Với mâm cỗ ngày Tết ở miền Bắc, không thể thiếu món canh măng móng giò, canh măng mọc thịt nấm thơm ngon. Tuy vậy, măng lại là loại thực phẩm bị liệt vào hàng “ngậm” hóa chất nhiều nhất. Vì thế, để có một bát canh măng ngon bày mâm cỗ ngày Tết, chị em nội trợ hãy nằm lòng một số bí quyết sau.
Màu sắc
Măng khi còn tươi sẽ có màu vàng nhạt rất đẹp nhưng khi qua nắng hoặc sấy thì măng sẽ không còn màu vàng nữa mà chuyển thành màu nâu nhạt tương tự màu hổ phách. Vì vậy, nếu như măng khô có màu vàng ruộm rất đẹp thì là măng đã được tẩm hóa chất.
Với măng tươi, sẽ là măng an toàn khi có màu vàng nhạt trong khi măng ngâm hóa chất có màu vàng sậm như màu nghệ và có bề mặt bóng rất đẹp.
Đường vân của măng
Khi chọn măng, hãy chọn loại măng hình lưỡi lợn. Loại măng này không quá to, không quá nát mà thịt vẫn mềm và thơm ngon.
Măng khô ngon là loại măng có bề ngang rộng, bề dài ngắn và nhiều phần ngọn, đốt ngắn không có nhiều xơ, đường vân măng càng nhỏ thì măng càng ngon.
Ngửi mùi
Với măng tươi dù chưa nấu vẫn sẽ có mùi thơm đặc trưng của măng. Với măng khô, khi ngửi chị em sẽ thấy mùi ngai ngái tự nhiên. Nếu măng được ngâm hóa chất thì sẽ có mùi khét của hóa chất ngâm lưu huỳnh.
Cách hạn chế độc tố trong măng
Măng không tẩm hóa chất cũng đã có độc tố trong chính nó. Vì vậy, để hạn chế bớt độc tố trong măng tự nhiên cũng như măng "ngậm" hóa chất, chị em hãy làm theo cách sau:
Cho măng vào nước gạo để ngâm khoảng 15 phút và đun sôi lửa vừa. Để nguội và xả lại bằng nước sạch vài lần. Hoặc có thể dùng nước vôi trong để ngâm rồi luộc lại, rửa sạch vài lần đến khi nước trong.
Một bí quyết nữa để giảm chất độc có trong măng là khi nấu nên mở vung để các chất độc bay hơi.