Hà Nội vẫn thiếu sân chơi công cộng
Những năm gần đây, ở các thành phố lớn trong đó có Hà Nội, giới trẻ thường có xu hướng chọn chơi Tết. Được nghỉ dài ngày, có thời gian để xả stress sau một năm làm việc bận rộn, căng thẳng nhưng trên địa bàn thành phố người ta lại ít thấy những công trình vui chơi, đáp ứng nhu cầu giải trí hiện đại đưa vào phục vụ người dân. Hà Nội hiện có Công viên nước Hồ Tây, Công viên Thiên Đường Bảo Sơn là hai khu vui chơi giải trí tổng hợp ngoài trời, có những trò chơi vận động tương đối hiện đại.
Tuy nhiên, các loại hình dịch vụ giải trí tại Công viên Thiên Đường Bảo Sơn so với các khu vui chơi như Vinpearl Land (Nha Trang), Fantasy Park trong khu du lịch Bà Nà (Đà Nẵng) hay Đại Nam (Bình Dương)… thì quy mô vẫn còn quá nhỏ. Công viên nước Hồ Tây được xây dựng từ lâu nên đã lỗi thời, xuống cấp và chủ yếu phục vụ vào mùa Hè.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giải trí Hà Nội Nghiêm Hồng Hạnh, mở cửa từ năm 2000 đến nay, sau 20 năm hoạt động, một số hạng mục của Công viên Hồ Tây đã không còn đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí ngày một cao của du khách. Hiện công viên đang tiếp tục nâng cấp trang thiết bị, đồng thời từng bước cập nhật các xu hướng vui chơi giải trí hiện đại.
Chính vì thiếu chỗ vui chơi, vào những năm trước khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, nhiều người Hà Nội đã chọn cách đi du lịch ở các tỉnh, thành khác hoặc ra nước ngoài. Rồi vào các dịp nghỉ lễ trong năm, nhiều câu chuyện buồn do hệ lụy của việc thiếu chỗ chơi cũng đã xảy ra với người dân đô thị. Nhất là sau sự việc một học sinh của trường THPT Đông Anh tử vong và 2 học sinh khác bị thương trong khi chơi trò tàu lượn tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ), nhiều người đặt ra câu hỏi liệu rằng nguyên nhân sâu xa có phải do Hà Nội đang quá thiếu những khu vui chơi hiện đại, an toàn dành cho giới trẻ.
Có quá ít địa điểm để đưa các em đi trải nghiệm thực tế nên nhiều gia đình, nhà trường đã phải lựa chọn đưa con em mình đến những khu vui chơi có trò chơi mạo hiểm, nguy cơ rủi ro đối với tính mạng, sức khỏe, nhưng được thiết kế, lắp đặt không theo quy chuẩn nghiêm ngặt cần có. Trước đây, Công viên Thống Nhất và Vườn thú Thủ Lệ từng là địa chỉ hấp dẫn của thiếu nhi, không chỉ thu hút các em nhỏ của Hà Nội mà vào mỗi dịp lễ, Tết còn đón tiếp rất nhiều trẻ em ở khắp các địa phương khác về tham quan, vui chơi. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, những trò chơi đơn điệu, cũ kỹ trong các công viên đã không còn đủ sức hấp dẫn giới trẻ.
Một thực tế nữa đáng buồn là nhiều điểm vui chơi hiện có lại rơi vào cảnh hoang tàn. Ngoài tình trạng xuống cấp, hư hỏng, không an toàn cho trẻ em, các điểm vui chơi này cũng đã bị chuyển đổi mục đích, mất đi ý nghĩa ban đầu. Công viên Tuổi trẻ nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng là một ví dụ điển hình. Công viên này có hàng chục hécta thuộc khu đất vàng giữa lòng Hà Nội, từng là 1 trong 9 công trình trọng điểm của Thủ đô. Nay quang cảnh công viên đang thành nỗi xót xa với người dân Hà Nội khi bị băm xẻ thành nhiều điểm dịch vụ kiếm lời, còn các hạng mục vui chơi thì đều hư hỏng nặng và thành phế tích.
Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, chủ trương xây dựng các công viên đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế nằm trong mạng lưới quy hoạch công viên, vườn hoa của thành phố. Cụ thể, từ năm 2014, TP. Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu toàn khu vực nội đô có 60 công viên, vườn hoa đô thị (trong đó có 18 công viên, vườn hoa xây mới, cải tạo, nâng cấp 42 công viên, vườn hoa hiện có).
Trao đổi về vấn đề này, các chuyên gia quy hoạch phát triển đô thị cho rằng, từ lâu Hà Nội luôn quan tâm đến việc xây dựng các khu vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những sân chơi trên địa bàn Thành phố vẫn chưa thỏa mãn được nhu cầu người dân và du khách và chưa xây dựng được một khu vui chơi, giải trí ngang tầm khu vực.
Thị trường căn hộ năm 2021 sẽ không có nhiều biến động
Theo Savills, năm 2021, một số các dự án kỳ vọng mức giá quá cao sẽ phải xét lại về tổng thể, giá bán và điều kiện thực tế của dự án để giảm áp lực cho chính dự án khi tung sản phẩm ra thị trường.
Các giao dịch của thị trường bất động sản căn hộ gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 trong năm 2020, tuy nhiên, giá căn hộ vẫn ghi nhận tăng so với năm 2019. Các chuyên gia Savills nhận định đây là mức tăng vừa phải, sẽ khó có biến động lớn trong năm 2021. Việc kiểm soát dịch bệnh trong khu vực và quốc tế được dự báo vẫn chiếm nhiều khoảng thời gian của năm 2021.
Giá bán sơ cấp của thị trường căn hộ để bán được ghi nhận tăng nhẹ so với năm 2019 và ghi nhận dấu hiệu phục hồi nhất định trong Quý 4/2020 tại Hà Nội. Dữ liệu của Savills Việt Nam trong Q4/2020 cho thấy tổng nguồn cung căn hộ để bán đạt 27.100 căn, tăng 1% theo quý nhưng giảm 19% theo năm. Trong đó nguồn cung mới chỉ đạt 5.500 căn từ 10 dự án mở bán mới và giai đoạn tiếp theo của 8 dự án. Giá bán sơ cấp trung bình năm 2020 tăng khoảng 3-4% theo năm, hiện tượng tăng giá này bị tác động bởi nhiều yếu tố nhưng chủ yếu do phân khúc hạng B.
Căn hộ hạng B chiếm tỉ trọng lớn nhất, khoảng 2/3 tổng số căn hộ bán ra của cả thị trường và ghi nhận mức tăng giá khoảng 5-6% so với cùng kỳ năm 2019. Để gia tăng sức cạnh tranh trong cùng phân khúc, các chủ đầu tư hạng B trên thực tế đã phải nghiên cứu và chú trọng đầu tư hơn vào hệ thống tiện ích dịch vụ. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện một số dự án chào bán mới với mức giá được coi là lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường tại phía Đông Hà Nội và phía Tây Hà Nội. Mức giá này cao hơn trung bình ở khu vực đó, hoặc cao hơn mặt bằng chung của cả phân khúc, tuy nhiên số lượng không nhiều.
Căn hộ hạng C và hạng A gần như không có tác động đến mức tăng giá nhà của cả thị trường. Phân khúc hạng C ghi nhận mức tăng 3-4% so với cùng kỳ Quý 4/2019 nhưng giá của căn hộ hạng C lại thấp hơn hẳn với trung bình thị trường nên sự tác động là không rõ rệt. Đối với phân khúc hạng A, nguồn cung căn hộ không nhiều và cũng không có sự tăng trưởng về giá. Vì vậy, cũng không có nhiều biến động cho thị trường.
Riêng trong quý IV/2020, các chỉ số có chiều hướng tích cực hơn. Lượng giao dịch đạt 6.700 căn hộ, tăng 27% theo quý. tỉ lệ hấp thụ cũng đạt 25%, tăng 5 điểm % so với quý trước. Điều này giúp củng cố niềm tin rằng người đầu tư đã quay lại với thị trường. Tuy nhiên, lượng giao dịch chủ yếu được ghi nhận là khách mua để ở và sử dụng. Số lượng giao dịch mang tính chất đầu tư không có nhiều.
Đảm bảo tính thống nhất trong các chính sách, pháp luật điều chỉnh thị trường BĐS
Năm 2020 trôi qua với diễn biến bất thường của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Chính phủ đã có nhiều giải pháp căn cơ thông qua việc ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan tới xây dựng và bất động sản, góp phần giải quyết những vướng mắc, tạo thuận tiện, thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được xây dựng trên cơ sở 03 nhóm chính sách: Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan, với những điểm đổi mới cơ bản.
Theo đó, nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung đang bị tác động lớn bởi đại dịch Covid-19, với mục tiêu sớm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng triển khai các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 đã quy định một số nội dung có hiệu lực sớm hơn (kể từ ngày 15/8/2020), bao gồm: phân cấp thẩm quyền thẩm định toàn bộ Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng cho người quyết định đầu tư; miễn giấy phép xây dựng đối với công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện cấp giấy phép xây dựng; bãi bỏ thẩm quyền của Bộ Xây dựng và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt.
Lần sửa đổi, bổ sung này đã loại bỏ sự chồng chéo, mâu thuẫn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật giữa Luật Xây dựng với các Luật có liên quan, cụ thể là:
Thứ nhất, thống nhất quy định về trình tự, thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định của Luật Xây dựng;
Thứ hai, làm rõ việc xác định chủ đầu tư, mối quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư bảo đảm thống nhất giữa pháp luật về xây dựng, nhà ở, đầu tư, đầu tư công, quy hoạch đô thị;
Thứ ba, bãi bỏ giải thích từ ngữ “nhà ở riêng lẻ” tại Luật Xây dựng, thực hiện thống nhất theo quy định của Luật Nhà ở;
Thứ tư, thống nhất quy định về cấp giấy phép xây dựng phù hợp với pháp luật về quảng cáo, tín ngưỡng, tôn giáo, đất đai…
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 05 năm 2021 - 2025, cũng là năm cần triển khai tích cực các nhiệm vụ nhằm phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đặc biệt là các nhiệm vụ trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật, Vụ Pháp chế đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2021 như sau:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, loại bỏ sự chồng chéo, thiếu thống nhất, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp; hoàn thành việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo Chương trình, kế hoạch bảo đảm tiền độ, chất lượng.
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Tăng cường kỷ luật trong việc xây dựng và thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh công tác giám sát, đôn đốc thực hiện; tăng cường trách nhiệm của đơn vị chủ trì soạn thảo.
Thứ ba, thực hiện đánh giá chất lượng thực thi pháp luật ngành xây dựng. Trước mắt trong năm 2021, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam triển khai việc đánh giá, xếp hạng mức độ cải thiện chỉ số Cấp phép xây dựng tại các địa phương nhằm cải thiện thực chất, tạo động lực, thúc đẩy các địa phương tự nỗ lực trong việc tổ chức thi hành pháp luật về cấp phép xây dựng, cải cách, cải thiện thứ hạng so với các địa phương khác. Đồng thời, nhân rộng các điển hình tốt trong cải thiện chỉ số Cấp phép xây dựng, nâng cao trách nhiệm của từng địa phương trong việc cải thiện chỉ số Cấp phép xây dựng.
Bất động sản công nghiệp: Màu mỡ, tiềm năng nhưng không dễ “xơi”
Theo hội môi giới bất động sản, hiện tại, cả nước có 260 khu công nghiệp đang hoạt động và 75 dự án đang xây dựng.
Bất chấp đại dịch Covid-19, bất động sản phát triển rất mạnh ở một số địa phương như: Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang;...
Đặc biệt, tỷ lệ lấp đầy lên trên 70%, giá thuê nhà xưởng bình quân cả nước là 60.000 - 80.000 đồng/m2 (tăng khoảng 10% so với năm ngoái), giá đất mua từ 3 - 5 triệu đồng/m2.
Còn theo số liệu của Colliers International, tại thị trường Hà Nội, bất động sản công nghiệp vẫn ổn định và không bị ảnh hưởng nhiều, giá thuê và tỉ lệ lấp đầy vẫn giữ ở mức như quý trước. Bắc Từ Liêm và Long Biên là hai khu vực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vì hầu hết các khu công nghiệp trong khu vực đều nằm ở đây.
Theo đơn vị này, hơn 60% khu công nghiệp ở Hà Nội được ghi nhận duy trì tỷ lệ lấp đầy 100%, giá chào thuê dao động từ 98 - 160 USD/m2/kỳ, tương đương 2,25 triệu - 3,7 triệu đồng/m2/kỳ.
Trong khi đó, tại TP.HCM, tính đến tháng 12/2020, giá thuê đất khu công nghiệp bình quân tại TP.HCM đạt 160 USD/m2/kỳ (khoảng 3,7 triệu đồng/m2/kỳ), cao nhất cả nước.
Tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80% do nhu cầu bất động sản công nghiệp hiện hữu gần như không đổi so với quý trước, trong khi quỹ đất cho thuê hiện hữu chỉ dưới 3.000 ha.
Ngoài ra, trong số các tỉnh phía Nam, Long An đang tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư đang tìm kiếm các phương án thay thế các khu công nghiệp truyền thống tại TP.HCM.
Long An thu hút con số ấn tượng với 1.079 dự án FDI và vốn đăng ký 6,6 tỷ USD tính đến tháng 12 năm 2020.
Mặc dù, bất động sản công nghiệp là điểm sáng hiếm hoi của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, một số “ông lớn” trong ngành vẫn báo lỗ.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA), doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là 94 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 10 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm 2020, ITA ghi nhận 624 tỷ đồng doanh thu, giảm 51,5% so với năm 2019, lợi nhuận sau thuế đạt 177 tỷ đồng, giảm 14%.
Tương tự, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 của Tổng công ty Kinh Bắc (KBC), doanh thu cả năm đạt 2.154 tỷ đồng, giảm 33% cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất ở mức 297,4 tỷ đồng, giảm 71%.
Cơ hội nào cho năm 2021?
Bên cạnh thương chiến Mỹ - Trung, đại dịch Covid-19 như một chất xúc tác, thúc đẩy các công ty nước ngoài chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các quốc lân cận. Trong đó, Việt Nam là Indonesia là hai quốc gia tiềm năng, hầu hết các công ty quốc tế đang xem xét.
Bên cạnh đó, với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào quý III và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) chính thức được ký kết vào ngày 29/12/2020, sẽ được kỳ vọng biến Việt Nam thành “công xưởng của thế giới” cũng như thu hút thêm nhiều doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là Anh, tham gia thị trường.
Cùng với đó, việc kiểm soát đại dịch của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là động lực quan trọng để thu hút nhiều vốn nước ngoài vào Việt Nam nói chung và bất động sản công nghiệp nói riêng.
Theo TS Sử Ngọc Khương, giám đốc cấp cao Savills: Bất động sản công nghiệp có liên quan đến nhiều yếu tố như chuỗi cung ứng, kho bãi, cảng biển, giao thông vận tải…
Đồng thời, hiện nay Chính phủ đang ưu tiên các ngành nghề tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao vì đây là những ngành mang tính thời đại, do đó vấn đề về nhân lực, lực lượng lao động có tay nghề để đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam cũng là một bài toán cần phải quan tâm.