Đề xuất xử lý hình sự chủ đầu tư cố tình chây ì cấp sổ đỏ

Trả lời trước Quốc hội sáng nay (09/11), Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết những dự án đã xong thủ tục nhưng chủ đầu tư cố tình chây ì sẽ có chế tài "xử phạt nghiêm khắc" theo quy định xử phạt vi phạm hành chính.

"Nếu như chủ đầu tư vẫn cố tình vi phạm, Bộ kiến nghị các địa phương chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật hình sự", Bộ trưởng Hà cho biết.

Theo quy định của pháp luật, trong thời hạn 50 ngày kể từ khi bàn giao nhà ở cho người mua, chủ đầu tư phải thực hiện làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận sử dụng đất và sở hữu nhà ở cho người mua. Chế tài xử phạt cho hành vi chậm trễ có thể lên tới 1 tỷ đồng.

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà trong phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 09/11 (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội)

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân chính dẫn tới sự chậm trễ này có hai loại. Thứ nhất là chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục để cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở. Hai là dù đã thực hiện đủ các thủ tục nhưng vẫn cố tình chây ì trong việc cấp quyền cho người dân.

Với vấn đề quy hoạch treo, ông Hà cho biết, để đảm bảo quyền lợi cho người dân, Luật Xây dựng (sửa đổi) đã có quy định, nếu kế hoạch xây dựng cấp huyện sau ba năm không triển khai, người dân được cấp phép xây dựng có thời hạn về cải tạo, thậm chí là xây mới; hết thời hạn quy hoạch, người dân sẽ tiếp tục được cải tạo, xây mới nhà ở.

Bộ trưởng cho biết để khắc phục tình trạng này, Bộ Xây dựng đã ban hành một số quy chuẩn cốt lõi để phục vụ công tác quy hoạch, hoàn thành xây dựng cổng thông tin quy hoạch quốc gia. Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch sửa đổi đã có một số quy định mới về việc lập, điều chỉnh quy hoạch, bãi bỏ một số quy hoạch không phù hợp...

Các địa phương cũng tích cực hơn trong việc rà soát quy hoạch chung, chi tiết, tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Theo tính toán sơ bộ, TP HCM đã rà soát trên 250 quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thu hồi 176 dự án treo; Đà Nẵng rà soát 1.007 quy hoạch chi tiết, đang xử lý 201 dự án treo; Hà Nội rà soát 78 quy hoạch phân khu, 67 quy hoạch chi tiết.

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn đấu giá quyền sử dụng đất

Năm 2020, Hà Nội đặt mục tiêu đấu giá quyền sử dụng đất đạt 23.855,58 tỷ đồng, nhưng đến hết tháng 10/2020, mới thu được hơn 7.000 tỷ đồng, đạt gần 30% kế hoạch.

Theo kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2020, đến nay, một số địa phương đã có kết quả đạt từ 150% đến 300% như: Ứng Hòa, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức… Tuy nhiên, vẫn có nhiều địa phương kết quả còn đạt thấp.

Nguyên nhân được xác định chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cùng với đó là những vướng mắc liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng chưa bố trí được kinh phí xây dựng hạ tầng khu đất đấu giá…

Công tác đấu giá quyền sử dụng đất đang được các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đẩy mạnh từ nay đến cuối năm 2020 (Ảnh: Trung Nguyên)

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện quỹ đất đủ điều kiện để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố có tổng diện tích khoảng 71,92ha (66 dự án). Dự kiến hết năm 2020 thu từ đấu giá quyền sử dụng đất được khoảng 12.356,07 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch năm 2020. Để đẩy nhanh tiến độ, cuối tháng 9 vừa qua, Sở đã đề xuất thành phố chỉ đạo 18 đơn vị chưa hoàn thành chỉ tiêu khẩn trương tổ chức đấu giá các khu đất đủ điều kiện trong năm 2020; lập kế hoạch tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất chi tiết cho từng tháng trong quý IV/2020.

Mới đây nhất, ngày 03/11 tập thể UBND thành phố đã cho ý kiến về việc ban hành Quyết định của UBND thành phố thay thế Quyết định số 04/2017/QĐ-UBND ngày 24/02/2017 của UBND thành phố về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn thành phố.

Với sự chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc của thành phố, tin tưởng rằng, công tác đấu giá quyền sử dụng đất sẽ được các địa phương của thành phố nỗ lực vào cuộc, tạo chuyển biến tích cực trong chặng nước rút từ nay đến cuối năm 2020. Qua đó, phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong năm 2020, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố; đồng thời tạo tiền đề thực hiện tốt công tác đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021.

Giải cứu nhà tái định cư bỏ hoang

Mặc dù trên thực tế, nhà TĐC vẫn luôn là phương án mà người dân mong muốn được sở hữu thay vì tiền bồi thường bởi không phải lo lắng về việc không đủ tiền mua nhà ở khu vực khác. Tuy nhiên vì không phù hợp với nhu cầu, nhiều người dân được TĐC không đến nhận nhà, mà buộc phải rao bán, hưởng chênh lệch, rồi tìm chỗ ở khác phù hợp hơn. Nhưng không phải dự án nào cũng có tính thanh khoản cao, nhiều dự án và căn hộ không bán được, bỏ hoảng nhiều năm, hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng.

Hàng chục ngàn căn nhà tái định cư tại TP.HCM, Hà Nội bỏ hoang không ai ở gây lãng phí vô cùng lớn (Ảnh: Đình Sơn)

Việc dự án TĐC bỏ hoang gây lãng phí nhiều cho ngân sách và nguồn lực của xã hội cũng xảy ra trên rất nhiều dự án tại TP Hà Nội như: quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên…

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam lý giải, nguyên nhân cơ bản do trước khi tiến hành xây dựng nhà TĐC, việc nghiên cứu xem liệu dự án có đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân gần như chưa được thực hiện.

Ở góc nhìn dự án TĐC bỏ hoang, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng, với các dự án bị chậm tiến độ, Sở này cũng đã nghị Thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra thu hồi dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định của Luật Đầu tư, làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư khác thực hiện, tránh để các dự án nhà TĐC bị đắp chiếu nhiều năm, trong khi quỹ nhà TĐC không đủ phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng.

Để giải quyết tình trạng trên, UBND TP.HCM đã xin ý kiến chuyển đổi thành nhà thương mại để bán. Để không lặp lại tình trạng ế căn hộ TĐC như hiện nay, TP sẽ xem xét công tác TĐC một cách toàn diện, hài hòa với đời sống người dân khi di dời.

Những phân khúc nổi bật trên thị trường BĐS hiện nay

Đất nền sự lựa chọn hàng đầu của khách hàng

Theo dự báo từ DKRA Vietnam, đất nền vẫn tiếp tục là kênh đầu tư được chọn lựa hàng đầu.

Kết quả khảo sát củaVietnam Report cho thấy, đất nền được nhiều người lựa chọn nhất với 62,77%; tiếp đến là căn hộ cho thuê (34,89%), chung cư (28,09%), bán lẻ: Shophouse, trung tâm thương mại… (10%), bất động sản khu công nghiệp (12,13%).

BĐS công nghiệp lên ngôi

Trong khi thị trường mặt bằng bán lẻ ảm đạm thì bất động sản công nghiệp lại đang có nhiều cơ hội phát triển, nhất là khi làn sóng đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển về khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.

Sự xuất hiện của dòng vốn đầu tư ở trong nước cũng như vốn ngoại đổ vào khu chế xuất và khu công nghiệp. Đây có thể coi là dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Theo JLL, Việt Nam đã và đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ cả nhà đầu tư và nhà sản xuất đối với sở hữu tài sản công nghiệp trong nửa đầu năm 2020.

Còn theo CBRE Việt Nam, trong hai năm qua, thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam ghi nhận những diễn biến tích cực với sự tăng trưởng đáng kể về giá thuê và tỷ lệ lấp đầy.

Tỷ lệ lấp đầy bình quân được ghi nhận tại các khu công nghiệp của bốn tỉnh và thành phố công nghiệp trọng điểm miền Nam đạt khoảng 84,5%. Đặc biệt, các khu công nghiệp đang hoạt động ở

Tính đến hết quý III/2020, số lượng các khu công nghiệp mới chào thuê đất tại khu vực công nghiệp trọng điểm miền Nam rất hạn chế. Theo ghi nhận của CBRE, khu vực công nghiệp trọng điểm miền Nam chào đón 4 khu công nghiệp mới trong 9 tháng đầu năm 2020. Trong đó, TP.HCM có 1 khu công nghiệp, tỉnh Long An có 2 khu công nghiệp và Đồng Nai có 1 khu công nghiệp. Tổng diện tích đất tự nhiên của các khu công nghiệp mới đạt 1.373,8 ha với nguồn cung đất công nghiệp cho thuê dự kiến ở mức 906 ha.

Làn sóng dịch chuyển đầu tư sang các tỉnh lân cận ngày càng mạnh mẽ

Khi quỹ đất sạch tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.chm ngày càng khan hiếm, các doanh nghiệp BĐS sẽ tiếp tục chuyển dịch sang các tỉnh thành khác có lợi thế phát triển kinh tế khoáng sản, công nghiệp, đặc biệt là phát triển du lịch.

Tại miền Bắc, thị trường bất động sản sẽ bùng nổ tại các tỉnh có sự đầu tư mạnh vào công nghiệp, công nghệ, cơ sở hạ tầng, đô thị như ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…

Trong khi tại khu vực miền Nam, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết… đang là những vùng đất vệ tinh TP HCM được các NĐT nhắm tới.

Công nghệ đang thay đổi cách thức kinh doanh BĐS

Hiện nay bên cạnh phương thức tiếp thị truyền miệng truyền thống, các khách hàng dần tiếp cận các thông tin bất động sản qua mạng và Internet nhiều hơn.

Công nghệ có tác động lớn trong thay đổi hành vi người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid tác động đến ngành BĐS nói chung, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ vào BĐS. 

Chính thức thông xe đường Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở

Từ 6h hôm nay (09/11), đường Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng chính thức được thông xe, đưa vào khai thác.

Tuyến đường trên cao đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở thuộc Dự án đầu xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng theo hình thức BT.

Tuyến đường được khởi công từ tháng 04/2018, cầu chính có mặt cắt 19m và cầu dẫn mặt cắt ngang 7m. Cùng với xây dựng đường trên cao, phần nền đường dưới thấp đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng cũng đã được duy tu, nâng cấp, đảm bảo quá trình lưu thông an toàn, thuận lợi của người dân.

Đường Vành đai 2 trên cao chính thức được đưa vào khai thác từ ngày 09/11/2020 (Ảnh: Quang Thái)

Theo phân luồng giao thông, phương tiện xe ô tô được phép lưu thông trên tuyến đường Vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng và ngược lại). Cấm các phương tiện: Xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ lưu thông trên tuyến đường Vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng và ngược lại).

Việc tổ chức cho các phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường Vành đai 2 dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng và ngược lại) theo sự hướng dẫn, điều tiết của hệ thống biển báo, sơn kẻ, đèn tín hiệu giao thông.

Việc thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở được thực hiện như sau: Cấm các phương tiện trên đường Tây Sơn (dưới thấp) rẽ trái và đi thẳng qua nút giao Ngã Tư Sở, các phương tiện lưu thông theo hướng từ Tây Sơn rẽ phải liên tục ra đường Láng và quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Láng để đi thẳng ra đường Trường Chinh hoặc rẽ phải liên tục ra đường Nguyễn Trãi.

Theo thiết kế, xe ô tô sẽ được lưu thông với vận tốc tới 80km/h trên đoạn tuyến đầu tiên của đường Vành đai 2 trên cao. Để bảo đảm an toàn cho các phương tiện, tại hai đầu đường Vành đai 2 trên cao (đầu Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng) đã được thiết lập dải phân cách an toàn với biển mũi tên chỉ hướng phản quang.

Sau khi đưa vào khai thác, đường Vành đai 2 trên cao được kỳ vọng sẽ hạn chế ùn tắc giao thông kéo dài nhiều năm trên tuyến đường Trường Chinh, một trong những điểm nóng nhất về giao thông nội đô TP Hà Nội.

Theo Nguyễn Mây (tổng hợp)/Đô Thị Mới