Học phí "trên trời"

“Sinh sau đẻ muộn” và gây ấn tượng bởi điểm nhấn là những khối màu hồng đậm khắp sân trường, học phí của TH School hiện đang đứng ở mức cao nhất trong hệ thống giáo dục Việt Nam, thậm chí còn cao hơn nhiều so với các trường quốc tế có tên tuổi như trường Lycee Francais của Pháp, trường quốc tế Việt Anh (BVIS) hay trường quốc tế Singapore (SIS) mặc dù đều sử dụng chung một giáo trình ICGSE ở bậc phổ thông.

Còn nếu so sánh với các trường song ngữ có giảng dạy một phần chương trình trong nước thì mức học phí của TH School thậm chí còn gấp cả chục lần.

Cụ thể, tổng mức chi phí cố định cho mỗi học sinh ở TH School lên tới hơn nửa tỷ đồng mỗi năm đối với học sinh lớp 11-12. Tổng chi phí học tập này chưa bao gồm các khoản phát sinh ngoài như đưa đón xe bus và được tính giảm dần theo lớp và cấp học, xuống mức gần 490 triệu đồng/năm đối với học sinh lớp 9-10 và còn hơn 230 triệu đồng/năm đối với lớp nhà trẻ.

Trong khi đó, học phí ở trường Lycee Francais của Pháp cao nhất cũng chỉ khoảng 178 triệu đồng/năm đối với học sinh trung học phổ thông không mang quốc tịch Pháp hoặc Việt Nam. Đối với học sinh mang quốc tịch Pháp hoặc Việt Nam, mức phí này sẽ được giảm đi đáng kể.

Nếu tính thêm các chi phí phụ trội như phí ghi danh (cao nhất 24 triệu đối với học sinh không mang quốc tịch Pháp hoặc Việt Nam), dịch vụ ăn trưa (65.000 - 85.000 đồng/bữa), ngoại khóa (từ 3,7 - 18 triệu đồng/năm, tùy số lượng môn ngoại khóa mà học sinh lựa chọn) và một số hoạt động khác thì tổng chi phí ở mức cao nhất của một học sinh tại trường này cũng chưa đến 250 triệu đồng/năm, chưa bằng một nửa so với chi phí cố định của TH School.

Mức học phí cao nhất của trường BVIS - một ngôi trường vốn nằm trong danh mục "trường con nhà giàu" cũng chỉ lên tới gần 400 triệu đồng (đối với học sinh lớp 12-13) còn học phí của SIS thậm chí còn thấp hơn thế. 

Khai giảng từ năm học 2016-2017, TH School mới chỉ có bề dày truyền thống... 1 năm tuổi

Khai giảng từ năm học 2016-2017, TH School mới chỉ có bề dày truyền thống... 1 năm tuổi

Cũng cần nói thêm rằng, việc đánh giá chất lượng một ngôi trường không chỉ phụ thuộc vào mức học phí và giáo trình mà còn phải được cân nhắc ở nhiều yếu tố như chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, bề dày thành tích, kinh nghiệm giảng dạy,... 

Tuy nhiên, đối với TH School, khi bề dày truyền thống chưa đầy.... 1 năm tuổi thì ngôi trường này khó lòng có thể thuyết phục được các bậc phụ huynh về kinh nghiệm đào tạo và quản lý học sinh. 

Chị Tú, một người mẹ có cô con gái út chuẩn bị vào lớp 1 ở Hà Nội đã gọi đây là mức học phí "trên trời" khi đọc bảng giá của TH School. "Đấy là còn chưa kể việc TH School mới chỉ khai giảng có 1 khóa đầu tiên, còn chưa có uy tín gì và cũng chưa có thành tích gì cụ thể", chị Tú cho biết thêm. 

Chương trình dạy và học của TH School có gì đặc biệt?

Ấn tượng với mức học phí cao ngất ngưởng nên rất nhiều bậc phụ huynh, dù không đủ khả năng tài chính cho con theo học ở đây cũng cảm thấy tò mò về chất lượng của TH School và đặt câu hỏi điều gì khiến việc theo học ở TH School trở nên đắt đỏ đến như vậy.

Theo công bố của TH School, các chương trình học mà trường này áp dụng đều theo chuẩn quốc tế từ bậc mầm non đến hết lớp 12. Ngoại trừ lớp nhỏ nhất dành cho các bé 2 tuổi thì từ tuổi thứ 3, các học sinh đã được học bằng tiếng Anh.

Chương trình mà TH School áp dụng cho bậc mầm non và tiểu học là giáo trình International Primary Curriculum (IPC) còn hệ Trung học cơ sở được giảng dạy theo Chương trình giảng dạy Quốc tế (International Middle Years Curriculum – ICGSE) – chương trình tương tự mà các trường quốc tế khác như BVIS hay SIS đang áp dụng từ lâu.

TH School cũng cam kết học sinh bậc tiểu học ở trường này sẽ được hưởng lợi từ chương trình giáo dục quốc gia nổi tiếng trên thế giới đến từ Anh quốc và xứ Wales nhưng không nói rõ là chương trình gì và hưởng lợi thế nào.

Khi được hỏi về các thông tin chi tiết của giáo trình, sự khác biệt của TH School so với các trường khác, bao gồm cả cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và các vấn đề khác thì đại diện truyền thông của TH School đã từ chối trả lời với lý do “Hiệu trưởng đi công tác” mà “mọi thông tin đưa ra ngoài đều phải qua các cấp thẩm định”.

Ngay cả khi đề nghị các cấp thấp hơn như hiệu phó hoặc người có thẩm quyền phát ngôn trả lời thay vị hiệu trưởng thì phóng viên cũng chỉ nhận được lời đề nghị thông cảm. 

Thậm chí, các câu hỏi đơn giản nhất về số lượng học sinh của năm học vừa qua và dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh của năm học sắp tới tại TH School cũng không được công bố và phải chờ “các cấp thẩm định” trước khi công bố. 

Bảng học phí năm học 2017 – 2018 của TH School

 

Quỳnh Trang/ Theo Reatimes