Vì sao quy hoạch đô thị cần chú trọng đến vấn đề chuyển đổi năng lượng?
Theo ước tính của Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE), nhu cầu năng lượng trong khu vực dự kiến sẽ tăng gấp 2,3 lần so với các dự báo dài hạn đến năm 2040. Cơ cấu năng lượng trong khu vực tiếp tục phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch khi than đá trở thành nguồn nhiên liệu chính đáp ứng nhu cầu của ngành điện vào năm 2020, và dầu tiếp tục là nguồn nhiên liệu chính cho ngành giao thông vận tải, chiếm khoảng 45% tổng tiêu thụ năng lượng.
Là một trong những nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực Đông Nam Á, Việt Nam rất chú trọng đến việc chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn bền vững và bảo vệ môi trường tự nhiên.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) tổ chức tại thành phố Glasgow, Vương quốc Anh hồi cuối năm ngoái, Việt Nam gây ấn tượng mạnh mẽ với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, không xây mới điện than từ năm 2030 và loại bỏ dần điện than từ năm 2040. Đây là một trong những định hướng quan trọng của Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp và tăng trưởng xanh trong thập kỷ tới.
Nếu COP26 thành công trong việc đưa ra các cam kết với 90% nền kinh tế cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 trong 30 - 50 năm tới, thì năm nay Hội nghị COP27 được coi là “Hội nghị của hành động” nhằm thực thi những cam kết của COP26 bằng những giải pháp cụ thể, minh bạch. Hội nghị được tổ chức tại thành phố Sharm el-Sheikh, Cộng hòa Arab Ai Cập, khai mạc ngày 6/11/2022 và dự kiến diễn ra trong 2 tuần. Tại phiên khai mạc, ông Sameh Shoukry, Chủ tịch COP27 kêu gọi các quốc gia cùng nhau giải quyết các vấn đề mới về năng lượng, lương thực và nhanh chóng thực hiện chuyển đổi năng lượng.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đang đe dọa trực tiếp đến an ninh năng lượng toàn cầu cũng như những biến động kinh tế xuất phát từ sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch như dầu thô, khí đốt, than đá, vấn đề chuyển đổi năng lượng sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được đề cập và thảo luận sôi nổi tại COP27. Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia thể hiện sự quan tâm và chú trọng đến vấn đề này.
Ngày 6/11/2022, Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu đã có cuộc làm việc với ông Alok Sharma, Chủ tịch COP26 - đại diện cho Vương quốc Anh, Liên Minh châu Âu (EU) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) - về việc hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Trong phiên làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã khẳng định chuyển đổi năng lượng là yếu tố then chốt để Việt Nam thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.
Trao đổi với phóng viên VOV, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ rõ, “Việt Nam coi vấn đề chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo là chủ trương nhất quán và là mô hình kinh tế mà Việt Nam lựa chọn”.
Với Việt Nam, chuyển đổi năng lượng không chỉ là một cam kết quốc tế, mà là mục tiêu trước mắt và dài hạn, là nhiệm vụ quan trọng trong định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Điều này được thể hiện rõ trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7/2022. Theo đó, Kế hoạch bao gồm 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động chung và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Chủ đề thứ 8 của Kế hoạch chính là về năng lượng, với các mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo.
Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh được cụ thể hóa từ Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ngay trước thềm Hội nghị COP26. Chiến lược nhấn mạnh định hướng là nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng trong nước và chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia.
Tại Hội thảo “Tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng khẳng định đây là định hướng toàn diện, tổng thể đối với việc chuyển đổi ngành năng lượng để góp phần vào mục tiêu giảm phát thải của quốc gia.
Thời gian gần đây, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) theo hướng khai thác tối đa và hợp lý nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện như nguồn khí tự nhiên, năng lượng tái tạo; giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than, không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030. Dự thảo đã được trình Chính phủ và đang trong quá trình xem xét, phê duyệt.
Có thể thấy, chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đang được Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh và quyết tâm hiện thực hóa trong vòng ba thập kỷ tới. Vậy, tại sao quy hoạch đô thị cần phải chú trọng đến vấn đề chuyển đổi năng lượng trong thời kỳ mới?
Thứ nhất, đô thị hóa là quá trình tất yếu của tăng trưởng kinh tế - xã hội. Đô thị là động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu dân số của mỗi địa phương, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội, là nền tảng huy động vốn kinh doanh và vốn con người. Đô thị hóa là xu thế toàn cầu, theo Liên Hợp Quốc, kể từ năm 2007, một nửa dân số thế giới đã sinh sống tại các đô thị và tỷ lệ này được dự đoán sẽ tăng lên đến 60% trong năm 2030 và 70% trong năm 2050.
Thứ hai, theo báo cáo Triển vọng Đô thị hóa thế giới năm 2018 của Vụ Kinh tế và Các vấn đề xã hội của Liên Hợp Quốc, 95% đô thị mở rộng sẽ thuộc khu vực các quốc gia đang phát triển. 90% tăng trưởng đô thị sẽ diễn ra ở châu Á và châu Phi trong 30 năm tới. Riêng tại Đông Nam Á, ước tính sẽ có khoảng 30 triệu người chuyển đến sống tại các thành phố trong khu vực đến năm 2030. Đương nhiên, là một quốc gia châu Á đang phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Theo định hướng phát triển đô thị, đến năm 2025 cả nước ta sẽ có khoảng 1.000 đô thị, mức độ đô thị hóa chiếm khoảng 45%.
Thứ ba, đô thị chỉ chiếm 3% diện tích trên toàn thế giới, nhưng tiêu tốn 60 - 80% năng lượng và chịu trách nhiệm cho 75% lượng khí carbon phát thải toàn cầu. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, ồ ạt và thiếu định hướng rõ ràng càng khiến cho các vấn đề như thiếu nước sạch, thiếu lương thực, hủy hoại môi trường và đặc biệt là cạn kiệt năng lượng trở nên trầm trọng. Khi dân số đô thị tăng lên nhanh chóng, đô thị hóa diễn ra một cách mất kiểm soát, nguồn cung năng lượng càng trở nên hạn chế và khó tiếp cận tới mọi đối tượng, gây ra sự bất bình đẳng trong xã hội đô thị - vốn dĩ đã tồn tại vì khoảng cách giàu nghèo và sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra.
chuyển đổi năng lượng, quy hoạch đô thị, đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị
Có thể nói, nếu đô thị ngày càng mở rộng, kéo theo việc ngày càng tiêu tốn nhiều năng lượng hóa thạch và tăng lượng khí carbon phát thải thì đô thị hóa sẽ đem lại nhiều tác hại hơn là lợi ích cho nền kinh tế. Do đó, chuyển đổi năng lượng trong quy hoạch đô thị đối với Việt Nam không chỉ là một sự lựa chọn. Đó là bước tiến cần thiết và cần được thực hiện kịp thời, bài bản và khoa học để nâng cao chất lượng đô thị, duy trì sự ổn định kinh tế - xã hội và để đô thị thực hiện tốt các chức năng vốn có của nó.
Kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi năng lượng trong quy hoạch đô thị
Trên thế giới, nhiều thành phố đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch, tăng cường sử dụng nhiên liệu sạch và giảm phát thải carbon tại môi trường đô thị.
Đài Loan (Trung Quốc) - một trong những khu vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu nhất trên thế giới, đã áp dụng nhiều biện pháp can thiệp và những ý tưởng sáng tạo để giảm tác động tiêu cực từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của con người đến môi trường tự nhiên. Thành phố Tân Bắc (New Taipei), với dân số đông nhất và số lượng doanh nghiệp, nhà máy cao nhất ở Đài Loan, là một trong những đô thị đầu tiên ở Đông Á công bố Đánh giá địa phương tự nguyện (VLR) và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trước những thách thức do biến đổi khí hậu và tàn dư quy hoạch đô thị kiểu cũ, TP. Tân Bắc đã tích cực đầu tư vào một loạt chương trình thí điểm nhằm tạo điều kiện chuyển đổi thành thành phố “net zero” (không phát thải). Một trong số các chương trình thí điểm đang cho thấy hiệu quả đáng kể là Bali Net Zero Zone 2030 (Tạm dịch: Bali không phát thải 2030).
Quận Bali, Tân Bắc nổi tiếng với phong cảnh tuyệt đẹp và sự phát triển vượt bậc của công nghiệp và thương mại. Do đó, nhu cầu năng lượng ở quận Bali cũng tăng mạnh, kéo theo lượng khí carbon phát thải cũng gia tăng. Hiện ở Bali, 42% lượng khí thải nhà kính đến từ các ngành công nghiệp, còn lại chủ yếu đến từ khu dân cư, thương mại và giao thông vận tải.
Năm 2021, quận Bali được chỉ định là khu vực triển khai và thử nghiệm các chiến lược, công nghệ và giải pháp sáng tạo nhằm giảm phát thải carbon để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng trong tất cả các lĩnh vực. Giai đoạn đầu của Bali Net Zero Zone 2030 đặt mục tiêu bỏ nhiên liệu than đá và tăng tốc độ chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Tân Bắc đã cam kết không sử dụng than từ năm 2023 và ngừng cấp giấy phép sử dụng than mới từ năm 2016. Tại Bali, thành phố tiếp tục giới thiệu hệ thống quản lý năng lượng thông minh và nhiên liệu khử carbon bằng cách sử dụng nhiên liệu sinh học và hydro trong lĩnh vực công nghiệp. Các công ty xây dựng, sản xuất và dịch vụ cảng ở Bali đã cùng nỗ lực và cam kết sử dụng khí thiên nhiên thay thế than và dầu mỏ.
Bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng của những thiết bị công nghiệp như máy nén khí, bơm nhiệt, quạt thông gió và hệ thống đốt trong các nhà máy tại Bali, chính quyền thành phố đã xác định vấn đề và tư vấn cho doanh nghiệp để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của các nhà sản xuất địa phương.
Để hoàn thành lộ trình chuyển đổi năng lượng, thành phố đã tăng cường xây dựng các cơ sở phát điện tái tạo sử dụng năng lượng mặt trời, hydro và khí sinh học. Đến năm 2030, công suất năng lượng mặt trời được lắp đặt ở Bali sẽ đạt 30WMh và các công nghệ sản xuất hydro sẽ được sử dụng rộng rãi trong các quy trình công nghiệp để đẩy nhanh quá trình khử carbon.
Bên cạnh đó, việc quản lý đầu vào, đầu ra năng lượng một cách thông minh cũng được chính quyền thành phố thí điểm tại Bali. Thành phố đã sử dụng trí tuệ nhân tạo vạn vật (AIoT), dữ liệu lớn (big data) và công nghệ đám mây nhằm quản lý năng lượng thông minh trong các hệ thống tòa nhà và giao thông, trực quan hóa thông tin, cải thiện hiệu quả năng lượng và cho phép người dùng cuối (end-user) kiểm soát mức tiêu thụ năng lượng của họ.
Đối với các tòa nhà công cộng, việc công khai bắt buộc và đầy đủ mức tiêu thụ năng lượng giúp thành phố điều chỉnh các biện pháp tiết kiệm năng lượng và trang bị thêm thiết bị nếu cần thiết.
Đối với các tòa nhà thuộc sở hữu tư nhân, thành phố hợp tác với các công ty bất động sản chủ chốt để thu thập dữ liệu tiêu thụ năng lượng từ hạ tầng công cộng trên các nền tảng giao dịch nhà ở, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường bất động sản đến với các mục tiêu giảm phát thải. Tại Bali, các hệ thống quản lý năng lượng tòa nhà thông minh được lắp đặt tại 45 hạ tầng công cộng, giúp tiết kiệm 1,5% điện năng tiêu thụ.
Thành phố cũng đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông công cộng và điện khí hóa, bao gồm việc mở rộng các tuyến đường sắt nhẹ (hình thức vận tải đường sắt đô thị được đặc trưng bởi tàu điện) và trạm sạc cho các phương tiện chạy bằng điện. Tại quận Bali, “khu vực quản lý giao thông xanh” được thiết kế để giảm quãng đường di chuyển của các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, giúp cộng đồng địa phương gần gũi hơn với những phương tiện di chuyển xanh như xe điện, xe đạp.
Bên cạnh giải pháp thí điểm, ban hành chính sách cũng là phương án để các thành phố nâng cao tính bền vững trong sử dụng năng lượng. Mới đây, tháng 9/2022, Hội đồng Thành phố Chicago (Mỹ) đã thông qua Bộ luật Chuyển đổi Năng lượng Chicago năm 2022 của Thị trưởng thành phố, ông Lori Lightfoot, biến thành phố này trở thành một trong những thành phố lớn đầu tiên của Hoa Kỳ và là thành phố đầu tiên ở bang Illinois áp dụng và mở rộng phiên bản 2021 của Bộ luật Bảo tồn Năng lượng Quốc tế (IECC). Hầu hết các quy định trong bộ luật sẽ áp dụng cho những công trình được cấp phép xây dựng từ ngày 1/11/2022. Các quy định bổ sung sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.
Bộ luật Chuyển đổi Năng lượng 2022 sẽ giúp cải thiện khoảng 40% hiệu quả năng lượng cho các tòa nhà dân cư và thương mại so với sắc lệnh yêu cầu tiết kiệm năng lượng trong xây dựng đầu tiên của Chicago được ban hành năm 2001. Thị trưởng Lori Lightfoot cho biết, các tòa nhà là nhân tố đóng góp chính vào lượng khí thải carbon của Chicago, do đó thành phố từ lâu đã ưu tiên việc áp dụng những yêu cầu pháp lý về hiệu quả năng lượng và thiết kế bền vững đến các dự án đô thị.
Việt Nam cũng đang huy động nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện các dự án chuyển đổi năng lượng tại đô thị. Vừa qua, ngày 20/9/2022, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND TP.HCM vừa tổ chức khởi động Dự án hỗ trợ kỹ thuật năng lượng phân tán đô thị Việt Nam. Đây là dự án do USAID tài trợ với ngân sách 14 triệu Đô la, sẽ hợp tác với chính quyền TP.HCM và TP. Đà Nẵng nhằm cải thiện công tác quy hoạch đô thị liên quan đến năng lượng sạch, huy động đầu tư và tích hợp các giải pháp năng lượng sạch vào hệ thống điện. Các giải pháp này bao gồm điện mặt trời mái nhà, xe điện, điện rác và các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả khác.
Có thể thấy, đô thị là khu vực cần được chú trọng trong chiến lược chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng, từ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Trong tương lai, đô thị tại Việt Nam sẽ phải tiến đến trở thành đô thị thông minh và hiệu quả năng lượng, không chỉ để thực hiện các cam kết quốc tế mà còn là định hướng phát triển phù hợp với bối cảnh thời đại, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững./.
Nguồn: https://reatimes.vn/chuyen-doi-nang-luong-trong-quy-hoach-do-thi--20201224000016002.html