Hà Nội hoàn thành xử lý vi phạm tại công trình 8B Lê Trực

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B phố Lê Trực (thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội), ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ký ban hành báo cáo số 317/BC-UBND nhằm báo cáo, giải trình với Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý, khắc phục vi phạm trật tự xây dựng tại số nhà trên.

Hà Nội báo cáo Thủ tướng hoàn thành việc xử lý vi phạm tại số 8B Lê Trực

Theo đó, thành phố Hà Nội đã hoàn thành việc xử lý nghiêm vi phạm tại số 8B Lê Trực theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình và lợi ích các bên liên quan.

Cụ thể, báo cáo của thành phố Hà Nội tập trung vào làm rõ quá trình sai phạm, cũng như việc xử lý kỷ luật tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm và tiến trình tháo dỡ, phá dỡ công trình 8B Lê Trực từ năm 2015 đến nay.

Giai đoạn 1 đã tháo dỡ phần tum thang và tầng 19.

Giai đoạn 2, năm 2020 đã tháo dỡ toàn bộ phần tường xây, vách ngăn, cửa, thiết bị tầng; hoàn thành khối lượng cắt sàn tầng 18 với diện tích 1.268m2; cắt xong 256,35 mét dài dầm, cắt xong 14/14 cột (đạt 100% số lượng cột, tương đương với 46,2 mét dài cột).

Toàn bộ tấm sàn cột, dầm sau khi cắt đã được hạ xuống, xếp gọn dưới chân công trình và hoàn trả mặt bằng đường Trần Phú để phục vụ giao thông. Trong quá trình tháo dỡ đã đảm bảo an toàn về người.

Hiện trạng công trình còn 17 tầng và tum thang, chiều cao đến mặt mái tầng 17 là 58,5m, so với giấy phép xây dựng vượt chiều cao 5,5m; diện tích sàn tăng 2.834,8m2.

Về hướng xử lý công trình thời gian tới, báo cáo của thành phố Hà Nội cho hay, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, trên cơ sở báo cáo, đề xuất của Sở Xây dựng và UBND quận Ba Đình, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 5184/UBND-SXD ngày 30/10/2020 chỉ đạo cho phép giữ lại kết cấu cột, dầm, kết cấu lõi thang và dầm treo tầng 18; dầm, cột, vách tường xây lồng ô cầu thang bộ.

Các sở, ngành, UBND quận Ba Đình tiếp tục giám sát chặt chẽ công trình, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện nghiêm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước (trong đó có việc hoàn trả ngân sách kinh phí cưỡng chế), khẩn trương hoàn thiện công trình theo phương án kiến trúc, hồ sơ thiết kế kỹ thuật được duyệt theo quy định, bảo đảm an toàn cho công trình và công trình xung quanh, bảo đảm mỹ quan, kiến trúc đô thị.

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cũng giải trình việc cho phép giữ lại một số hạng mục trên là do yêu cầu về kỹ thuật, bảo đảm kết cấu và an toàn cho tòa nhà (do hệ dầm treo, cột giữ lại chịu một phần lực nâng cho các tầng dưới, nếu phá tiếp có thể bị ảnh hưởng tới kết cấu chung của tòa nhà).

Các hạng mục này được hoàn thiện thành giàn hoa, bồn cây, không sử dụng cho mục đích khác.

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cũng nêu, việc khắc phục hậu quả gây ra, chỉnh trang công trình đưa vào khai thác sử dụng thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư.

UBND TP sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, UBND quận Ba Đình thực hiện nghiêm túc, đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý, không để xảy ra các trường hợp vi phạm tương tự trên địa bàn.

Giá chung cư ven đô chạm mốc 60 triệu đồng một m2

Theo Savills, giá nhiều chung cư ven đô được đẩy lên cao do các chủ đầu tư đã bù đắp các bất lợi về mặt vị trí bằng nhiều tiện ích. Từ năm 2016 đến nay, nguồn cung đang được dịch chuyển tới các khu đô thị mới xa hơn. Trong quý IV, huyện Gia Lâm và Từ Liêm dẫn đầu nguồn cung cho thị trường với tỷ lệ lần lượt là 38% và 37%.

Savills cũng ghi nhận giá dự kiến chào bán một số dự án chung cư khu vực vùng ven Hà Nội đạt 50 - 60 triệu đồng mỗi m2, dự án shophouse đạt 200 - 300 triệu đồng một m2. Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội nhận định, ở mức giá này, lần đầu tiên giá bất động sản vùng ven cao hơn so với các dự án nằm trong khu vực giữa vành đai 2 và 3.

Quý IV/2020, dự kiến dẫn đầu nguồn cung tương lai là huyện Gia Lâm với 38% thị phần và Từ Liêm với 37% thị phần (Ảnh: baomoi)

Theo Savills, các dự án ven đô giá cao này thứ nhất thuộc dự án quy mô lớn thường được gọi là đại đô thị, được đầu tư các công trình tiện ích, dịch vụ, cảnh quan lớn, khiến cư dân nhận được nhiều lợi ích hơn.

Bên cạnh đó, công trình căn hộ cũng có những điểm nhấn về sự gia tăng các tiện ích nội khu cũng như chất lượng hoàn thiện, hay điều kiện bàn giao. Các chủ đầu tư thường bàn giao dự án ở mức hoàn thiện cơ bản, nhưng với những dự án giá cao này, các chủ đầu tư có thể bàn giao thêm các điều kiện khác, chất lượng tốt hơn.

Thứ hai, hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng từ khu vực trung tâm thành phố ra đến các dự án ven đô đang được cải thiện khá rõ ràng, khiến các chủ đầu tư có thể xem xét nhóm yếu tố này để đưa ra những mức giá đáng chú ý như vậy ở Hà Nội.

"Những dự án vùng ven có mức giá cao này sẽ đối mặt với mức cạnh tranh lớn với các dự án thuộc khu vực giữa vành đai 2 và vành đai 3. Độ hấp thụ của dự án có thể nói vẫn là một câu hỏi", bà Hằng nói. Tuy nhiên, các mức giá đang được thông báo là mức dự kiến. Các chủ đầu tư sẽ cần thêm thời gian để quyết định có điều chỉnh hay giữ nguyên giá.

Theo Savills, giá sơ cấp trên thị trường nhà ở vẫn tăng đều mỗi năm và không hề giảm trong năm 2020 bất chấp tác động của hai làn sóng dịch bệnh. Hiện tượng giảm giá nhà ở thường thuộc về các giao dịch thứ cấp, những dự án đã hiện hữu hoặc đã "ra hàng" trên thị trường cách đây 1 hoặc vài năm.

Trong những tháng cuối năm, thị trường chung cư sẽ sôi động hơn so với những quý trước khi một số chủ đầu tư chính thức ra hàng sau thời gian dài chờ đợi. Thị trường ghi nhận khoảng 10.000 căn hộ nhưng dòng sản phẩm có giá dưới 20 triệu đồng một m2 vẫn không có nhiều lựa chọn.

Hà Nội: Rà soát, xử lý vi phạm về đất đai tại các trang trại nghỉ dưỡng

Ngày 06/11/2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 9684/VP-ĐT về kiểm tra, rà soát các vi phạm pháp luật về đất đai đối với mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng.

Công văn nêu rõ, UBND thành phố nhận được Văn bản số 5845/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 19/10/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị kiểm tra, rà soát các vi phạm pháp luật về đất đai đối với mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng.

Ngày 06/11/2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 9684/VP-ĐT về kiểm tra, rà soát các vi phạm pháp luật về đất đai đối với mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng. Ảnh minh họa

Về việc trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, rà soát, xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai đối với mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng trên địa bàn các quận, huyện, thị xã…

UBND thành phố cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng đối với mô hình kinh doanh trên; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng đến chính quyền cơ sở và người dân để tránh xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong việc đầu tư, xây dựng, sử dụng đất để thực hiện mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng.

TP HCM - nhức nhối nhà “siêu mỏng” sau giải phóng mặt bằng

Tuyến Metro số 2 (TPHCM) đi qua địa bàn 6 quận gồm 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú với tổng diện tích thu hồi mặt bằng là 251.136 mét vuông và 603 trường hợp bị ảnh hưởng. Trong đó, quận Tân Bình là địa phương có số hộ dân bị giải phóng mặt bằng (GPMB) nhiều nhất.

Chỉ riêng địa bàn quận Tân Bình đã ghi nhận 49 trường hợp diện tích nhà ở còn lại sau GPMB dưới 15m2. Hiện địa phương này đã vận động được 9 trường hợp người dân tự nguyện giao phần còn lại ngoài ranh dự án, và vẫn còn 40 trường hợp không đồng ý giao phần còn lại ngoài ranh.

Bản đồ giải phóng mặt bằng cho thấy dãy nhà trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Phường 4, quận Tân Bình) bị “xén” thành nhà “siêu nhỏ“. Ảnh: Hữu Huy

Ông Nguyễn Trung Sơn, Chủ tịch UBND Phường 4, quận Tân Bình (TPHCM) cho biết, ở địa bàn phường có 5 trường hợp nhà có diện tích nhỏ sau GPMB. Trong đó, chỉ có 1 trường hợp vì diện tích sau giải tỏa còn quá ít nên đã giao lại cho Nhà nước. “Những trường hợp nhà có diện tích nhỏ rõ ràng phần thiệt thòi thuộc về phía người dân. Bởi lẽ khi vận động GPMB làm dự án, đã cam kết với người dân sẽ hưởng lợi từ dự án. Trên tuyến đường sau khi làm dự án thì nhiều người được hưởng lợi, chỉ có những hộ còn diện tích ít thì thiệt thòi” - ông Nguyễn Trung Sơn chia sẻ.

Phía UBND phường dự định sau khi xong dự án Metro, sẽ báo cáo đề xuất đến quận để có phương án chỉnh trang đô thị để đền bù và giải tỏa những căn nhà như báo phản ánh. Đó là một dự án khác, sẽ tính giá đền bù khác, vừa để chỉnh trang đô thị, vừa thông đường hẻm 11 Tự Lập ra đường Cách Mạng Tháng Tám (hiện nay hẻm 11 Tự Lập đang là hẻm cụt).

Ba căn nhà liền kề nằm trên địa chỉ đường Cách Mạng Tháng 8 (thuộc địa bàn phường 4, quận Tân Bình) đang thuộc dạng “siêu mỏng”, bởi lẽ từ ranh giải tỏa đi vào vách tường bên trong căn nhà chỉ khoảng 1 mét. Ảnh: Hữu Huy

Thực tế không chỉ riêng tuyến Metro số 2, tại TPHCM sau khi GPMB phục vụ xây dựng một số tuyến đường thì “nhà siêu mỏng, siêu méo, siêu nhỏ” lại xuất hiện khá nhiều, gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

Theo khảo sát của Sở TNMT TPHCM, tại nhiều quận, huyện: Quận 1, 3, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh và Phú Nhuận... cho thấy, nhu cầu sử dụng đối với các khu đất nói trên để hợp khối với nhà ở hiện hữu của người dân tương đối nhiều. Tuy nhiên, vướng mắc duy nhất nằm ở chỗ không phải người sử dụng đất liền kề nào cũng có đủ khả năng tài chính để đấu giá và hợp khối.

Để khắc phục tình trạng này, trước đây TPHCM cũng đã có văn bản xin ý kiến Chính phủ cho phép thí điểm việc giao đất có thu tiền sử dụng đất thay cho hình thức giao đất có diện tích nhỏ hẹp không còn sử dụng chung cho chủ đất liền kề để hợp khối theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

TPHCM: 10 tháng, vi phạm trật tự xây dựng giảm 77,6%

Theo thống kế của Sở Xây dựng TPHCM tính đến tháng 10/2020 đã ghi nhận 631 công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Theo thống kế của Sở Xây dựng TPHCM tính đến tháng 10/2020 đã ghi nhận 631 công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Cụ thể, có 267 công trình xây dựng sai phép (chiếm tỉ lệ 42,3% tổng số vi phạm) và có 364 công trình xây dựng không phép (chiếm tỉ lệ 57,7% tổng số vi phạm).

“Bình quân số mỗi ngày có 1,9 vụ vi phạm về trật tự xây dựng, nếu so sánh với 6 tháng đầu năm 2019 là 8,5 vụ/ngày (thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng) thì số vụ vi phạm giảm 6,6vụ/ngày, tỷ lệ giảm 77,6%”- Sở Xây dựng TP HCM thông tin.

Theo Sở Xây dựng TP HCM, tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, trên đất không phù hợp quy hoạch được duyệt, vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực đât đai ở huyện ngoại thành vẫn còn phức tạp, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các công trình này còn chưa dứt điểm, kéo dài dẫn đến các công trình hoàn thành, mua bán, chuyển nhượng, gây khó khăn trong công tác xử lý vi phạm hành chính…

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố theo Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ, Sở Xây dựng TPHCM và các Sở, ngành cùng UBND quận/huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai.

Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền quy định pháp luật về xây dựng, đất đai, quy hoạch, kịp thời phản ánh, thông tin rộng rãi các hành vi vi phạm quy định pháp luật về xây dựng, đất đai, quy hoạch…

Theo Nguyễn Mây (tổng hợp)/Đô Thị Mới