nam đang có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư bởi lẽ, các nước lớn như Pháp, Nhật Bản... cũng chỉ kỳ vọng mức tăng trưởng trên thị trường nội địa khoảng 2% mỗi năm thì Việt Nam trong những năm gần đây vẫn duy trì mức tăng trưởng ấn tượng từ 6-7%. Do vậy sức hấp dẫn này cũng là niềm ước mơ của nhiều ngành công nghiệp lớn trên thế giới.
Trước một thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn như vậy, không chỉ các các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) liên tục mở rộng qui mô sản xuất trong thời gian qua, mà bán thân các doanh nghiệp 100% vốn trong nước cũng không ngừng nâng công suất hoạt động.
Với tốc độ tăng trưởng từ 5-7% trong những năm gần đây, thị trường nước giải khát Việt Nam lâu nay vẫn được đánh giá là “miếng bánh” ngon với nhu cầu tiêu thụ và tốc độ phát triển tốt so với nhiều thị trường các nước lân cận.
Thế nhưng, cũng không phải tới bây giờ, những người trong ngành mới ngậm ngùi thừa nhận, " miếng bánh ngon" nhưng doanh nghiệp nội chỉ được một góc rất nhỏ, phần lớn còn lại đều nằm gọn trong tay của những công ty nước ngoài.
Dù là một môi trường tiềm năng & đầy sức hấp dẫn nhưng cuộc chạy đua giành thị phần đòi hỏi ở doanh nghiệp nhiều yếu tố, chính vì vậy, các doanh nghiệp đã xây dựng những chiến lược truyền thông quảng cáo như thế nào để "lôi kéo" được người tiêu dùng?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin ở kỳ tiếp theo...