Bộ Xây dựng lên tiếng việc 'đút tiền' bốc thăm để trúng suất mua NƠXH
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 2/3, Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 2/3, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã giải đáp phản ánh liên quan đến việc một số dự án nhà ở xã hội đang được môi giới quảng cáo là đóng tiền, “tiền đây chắc là tiền đút” để chắc chắn bốc thăm được suất mua.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, toàn bộ quy trình, thủ tục về việc mua, thuê mua nhà ở xã hội đã được quy định đầy đủ trong các văn bản quy phạm pháp luật và các luật có liên quan. Nội dung cụ thể là về đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội được quy định tại Điều 09 của Luật Nhà ở, có 8 đối tượng được mua.
Về quy trình, thủ tục thì được quy định tại Điều 62 của Luật Nhà ở, trong đó quy trình như sau: Chủ dự án sau khi xây dựng xong công trình thì các đối tượng được quyền mua sẽ có đăng ký và sau đó lập danh sách và danh sách này chuyển về Sở Xây dựng để kiểm tra, nếu như đủ điều kiện thì sẽ tiến hành thương lượng, mua bán.
"Trường hợp này có quy định xử lý, chế tài tại Nghị định 139 về quy định xử phạt hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản. Trong trường hợp, nếu có sự không minh bạch trong quá trình bốc thăm thì mặc nhiên được tuyên hủy và coi như giao dịch mua bán không đủ thủ tục pháp lý và người mua có nghĩa vụ trả lại căn hộ cho chủ dự án.
Trong trường hợp chủ dự án không thực hiện trách nhiệm này thì chính quyền địa phương, cụ thể là UBND tỉnh, trong quy định tại Nghị định 139, có quyền cưỡng chế, thu hồi căn hộ này và trả lại cho chủ dự án", Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định.
Loạt dự án “khủng” nằm trong kế hoạch đền bù, giải tỏa của TP Đà Nẵng
Theo Reatimes, , mới đây, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ký Quyết định số 476/QĐ-UBND về kế hoạch đền bù giải tỏa. Cụ thể, 249 dự án sẽ được chia làm 3 nhóm: Nhóm I/2018, nhóm I/2021 và nhóm II/2021.
Nhóm I/2018 gồm 17 dự án, là nhóm các dự án, công trình đã cam kết hoàn thành đền bù giải tỏa năm 2018, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, thống nhất tiến độ gia hạn hoàn thành công tác đền bù giải tỏa đến 30/4/2021.
Nhóm I/2021 gồm 116 dự án là nhóm các dự án, công trình thuộc danh mục trọng điểm, động lực hoặc các dự án yêu cầu hoàn thành công tác đền bù giải tỏa trong năm 2021.
Nhóm II/2021 gồm 116 dự án là nhóm các dự án, công trình triển khai phân kỳ đền bù theo tiến độ thi công năm 2021 và năm 2022.
Đáng chú ý, trong tổng số 249 dự án được ký Quyết định ban hành kế hoạch giải tỏa này có nhiều dự án lớn như: Quần thể du lịch Làng Vân (Công ty CP Vinpearl), Khu Đô thị sinh thái Hòa Xuân (Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời), Dự án khu đô thị sinh thái Nam Ô (Công ty CP Trung Thủy), Khu đô thị sinh thái Quan Nam - Thủy Tú (Công ty CP Đầu tư Trung Nam), Dự án Làng Đại học Đà Nẵng, Dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại sân vận động Chi Lăng…
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, UBND TP Đà Nẵng ban hành thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Quang Nam tại buổi họp liên quan đến việc triển khai các dự án: Công viên cuối đường Nguyễn Tất Thành, tuyến kè chống sạt lở khu vực dự án Khu du lịch Sinh thái Nam Ô, ghềnh Nam Ô; các dự án trên do Công ty CP Trung Thủy Đà Nẵng làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng.
Theo đó, UBND TP giao cho các sở, ngành và các đơn vị liên quan thẩm định hồ sơ, lập kế hoạch triển khai các thủ tục phê duyệt quy hoạch 1/500, quyết định chủ trương đầu tư dự án, hồ sơ thẩm định dự án đầu tư theo tiến độ bàn giao hồ sơ cho nhà đầu tư, báo cáo UBND thành phố xem xét theo dõi… Đồng thời, đề nghị Công ty CP Trung Thủy cam kết bằng văn bản về tiến độ triển khai, hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án nêu trên, làm cơ sở để theo dõi, đôn đốc thực hiện.
Đại diện Công ty CP Trung Thủy Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay công ty đã hoàn thành hồ sơ pháp lý nhưng vẫn chưa thể triển khai xây dựng do vướng mắc 2 hồ sơ, và 6 ngôi mộ. Công ty cũng đã làm việc với các đơn vị liên quan để sớm giải quyết giải tỏa đền bù. Chúng tôi sẽ triển khai xây dựng khi hoàn thành việc giải phóng mặt bằng dự kiến khởi công vào cuối tháng 3/2021”.
Trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu, cho hay: “Hiện chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô đang hoàn thành hồ sơ thủ tục để triển khai xây dựng theo kế hoạch của UBND TP. Đối với công tác giải phóng mặt bằng của Khu du lịch sinh thái Nam Ô còn vướng mắc 2 hộ dân, cơ bản việc giải phóng mặt bằng không ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Sắp tới UBND TP sẽ họp tiếp dân để giải quyết công tác giải tỏa đền bù đối với 2 hộ dân còn lại”.
Một trong những dự án được nhiều người quan tâm đó là Quần thể du lịch Làng Vân do Công ty CP Vinpearl làm chủ đầu tư, được UBND TP. Đà Nẵng thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng vào tháng 7/2011. Đến giai đoạn cuối năm 2013, đầu năm 2014, Công ty CP Vinpearl đã nộp tiền sử dụng đất dự án khoảng 200 tỷ đồng. Năm 2015, UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt điều chỉnh Sơ đồ ranh giới quy hoạch sử dụng đất dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và tổng hợp Làng Vân với diện tích 1.145,64ha.
Dự án Quần thể du lịch Làng Vân chủ yếu quy hoạch triển khai ra phía biển và bao gồm khu vực Làng Vân dưới chân đèo Hải Vân với tổng vốn đầu tư hàng tỷ USD. Dự án bao gồm nhiều hạng mục chính như: Tổ hợp khách sạn và khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao quốc tế với quy mô 1.000 phòng; quần thể căn hộ và biệt thự cao cấp; tổ thương mại và dịch vụ, bao gồm hệ thống cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, quán bar, trung tâm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, cở sở y tế; trung tâm nghệ thuật biểu diễn và nhà hát kịch; trung tâm hội nghị quốc tế; sân golf, tổ hợp thể thao, khu câu cá, du thuyền jetsky và các hoạt động thể thao dưới nước…
Bên cạnh các dự án nêu trên, 4 dự án khu đô thị sinh thái phía Tây Bắc được thành phố phê duyệt hồ sơ lựa chọn nhà đầu tư gồm: Khu đô thị sinh thái phía Bắc tuyến đường Hoàng Văn Thái; khu biệt thự sinh thái phía Đông tuyến đường tránh nam hầm Hải Vân; khu biệt thự sinh thái phía Tây tuyến đường tránh nam hầm Hải Vân và khu biệt thự sinh thái hồ Trước Đông.
Tổng diện tích 4 khu đô thị sinh thái nêu trên là 344ha với tổng mức đầu tư đối với 4 dự án là 3.600 tỷ đồng. Theo kết quả sơ tuyển dự án khu biệt thự sinh thái phía Tây tuyến đường tránh nam hầm Hải Vân, Liên danh Công ty TNHH Olympia - Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời và Liên danh Công ty TNHH Xây dựng dân dụng Olympia - Công ty TNHH Mặt Trời Hạ Long là 2 nhà đầu tư đã trúng sơ tuyển.
Tại 3 dự án còn lại, có 3 nhà đầu tư trúng sơ tuyển ở cả 3 dự án gồm: Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland; Liên danh Công ty TNHH Olympia - Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời; Liên danh Công ty TNHH Xây dựng dân dụng Olympia - Công ty TNHH Mặt Trời Hạ Long.
Như Reatimes đã thông tin, thị trường bất động sản khu vực Tây Bắc Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ có bước tiến mang tính đột phá khi có nhiều dự án đang dần hoàn thiện và nhiều dự án đã và đang triển khai cùng với đó là các dự án động lực đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để khởi công, đầu tư như Dự án bến cảng Liên Chiểu, Khu đô thị sinh thái Nam Ô, Quần thể du lịch Làng Vân…
Khi cụm các khu đô thị sinh thái này hoàn thành sẽ tạo ra sự kết nối đồng bộ với các khu đô thị đã đầu tư như Khu đô thị Thủy Tú - Gami EcoCharm, Khu đô thị Golden Hills… tạo thành một chuỗi đô thị hiện đại, đáng sống ở cửa ngõ Tây Bắc TP Đà Nẵng.
Vì sao có quy chuẩn an toàn lan can nhưng thương tâm vẫn xảy ra?
Theo Reatimes, mới đây nhất, vụ việc em bé gái rơi từ tầng 12A chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội) đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Mặc dù đây là trường hợp hy hữu em bé được cứu sống nhờ một thanh niên đỡ được trước khi rơi xuống đất. Song, vấn đề thiết kế an toàn lan can chung cư tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh bảo, bởi trước đó, rất nhiều sự vụ thương tâm xảy ra với các em nhỏ rơi từ tầng cao xuống.
Trao đổi với báo chí, PGS. TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết: “Trong quy chuẩn về an toàn cho nhà và công trình, Bộ Xây dựng đã quy định rất rõ lan can tối thiểu cao 1,4m. Lan can không được làm các chắn song ngang để các cháu bé hoặc người lớn có thể chèo lên đó nhảy ra ngoài”.
Tuy nhiên theo lãnh đạo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng, dù những quy chuẩn và tiêu chuẩn đều đáp ứng đầy đủ nhưng, rất đáng tiếc khi các quy định khác như: Không được để các vật có chiều cao ở ngoài lan can như ghế, điều hòa, máy giặt... thì chưa được lưu tâm: “Nhiều trường hợp, người lớn sử dụng nhưng không dọn dẹp vật dụng để sát lan can, không chú ý tới trẻ nhỏ khiến các cháu trèo lên và vượt qua lan can. Đó là sự cố đáng tiếc”.
Còn theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, “Riêng về vấn đề an toàn cho con người và PCCC trong các công trình kiến trúc (đặc biệt là kiến trúc công trình nhà cao tầng) đã có nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn và thông tư, hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Thế nhưng, trong thực tế vẫn tiếp tục diễn ra tình trạng các em nhỏ trèo qua lan can và rơi xuống đất, điển hình như vụ việc trẻ em rơi từ tầng 12 chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng vừa qua".
Liên quan đến sự vệc trên, ông cũng đã chỉ ra 5 nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất an toàn trong thiết kế ban công:
Thứ nhất, trong phê duyệt quản lý phương án thiết kế, một số các nhà quản lý và những người phê duyệt phương án thiết kế chưa chú trọng đến vấn đề yêu cầu an toàn, an sinh xã hội. Cơ quan quản lý không giám sát chặt chẽ khi thiết kế lan can chung cư bởi vấn đề này không chỉ liên quan riêng tới an toàn về PCCC.
Ví dụ như, theo quy chuẩn, lan can nhà cao tầng ít nhất phải cao 1,2m. Thiết kế lan can không làm theo phương ngang mà theo phương dọc để trẻ em không chui qua, cũng như không trèo lên được. Khoảng cách giữa các thanh lan can phải đảm bảo dưới 20cm. Nhiều trường hợp, cơ quan quản lý chỉ nhìn qua thiết kế mà không chú trọng tới chi tiết.
Thứ hai, trong một số trường hợp, công tác giám sát thi công chủ chú trọng đến vấn đề như diện tích, vật liệu xây dựng nhưng vấn đề an toàn lan can trong ban công và hành lang lại bị bỏ ngỏ.
Thứ ba, theo quy định, vấn đề nghiệm thu công tác an toàn PCCC được thể hiện rất cụ thể: Sau khi xây dựng xong thì phải được Bộ Công an, Cục PCCC vào kiểm tra nghiệm thu, đồng ý thì công trình mới được đưa vào sử dụng. Nhưng riêng về vấn đề này, công tác nghiệm thu ít được quan tâm.
Thứ tư, bản thân người sử dụng chưa được phổ biến các yêu cầu, kỹ thuật, tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn như: vấn đề quản lý trẻ em trong các chung cư khi không có người lớn hay cửa khoá phải đảm bảo ra sao, không cho phép trẻ leo trèo tại khu vực ban công.
Thứ năm, công tác an toàn chưa thành một nội dung tuyên truyền cho người dân chung cư một cách bài bản.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh: “Qua hiện tượng này một lần nữa, báo động cần phải thực hiện đồng bộ các yêu cầu để giải quyết 5 nguyên nhân trên. Nếu không thực hiện đồng bộ sẽ tiếp tục xảy ra những vụ việc đáng tiếc”.
Vị chuyên gia còn nhấn mạnh: “Bên cạnh đó, cần chú trọng giáo dục, tuyên truyền cho người dân biết cách quản lý trẻ em khi ở nhà, nhất là trong giai đoạn không phải đến trường học. Nhiều trường hợp, cha mẹ mở cửa lô gia, để trẻ tự chơi, không chú trọng để các vật thể sát lan can khiến trẻ có cơ hội leo trèo qua. Cha mẹ cần nên chú trọng vấn đề an toàn hành lang các lô gia cho trẻ để giảm thiểu nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra”./.
Hải Phòng dự kiến xây dựng hơn 100 cây cầu, khởi công xây dựng đường vành đai 2 và 3
Mới đây, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về dự kiến đầu tư các công trình cầu trong giai đoạn 2021-2025.
Theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải, trong năm 2021, dự kiến hoàn thành 5 cầu là: cầu Rào, cầu Dinh, cầu Quang Thanh, cầu Tràng Kênh (trong Dự án đầu tư cải tạo đường thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên), cầu qua sông Đa Độ (đã hoàn thành 1/2021 trong Dự án đường 403 (ĐT.363) giai đoạn 2, huyện Kiến Thụy); dự kiến khởi công 19 cầu (bao gồm cả một số cầu đã được động thổ trong năm 2020).
Cũng trong năm 2021, Sở Giao thông vận tải Hải Phòng sẽ trình lãnh đạo thành phố thông qua kế hoạch xây dựng 57 cầu, bao gồm: 3 cầu kết nối vùng; 7 cầu qua sông kết nối các quận, huyện; 41 cầu trong các quận, huyện; 5 nút giao khác mức; 1 cầu trên vành đai 2 và vành đai 3.
Trong giai đoạn 2022 - 2025, dự kiến đề xuất, thông qua HĐND thành phố là 29 cầu, gồm: 2 cầu kết nối vùng (cầu qua sông Hóa nối xã Vinh Phong, Vĩnh Bảo - xã Thụy Ninh, Thái Thụy; cầu qua sông Hóa nối xã Hiệp Hòa, Vĩnh Bảo - Khu di tích Đền A Sào, xã An Thái, Quỳnh Phụ); 6 cầu qua sông kết nối các quận, huyện; 8 cầu trong các quận, huyện; 7 nút giao khác mức; 6 cầu trên vành đai 2 và vành đai 3. Dự kiến tổng vốn đầu tư các cây cầu nêu trên khoảng 38.000 tỷ đồng.
Được biết, UBND tỉnh Hải Phòng cũng xác định triển khai xây dựng vành đai 2 của thành phố là rất quan trọng, cho nên cũng cần tập trung cao cho việc triển khai đường vành đai 2, đoạn 1 từ Đình Vũ về quận Dương Kinh, từ quận Dương Kinh về quận Kiến An, kết nối quận Hồng Bàng; đoạn 2 từ Đình Vũ về Vũ Yên rồi Lập Lễ kết thúc sang đường 359. Dự kiến HĐND thành phố họp vào tháng 7/2021 sẽ thông qua 2 dự án này.
Dự kiến, đến cuối năm 2021 sẽ khởi công tuyến đường vành đai 2, khi đó không gian đô thị thành phố sẽ được mở rộng và tạo quy đất lớn, sau đó thành phố sẽ thông qua chủ trương đầu tư vành đai 3, từ Lập Lễ về Lưu Kiếm và hoàn thành trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, đúng theo định hướng, mục tiêu của Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/bo-xay-dung-len-tiengviec-dut-tienboc-thamde-mua-noxh-20201231000001140.html