Hàng loạt dự án chung cư “chết yểu”

Theo Laodong, Dự án Kingsway Tower (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TPHCM) bị dừng thi công gần một năm qua, chủ đầu tư là Công ty TNHH Siêu Thành không thấy đâu khiến hàng trăm khách hàng vô cùng lo lắng.

Năm 2018, khách hàng ký hợp đồng mua bán căn hộ với Công ty Siêu Thành. Ban đầu, việc thi công dự án rất tốt nên hầu hết khách hàng đều thanh toán từ 70%-95% giá trị căn hộ cho chủ đầu tư. Đến nay, dự án đã trễ hẹn bàn giao hơn một năm mà chủ đầu tư vẫn chỉ hoàn thiện phần thô và bị dừng thi công gần một năm nay. Thời gian qua, họ nhiều lần yêu cầu hoàn thiện, bàn giao nhà nhưng chủ đầu tư có dấu hiệu né tránh.

Nguyên nhân dự án “ngủ đông” trong thời gian qua là do việc xây và bán nhà chưa đúng quy định, bị cơ quan chức năng xử phạt, buộc dừng thi công.

Theo hồ sơ phản ánh từ khách hàng, chúng tôi thống kê được có khoảng 12 căn hộ, shophouse, officetel bị chủ đầu tư ký bán cho nhiều người. Sau khi phát hiện sự việc đã yêu cầu công ty thanh lý và hoàn trả lại số tiền đã thanh toán nhưng không được phản hồi. Chúng tôi đã tìm đến trụ sở và văn phòng làm việc của công ty để liên hệ làm rõ các thông tin thì đều đóng cửa, số điện thoại hotline cũng tắt máy. Liên quan đến vụ việc trên, UBND quận Bình Tân vừa có văn bản gửi cho báo chí thông tin việc UBND quận đã chỉ đạo Công an quận rà soát nội dung đơn của các hộ dân mua căn hộ dự án chung cư Kingsway Tower phản ánh chủ đầu tư bán một căn hộ cho nhiều người.

Hàng loạt dự án chung cư “chết yểu”

Hàng trăm cư dân mua căn hộ dự án Park Vista (phân khu 11B, đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) bức xúc cho biết, mặc dù họ ký hợp đồng với Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại - Sản xuất - Xây dựng Đông Mê Kông (Công ty Đông Mê Kông) mua căn hộ dự án từ năm 2016 và được hứa hẹn sẽ nhận được nhà chậm nhất vào quý I/2019. Tuy nhiên đến nay đã trễ hẹn bàn giao nhà gần 2 năm, thậm chí công trình còn dừng thi công.

Tuy nhiên, điều làm cho các khách hàng bức xúc nhất đó chính là sai phạm của các cơ quan chức năng liên quan đến dự án này. Cụ thể, theo kết luận của Thanh tra TP HCM thì năm 2016, Sở Xây dựng TP HCM đã cấp giấy phép xây dựng số 79/GPXD ngày 7/6/2016 khi Công ty Đông Mê Kông chưa được duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình phân khu 11B thuộc Khu dân cư Đông Mê Kông, chưa được cơ quan có thẩm quyền bàn giao đất trên thực địa, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa được UBND huyện Nhà Bè điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 Khu dân cư Đông Mê Kông. Sau đó Sở tiếp tục cấp giấy phép xây dựng số 158/GPXD ngày 20/9/2016 khi chủ đầu tư chưa thực hiện các nội dung ghi tại giấy phép xây dựng số 79, có hành vi vi phạm điều kiện khởi công xây dựng.

Năm 2020 Hà Nội có thêm trên 550.000 m2 nhà ở xã hội 

Sáng 22/12/2020, tại trụ sở Thành ủy, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở Xây dựng Hà Nội về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Sở và ngành xây dựng năm 2020; định hướng nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

Tham dự buổi làm việc còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy.

Năm 2020 Hà Nội có thêm trên 550.000 m2 nhà ở xã hội 

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong năm 2020, trên địa bàn TP đã hoàn thành 5 dự án nhà ở xã hội với 550.281m2 san tương ứng 5.348 căn hộ; hoàn thành 89 dự án nhà ở thương mại, tương ứng 6.571.944m2 sàn, 53.644 căn hộ; hoàn thành 5 dự án nhà tái định cư tương ứng 154.270m2 sàn, 1.723 căn hộ. Ngoài ra, Sở Xây dựng tham mưu cho UBND TP bố trí và gia hạn quỹ nhà tái định cư là 2.876 căn hộ, số căn hộ đã thu hồi là 2.474 căn; ban hành quyết định chủ trương đầu tư 7 dự án nhà ở xã hội. 

Qua công tác tham mưu của Sở Xây dựng về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2015/NĐ-CP, TP Hà Nội đã được Bộ Xây dựng thống nhất đổi tên, mục tiêu đề án thành “Đề án thí điểm các cơ chế, chính sách về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội” và lựa chọn 5 khu chung cư cũ để thực hiện thí điểm, tại văn bản số 4996/BXD-QLN.

Đối với Đề án “Cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội, Sở chủ trì tham mưu cho UBND TP có văn bản lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng đề xuất một số cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như: yêu cầu 100% chủ sở hữu thống nhất; quy định hiện hành những bước chưa phù hợp; nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp D, nhà chung cư hết niên hạn sử dụng; điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch; chỉ định đầu tư...

Công tác quản lý về hạ tầng kỹ thuật đô thị đạt được những kết quả khả quan. Nổi bật, tổng công suất nguồn cấp nước hiện nay đạt 1,520 triệu m3/ngày đêm đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và tỷ lệ phủ mạng tại khu vực nông thôn đạt 78%; rác thải thu gom vận chuyển trong ngày của đô thị đạt 98%; hoàn thành việc trồng mới 1 triệu cây xanh; công tác xử phạt vi phạm TTXD đạt kết quả tốt; đã hoàn thành chương trình nhà ở xã hội cho người dân.

Đặc biệt, trong năm 2020 với nhiều nhiệm vụ khó, phức tạp đều thực hiện tốt và hoàn thành. Tính đến ngày 15/12/2020, Sở Xây dựng đã hoàn thành 1.172/1.242 nhiệm vụ (đạt 94,36%) và 70 nhiệm vụ đang tiếp tục thực hiện, không có nhiệm vụ chậm, muộn. Trong đó, đang triển khai đợt cao điểm chỉnh trang hè phố để chào mừng Tết nguyên đán và chào mừng Đại hội XIII của Đảng sắp tới.

Nhấn mạnh một số tồn tại, hạn chế, Bí thư Thành uỷ yêu cầu, thời gian tới, trên cơ sở kết quả tổng kết Chương trình 06 thì Sở phải rà soát lại để sớm xây dựng dự thảo Chương trình 03. Trong đó, chú ý đến yếu tố về chỉnh trang, hiện đại hoá, phát triển đô thị và phải tập trung toàn lực để sớm tổ chức thực hiện với tư cách cơ quan thường trực.

Giám đốc Sở Xây dựng cũng thừa nhận một số vấn đề còn tồn tại: Công tác duy trì vệ sinh môi trường tuy có nhiều chuyển biến nhưng vẫn là vấn đề bức xúc; còn tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng không đúng nơi quy định. Một số khu vực quận, huyện còn để rác tồn đọng trong ngày. Vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô đã giảm nhưng vẫn còn những diễn biến phức tạp. Công tác cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ còn chậm...

TP HCM: Không hài hòa 3 lợi ích, dẫn đến quy hoạch treo

Sáng 22/12, UBND quận 3 (TP HCM) tổ chức hội thảo khoa học tiềm năng phát triển đô thị để lắng nghe các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài nước nhằm tìm hướng đi mới trong bối cảnh đất chật, người đông.

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP HCM, khẳng định quận 3 luôn được xác định là quận trung tâm, dù trong tương lai TP HCM có phát triển nhiều đô thị thì quận 3 vẫn luôn là quận trung tâm và giữ vai trò quan trọng.

Phó chủ tịch phụ trách mảng đô thị của TP HCM nhìn nhận công tác lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch là quá trình phức tạp, cần thời gian nhất định nên cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ, tạo ra sản phẩm quy hoạch tốt để thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia, tạo nguồn lực phát triển.

TP HCM: Không hài hòa 3 lợi ích, dẫn đến quy hoạch treo

Khi đã có sản phẩm quy hoạch tốt rồi nhưng buông lỏng quản lý đất đai, quản lý xây dựng thì bức tranh quy hoạch tương lai sẽ trở nên xấu xí, không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Nếu không đảm bảo hài hòa 3 lợi ích: nhà nước, người dân, nhà đầu tư thì không nhận được sự đồng thuận của người dân, làm kìm hãm nhà đầu tư, đồ án quy hoạch mất khả thi và dẫn đến quy hoạch treo.

Do đó, việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị sắp tới không những bám sát và phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên mà phải thấu hiểu những nhu cầu chính đáng của nhân dân, chịu ảnh hưởng quy hoạch.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà quy hoạch đã phân tích những lợi thế, tiềm năng và hạn chế của đô thị quận 3.

Trong bối cảnh “đất vàng” ở trung tâm TP HCM ngày càng khan hiếm, các khu đất chung cư hết niên hạn sử dụng trên ngày càng có giá trị lớn. Dù nhiều nhà đầu tư muốn tham gia xây dựng mới nhưng người dân đang sinh sống không muốn di dời. Như năm 2017, quận 3 đưa ra đấu thầu giai đoạn 1 lựa chọn nhà đầu tư 9 chung cư cũ nhưng số lượng nhà đầu tư quan tâm không nhiều do vướng quy định muốn tháo dỡ phải được 100% người dân đồng ý.

Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia bày tỏ sự đồng tình với phương án xây dựng phố đi bộ ở Hồ Con Rùa, phố ăn vặt Nguyễn Thượng Hiền và đề xuất mở rộng thêm ra các khu vực dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

BĐS tăng mạnh bất chấp dịch Covid - 19, nguy cơ bong bóng

Theo đánh giá của Batdongsan.com.vn, dù dịch bệnh COVID - 19 khiến giao dịch trên thị trường chậm lại nhưng giá bất động sản ở khu vực này vẫn tăng. Không chỉ các dự án hiện hữu, nhiều dự án đang triển khai cũng bắt đầu đưa ra mặt bằng giá bán mới cao hơn so với giai đoạn trước đó.

Dữ liệu của Batdongsan.com.vn, giai đoạn từ quý I/2017 đến hết quý IV/2019, giá căn hộ được chào bán tại ba quận 2, 9 và Thủ Đức tăng mạnh nhất thị trường TP HCM, đặc biệt ở dòng sản phẩm chung cư cao cấp. Ở quý I/2017, giá bán căn hộ trung bình tại khu vực này vào khoảng 29 triệu đồng/m2. Con số này lần lượt tăng lên 38 triệu đồng/m2 vào quý IV/2018 và tiệm cận 41 triệu đồng/m2 vào quý cuối năm 2019. Theo đó, giá bán căn hộ bình quân tăng gần 45% trong ba năm.

Tại quận 9, một dự án biệt thự và nhà vườn đang được chủ đầu tư chào bán từ 45 triệu/m2. Nhiều căn hộ hiện hữu có giá khởi điểm 30 - 35 triệu/m2 ở năm 2019 hiện đã leo lên 37 - 40 triệu/m2. Giá chung cư thứ cấp trên các tuyến Đồng Văn Cống, Xa Lộ Hà Nội cũng có xu hướng tăng lên 300 - 400 triệu/căn so với đầu năm 2019.

BĐS tăng mạnh bất chấp dịch Covid - 19, nguy cơ bong bóng

Chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng cho biết, thu nhập của người dân giảm do kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nên nhu cầu chắc chắn giảm. Đúng nguyên tắc, giá nhà đất cũng phải giảm. Thế nhưng thời gian qua, giá bất động sản còn tăng khá mạnh là rất vô lý. Rõ ràng, giá bất động sản đang không phản ánh giá trị thật, tiềm ẩn “bong bóng” và nguy cơ vỡ “bong bóng” lớn.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng văn phòng Hội môi giới bất động sản Việt Nam khu vực phía Nam, giá nhà đất nói chung ngay trong dịch COVID - 19 vẫn đứng giá và thậm chí tăng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất là nguồn cung từ đầu năm 2020 đến nay giảm mạnh, đặc biệt tại thị trường TP HCM. Thứ hai, nhu cầu đầu tư bất động sản nói chung vẫn rất lớn. Thứ ba, dịch COVID-19 khiến nhu cầu trên thị trường bất động sản giảm tại một số khu vực, nghiêng về phía các tỉnh, còn tại TP HCM nhu cầu vẫn cao, cho nên giá căn hộ, đất nền, nhà ở riêng lẻ vẫn tăng đều đều.

Báo cáo thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2020 được Savills Việt Nam vừa công bố cũng ghi nhận giá thuê đất khu công nghiệp tại các tỉnh phía Bắc cũng tăng mạnh. Trong đó, giá thuê đất bình quân tại các khu công nghiệp cho cả vòng đời dự án tại tỉnh Bắc Ninh là 95 USD/m2, Vĩnh Phúc 65 USD/m2, Hà Nội 129 USD/m2, Hải Phòng 96 USD/m2, Hưng Yên 83 USD/m2... Bên cạnh tiền thuê đất, doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp còn phải trả các loại phí sử dụng hạ tầng, phí quản lý, phí xử lý nước thải, tiền nước sạch...

Hiện tại, tỷ lệ lấp đầy bình quân của vùng công nghiệp trọng điểm phía Nam đạt 84,5%. Trong khi các khu công nghiệp đang hoạt động tại Bình Dương, Đồng Nai và Long An đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân trên 80% thì tại TP HCM tỷ lệ này đã đạt trên 90%. Điều này làm cho áp lực giá cho thuê bất động sản công nghiệp có thể còn tăng trong 2021.

Trong thập kỷ tới nhu cầu nhà ở sẽ tiếp tục tăng

Theo dự báo của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt tại các khu vực đô thị. Nguyên nhân là do tốc độ tăng dân số cùng xu hướng đô thị hóa phát triển; tăng trưởng kinh tế gắn liền với sự gia tăng mức thu nhập của người dân làm tăng khả năng chi trả nói chung và tăng mức độ sẵn sàng chi trả cho nhu cầu về nhà ở nói riêng. Bên cạnh đó, nhu cầu cải tạo, thay thế do sự xuống cấp về chất lượng của nhà ở cũng sẽ tăng lên.

Phát triển kinh tế sẽ đưa thu nhập bình quân dân số thành thị tăng nhanh hơn, đồng thời nhu cầu về chất lượng nhà ở tại các thành phố cũng tăng lên, tuy nhiên theo Bộ Xây dựng, tốc độ gia tăng ngân sách chi tiêu dành cho nhà ở không thay đổi nhiều.

Xét riêng cho từng phân khúc nhà ở tại khu vực đô thị thì chung cư giá rẻ và trung bình sẽ là phân khúc chiếm thị phần lớn nhất và có xu hướng gia tăng; nhà biệt thự, liền kề giữ ổn định trong ngắn hạn và có xu hướng giảm thị phần trong dài hạn; nhà ở cho người thu nhập thấp tiếp tục còn thiếu hụt trong ngắn hạn và trung hạn

Trong thập kỷ tới nhu cầu nhà ở sẽ tiếp tục tăng (Ảnh: Internet)

Ngoài những đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội vẫn luôn duy trì tốc độ tăng trưởng dân cư từ 48 - 80%, tỷ lệ đô thị hóa tại các tỉnh thành khác cũng tăng rất nhanh qua các năm.

Nhu cầu nhà ở tại các đô thị lớn liên tục tăng trưởng mạnh. Tính riêng trong một thập kỷ qua, tổng diện tích xây dựng nhà tại Việt Nam tăng trưởng ấn tượng 19%, từ mức 22,6 triệu hộ gia đình đã tăng lên mức 26,7 triệu hộ trong năm 2019. Diện tích nhà ở riêng lẻ tăng 41%, từ mức 1,5 tỷ m2 năm 2010 tăng lên mức 2,1 tỷ m2. Riêng với loại hình nhà chung cư, từ mức 17 triệu m2 sàn năm 2010 lên mức 41 triệu m2 sàn, tăng gần 142% chỉ sau 10 năm.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn chi nhánh TP HCM nhận định: "Hiện nay Hàn Quốc có tốc độ đô thị hóa 80%, Malaysia 77%, Trung Quốc 60%, Thái Lan và Philippines là 51% và 47%, con số 35% của Việt Nam cho thấy khả năng đô thị hóa còn nhiều dư địa trong 10 năm tới. Với tốc độ tăng trưởng hạ tầng, mở rộng kết nối và phát triển đô thị hiện nay, vào năm 2030 Việt Nam sẽ có ít nhất 3 thành phố có tỷ lệ dân số từ 1 - 5 triệu dân, 6 tỉnh thành có 0,5 - 1 triệu dân. Nhu cầu nhà ở sẽ tăng cao ở các tỉnh thành, đặc biệt là ở những khu vực giáp ranh TP HCM và Hà Nội".

Theo Hải Miên (tổng hợp)/Đô Thị Mới