Kịch nói và văn học nước ngoài vắng bóng

Cô Dương Thu Hà, giáo viên dạy Văn, trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, môn Văn lớp 9 theo chương trình tinh giản của Bộ GD&ĐT đã giảm dung lượng đáng kể, tập trung vào tiết giảm kỹ năng luyện tập kịch nói và văn học nước ngoài. Cô Hà nhận định, việc điều chỉnh này khá phù hợp về dung lượng do học kỳ I, học sinh đã phải học khối kiến thức khá nặng môn học này.

Khi giảm tải nội dung nâng cao cũng có nghĩa phần này không có trong đề thi. Ảnh: Bảo Trọng

Chia sẻ cụ thể hơn, cô Nguyễn Thị Thưởng - giáo viên dạy môn Ngữ văn, trường THCS Mỗ Lao, quận Hà Đông, TP Hà Nội phân tích, nội dung sau giảm tải đã đáp ứng đủ yêu cầu chương trình dạy học, bám trọng tâm, giảm phần hoặc đã học tập được năm trước, hoặc một số phần văn học nước ngoài trích dẫn lẻ tẻ, hay văn bản không được ứng dụng nhiều trong cuộc.

Ngoài ra, cô Nguyễn Thị Thưởng nhận thấy các phần luyện tập, hoặc luyện tập viết hợp đồng, học sinh THCS chưa thật sự cần đến, chưa có tính ứng dụng... đã được giản lược.

Dẫn chứng cụ thể, cô Thưởng chỉ ra ở văn bản “Chó sói và Cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông Ten”. Tại bài học này, chương trình đưa ra phép so sánh khá phức tạp giữa 2 cách viết của nhà văn và nhà khoa học.

Trong khi đó, ở lứa tuổi THCS, học sinh khi học môn Văn chỉ cần giáo viên định hướng nhận biết văn bản nghệ thuật và có thể tự học, do vậy, bài “Chó sói và Cừu” được cắt giảm là phù hợp.

Hoặc, với bài hướng dẫn đọc thêm “Con cò”, hay bài “Bến quê”, dù giới giáo viên nhận định đây là những tác phẩm văn học hay, rất đáng nghiên cứu. Tuy nhiên, trong bài tác giả có ngụ ý, triết lý sâu sắc, do đó, chưa thật sự cần thiết với các học sinh đang độ tuổi 14, 15.

Tiếp tục phân tích những nội dung được giảm tải, cô Thưởng đưa ra các văn bản văn học nước ngoài, như “Con chó Bấc”, “Giô Bin Xơn ngoài đảo hoang”. Theo phân tích, đây là những tác phẩm nêu bật lòng nhân ái và ý chí trong cuộc sống. Tuy vậy, cô Nguyễn Thị Thưởng cho rằng: “Thật ra, trong cả chuỗi bài ở quá trình học THCS, những nội dung này học sinh đã được giảng dạy, đã được truyền thụ, định hướng ở các tác phẩm khác, do vậy, Bộ GD&ĐT tinh giản là phù hợp”.

Trong phần giảm tải ở nội dung giảng dạy kịch nói, cô Dương Thu Hà nêu quan điểm, trên thực tế, bộ môn kịch chưa thật sự hấp dẫn học sinh do tính thiếu phong phú. Trong khi, với chương trình chưa giảm tải (2 tiết), nếu tổ chức cho học sinh học mà không đủ điều kiện để diễn thành tiểu phẩm, có học sẽ bị phí lý thuyết, sẽ bị lãng quên.

Môn Toán giữ nguyên, Tiếng Anh thí điểm chưa tinh giản

Đánh giá về nội dung tinh giản ở môn Toán, bà Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho hay, cơ bản nội dung không điều chỉnh nhiều, chỉ lược một số bài nâng cao liên quan hình học không gian.

Cụ thể hơn, cô Nguyễn Thị Ngọc Hà, giáo viên dạy Toán trường THCS Lê Lợi, quận Hà Đông, TP Hà Nội phân tích, môn Toán đã giản lược ở phần hình học không gian, phần hình học thẳng, cung chứa góc, góc tạo bởi tia tuyến tuyến và dây cung. Ngoài ra, nội dung về công thức nghiệm đã được thu gọn, điều này là hợp lý bởi học sinh chỉ cần nhớ một công thức, không cần nhớ nhiều dễ bị rối.

Nói kỹ hơn về nội dung phần hình, cung chứa góc (được khuyến khích tự học), cô Nguyễn Thị Ngọc Hà nhận định, đây là dạng bài nâng cao, toán quĩ tích trước đây, do đó, với tình hình dịch bệnh hiện tại, học sinh có thể chưa cần tập trung các nội dung này.

Với môn Tiếng Anh, nhiều giáo viên đều chung nhận xét, đã giảm đi phần kỹ năng học sinh không thi vào lớp 10. Theo phân tích của cô Đỗ Thị Yên Ninh, giáo viên dạy Tiếng Anh trường THCS Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, TP Hà Nội: “Năm nay học sinh lớp 9 không phải học nặng kỹ năng nghe, mà khi thi vào lớp 10 lại thi trắc nghiệm, không có phần kỹ năng này, do vậy, chắc chắn các em đã được giảm tải đi khá nhiều”.

Cũng liên quan đến nội dung giảm tải môn Tiếng Anh, cô Đàm Thị Thúy - giáo viên trường THCS Chương Dương, quận Hà Đông cho biết, với hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các nội dung giảm tải thuộc chương trình học đại trà (cũ), trong khi Hà Nội và nhiều địa phương đã áp dụng chương trình dạy môn Tiếng Anh thí điểm.

“Đây là một thiệt thòi cho học sinh đã được học chương trình thí điểm” - cô Thuý nêu quan điểm. Và với tình huống này, cô Đàm Thị Thúy cho rằng, để chủ động, giáo viên các trường sẽ căn cứ vào nội dung giảm tải của Bộ GD&ĐT để điều chỉnh nội dung giảng dạy của mình dù 2 chương trình khác nhau.

Theo Kinh tế & Đô thị