Xem thêm:
Có rất nhiều yếu tố góp phần gây nên tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ như di truyền, lối sống, rối loạn nội tiết, hội chứng về gene hay một số thuốc làm tăng cân quá mức. Trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là do lối sống và thói quen ăn uống.
Đó là thói quen cho trẻ sử dụng thức ăn nhanh, thức ăn béo, khẩu phần ăn lớn, trẻ nhỏ sử dụng sữa công thức thay cho sữa mẹ...
Đồng thời là sự ít vận động, ít tập luyện thể dục, thể thao; xem ti vi, chơi game quá nhiều (hơn 4 giờ/ ngày) của trẻ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ.
Quan niệm sai lầm của cha mẹ về hình thể của đứa trẻ bình thường, cho rằng trẻ bụ bẫm mới đẹp, hay bé mập để “dành” khi đau ốm sút cân là vừa... nên cố ép trẻ ăn khẩu phần lớn hơn nhu cầu.
Khi trẻ đã bị thừa cân béo phì, cần một chế độ ăn phù hợp, các mẹ cần chú ý các nguyên tắc quan trọng của chế độ dinh dưỡng dành cho các trẻ này.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ béo phì
Trẻ béo phì cần được cha mẹ xây dựng dinh dưỡng hợp lý để có thể tối ưu phát triển chiều cao và hạn chế tình trạng dư thừa cân. Chế độ dinh dưỡng nên tập trung nhiều rau xanh, trái cây, sữa, các loại chế phẩm từ sữa.
Về cơ bản, trẻ béo phì vẫn cần cung cấp dinh dưỡng để phát triển tinh thần và thể chất. Muốn giảm cân cho con các mẹ cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng từ từ và hợp lý cho bé.
Điều quan trọng là trong mỗi bữa ăn hằng ngày của bé phải đáp được nhu cầu dinh dưỡng hợp lý và cần thiết cho bé. Mẹ cần tìm hiểu nguồn dinh dưỡng nào là tốt, là vừa đủ trong mỗi khẩu phần ăn của bé.
Tham khảo những lưu ý sau đây trước khi bắt tay vào lên thực đơn cho bé nhà mình nhé!
Hạn chế những loại thức ăn giàu năng lượng như bánh, kẹo, chè, nước ngọt. Không nên cho đường vào các loại thức uống của bé. Nên cho bé ăn nhiều trái cây, đặc biệt là các loại trái cây ít đường như thanh long, bưởi, cam, ổi… Tránh các loại trái cây nhiều đường như vải, chuối, nhãn…
Nên dạy bé ăn chậm, nhai kỹ. Trước bữa ăn nên cho bé ăn trước một chén canh hay một dĩa rau xanh để giúp bé giảm bớt cơn đói.
Giảm bớt dầu mỡ khi chế biến thức ăn cho bé. Thay vì nấu các món chiên, xào, quay các mẹ có thể nấu các món luộc, kho hay nấu canh.
Hạn chế các món ăn béo nhưng vẫn chú ý đảm bảo chất đạm cho bé bằng cách chọn những loại thịt nạc như gà, cá, tôm.
Cho bé ăn đủ bữa, không nên cho bé ăn quá no hay quá đói. Nên cho bé ăn sáng đầy đủ. Không nên cho trẻ ăn sau 8h tối. Tuân thủ nguyên tắc: sáng ăn no, trưa ăn vừa và tối ăn ít.
Nên cho bé uống sữa vì sữa chứa nhiều canxi, tốt cho sự phát triển xương của bé. Khi cho bé uống sữa nên chọn các loại sữa có hàm lượng chất béo thấp. Các loại đậu và thực phẩm chế biến từ đậu cũng là một nguồn cung cấp canxi và chất đạm rất tốt cho bé.
Nên cho bé uống nhiều nước mỗi ngày vì nước đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Nước là thành phần không thể thiếu trong quá trình trao đổi chất, tuần hoàn máu… Đồng thời, nước cũng giúp cơ thể chuyển hóa chất béo thành năng lượng.
Nên cho bé ngủ đủ giấc. Không nên cho bé thức khuya.
Dưới đây là thực đơn tham khảo dành bé:
Bữa sáng | Bữa trưa | Bữa tối | |
Thứ 2 | 100g bánh ướt, 50g chả lụa, giá trụng, 100g bưởi | Nửa chén cơm, 70g tôm tươi nấu bí xanh, 1 trái cam | 100g bún, 50g thịt nạc luộc, rau luộc, 100g bưởi |
Thứ 3 | Bún riêu cua (100g bún, nước trong), 1trái táo 100g | Nửa chén cơm, 70g cá thu nấu ngót, nửa trái thơm | Nửa chén cơm, 50g thịt nạc nấu canh củ cải trắng và cà rốt, 100g táo |
Thứ 4 | 100g bánh mì, 30g thịt heo chà bông, 100g thanh long | Nửa chén cơm, 50g ức gà, bắp cải luộc, 2 trái quýt | Nửa chén cơm,50g cá thát lát, canh mướp đắng, 100g thanh long |
Thứ 5 | 1 cái bánh giò, 2 trái quýt | Nửa chén cơm, 70g cá lóc nấu canh chua, 3 trái mận | 100g bún tàu, 50g thịt heo nấu bông cải, 2 trái quýt |
Thứ 6 | 1 gói cháo ăn liền, 30g thịt heo chà bông, 200ml sữa ít béo | Nửa chén cơm, 100g nấm rơm rim nước tương,cải ngọt luộc, 200g thơm | 100g bún tươi, 100g tôm hấp cuộn rau sống bánh tráng, 100g ổi |
Thứ 7 | Phở gà (100g phở, 30g thịt gà), 200ml sữa chua | Nửa chén cơm, 70g cá sốt cà chua, 2 trái quýt | Nửa chén cơm, 50g thịt nạc nấu canh bông hẹ, 3 trái mận |
Chủ nhật | Bánh canh thịt (100g bánh canh, 30g thịt nạc), 1 trái cam | Nửa chén cơm, 50g thịt bò trộn xà lách xoong, 200g dưa hấu | 100g bún, 30g tôm khô nấu canh cà chua, 100g táo |
Các mẹ có thể cho bé ăn thêm sữa chua hoặc uống sữa ít béo vào bữa xế để tăng cường thêm canxi cho bé.
Ngoài thực đơn trên cha, mẹ nên cho bé vận động nhiều hơn. Việc vận động giúp bé tiêu hao năng lượng, giảm bớt lượng mỡ thừa cho bé.
Hạn chế cho bé coi tv, máy tính quá nhiều dẫn đến tình trạng thụ động ở bé. Dưới đây là một số hoạt động cha mẹ có thể giúp bé giảm cân
1. Cho trẻ tập xe đạp nhiều
Với các môn thể thao khác như chạy, bơi trẻ sẽ mất sức nhiều, mau mệt và mau chán. Vì vậy, lựa chọn môn thể thao đạp xe là thích hợp nhất với trẻ béo phì vì đạp xe sẽ khiến trẻ ít cảm thấy mệt, thú vị và cũng hao năng lượng nhiều.
Mẹ có thể cùng đạp xe với trẻ quanh khu phố vào buổi sáng hoặc chiều, như vậy sẽ tăng hứng thú luyện tập cho trẻ. Đạp xe 90 phút mỗi ngày là cách trẻ béo phì giải phóng mỡ thừa, tiêu hao năng lượng và quan trọng hơn nó giúp phát triển hệ xương.
2. Cho trẻ ngủ sớm
Ngủ sớm sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao tối ưu hơn so với những trẻ ngủ muộn. Đặc biệt ngủ trước 10 giờ tối sẽ kích thích hệ xương trẻ phát triển tối ưu.
Ngoài ra, ngủ sớm cũng giúp trẻ hạn chế ăn vặt - nguyên nhân gây béo phì ở trẻ và làm trẻ khó giảm cân.
3. Cho trẻ thử sức với nhiều môn thể thao
Ngoài đạp xe mẹ cũng có thể cho trẻ thử sức thêm nhiều môn thể thao để có thể thay đổi và đỡ nhàm chán. Các môn thể thao đó có thể là đu xà, bóng rổ, bóng chuyền. Với những môn thể thao này, mẹ có thể cho trẻ tới các cung thiếu nhi để trẻ có thể vui chơi cùng bạn bè và luyện tập hăng say hơn.
Món quà mà bố mẹ trao tặng cho trẻ là sự phát triển toàn diện để trẻ có được tương lai tươi sáng, hãy chia sẻ thông tin này đến với mọi người nếu bạn thấy hữu ích...