Theo Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương hồi 07 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 117,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 380km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 03/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Bình Định-Ninh Thuận khoảng 420km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 14.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 13-14; biển động rất mạnh. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 10-14 độ Vĩ Bắc; phía Đông 111,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng15km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 04/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,0 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Bình Định-Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14.
Dự báo trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km.
Cảnh báo gió mạnh trên biển: Do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh, từ đêm nay (02/11), ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.
Do ảnh hưởng của bão nên mực nước của các sông từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên dâng cao.
Dự báo từ 6-12 giờ tới, lũ trên sông ở Thừa Thiên Huế, sông Thu Bồn, sông Ba tiếp tục lên nhanh, dao động quanh BĐ1-BĐ2, riêng sông Kỳ Lộ tại Phú Yên vẫn trên BĐ3. Các tỉnh từ Quảng Nam – Ninh Thuận và Bắc Tây Nguyên cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.
Trong chiều nay, áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào các tỉnh Kiên Giang – Cà Mau với sức gió mạnh cấp 6-7, có thể giật cấp 8. Áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa; vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau gồm các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo; vùng biển Cà Mau đến Kiên Giang gồm cả đảo Thổ Chu có mưa rào và dông kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng; gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; biển động. Ven biển từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau đề phòng nước dâng kết hợp với kỳ triều cường cao khiến mực nước biển có thể lên tới 4-4,5m.
Tối nay, bão nằm trên khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Sau đó, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm.
Như vậy, sau 20 năm sau bão Linda đổ bộ khiến hơn 3.000 người chết và mất tích, tại vùng biển phía Nam lại xuất hiện một cơn bão mới. Thời gian qua, khu vực này chỉ chịu tác động của 4-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp suốt hơn 1 ngày qua (từ ngày 1/11) khu vực từ Huế vào đến Khánh Hòa đã có mưa to đến rất to. Khiến cho nước sông tại Nam Trung Bộ lên nhanh, ngập sâu trong lũ nhấn chìm nhiều tuyến đường, cô lập một số khu dân cư ở Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi.
Đoàn tàu Bắc – Nam, tuyến tàu SE8 hành trình TP. HCM – Hà Nội buộc phải dừng lại ở ga Tuy Hòa chờ khắc phục sự cố do đường ray ở xã Xuân Quang Bắc bị sạt lở hơn 20 m.
Phú Yên
Nước sông Kỳ Lộ ở huyện Đồng Xuân dâng cao làm cầu La Hai ngập hơn 1,5 m. Cầu sông Cây Sung tại xã Xuân Sơn Bắc, nước lũ tràn lên hơn 2 m. Nhiều nơi của huyện bị cô lập, chìm trong nước lũ. Nhiều vùng trũng nước chảy xiết, chia cắt khu dân cư, người dân phải di dời tài sản và cho học sinh nghỉ học, đảm bảo an toàn.
Khánh Hòa
Mưa rải rác ở nhiều nơi làm nước lũ dâng nhanh, gây ngập nhiều tuyến đường. Bước đầu chưa có thiệt hại về người, nhưng lũ làm đàn heo ở trại của dân tại xã Ninh Sơn bị cuốn trôi.
Nha Trang
Tàu thuyền được ngư dân cập sát bờ neo đậu. Toàn tỉnh có gần 9.800 tàu thuyền với hơn 730 lao động trên biển được thông báo tình hình áp thấp nhiệt đới, kêu gọi vào nơi tránh trú an toàn và không ra khơi vào thời điểm hiện tại. Sở Du lịch Khánh Hòa cũng có công điện yêu cầu các doanh nghiệp theo dõi tình hình, hạn chế đưa khách ra các đảo tham quan, đảm bảo an toàn.
Bình Định
Một số nơi có lượng mưa trên 180 mm, mưa lớn từ thượng nguồn đổ về làm nước sông Kôn – Hà Thanh lên nhanh và xuất hiện lũ. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã phát thông báo cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở huyện: An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh và Vân Canh và ngập lụt ở vùng trũng thấp các huyện An Nhơn, Tuy Phước và TP. Quy Nhơn.
Quảng Ngãi
Ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, có mưa lớn trên diện rộng. Tại huyện miền núi Sơn Hà, sáng nay đã có gần 1.000 học sinh phải nghỉ học do lũ. Nước sông Trà Khúc dâng cao nhấn chìm con đường độc đạo 200 m vào “ốc đảo” giữa sông Trà, với 350 hộ dân, 1.300 người sinh sống.
Hiện nước lũ ở các sông từ Thiên Thiên Huế đến Ninh Thuận và Bắc Tây Nguyên tiếp tục dâng cao, cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi và ngập úng cục bộ ở điểm bị trũng.
Tròn 20 năm trước, cơn bão số 5 mang tên quốc tế Linda đã gây ra cái chết và mất tích cho hơn 3.000 người dân miền Tây, một trong những thảm họa thiên tai lớn nhất trong 100 năm. Ngày 2/11/1997, bão Linda đổ bộ vào đồng bằng sông Cửu Long - vùng đất rất hiếm khi có bão. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, bão Linda gây thiệt hại 7.200 tỷ đồng cho 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ, khiến 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.232 người bị thương, 107.892 ngôi nhà bị sập. Trong đó, riêng tỉnh Cà Mau đã có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương. |