Mặc dù bối cảnh vĩ mô tương đối ổn định, song các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản, với biểu hiện chiếm dụng vốn và dòng tiền âm. Điều này làm tăng nguy cơ nợ xấu và thanh khoản của các ngân hàng thương mại. Kết hợp với tình trạng ảm đạm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã làm cho thị trường tài sản nói chung, nhất là thị trường bất động sản đình trệ. Việc khan hiếm thanh khoản trở thành tình trạng chung của nền kinh tế, đặt ra vấn đề cần thiết tháo gỡ kịp thời. Tại Talkshow Kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp và cơ hội cho thị trường Việt Nam, diễn ra ngày 15/11, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia đã có những bình luận về vấn đề này.
Doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh với lãi suất cao nhất thế giới
“Doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh với lãi suất cao nhất thế giới. Đây là chuyện kỳ lạ ở một quốc gia lạm phát thuộc loại thấp nhất thế giới”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Cụ thể, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Việt Nam đang duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức 3% nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay cao nhất thế giới, trong đó lãi suất cho vay trung bình đang ở mức 10%. Trong khi đó, theo Bộ Lao động Mỹ, mức lạm phát ở Mỹ tháng 9/2022 là 8,2% nhưng lãi suất cho vay vẫn quanh mức 2,5%.
Lãi suất cao đồng nghĩa với việc tài chính của doanh nghiệp tiếp tục bị bào mòn trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, các kênh dẫn vốn đều đình trệ. Các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực kể cả bất động sản đều gặp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu, vừa chịu lãi suất cao vừa chịu áp lực lớn từ tỷ giá hối đoái.
“Điều này chứng tỏ các nhà hoạch định chính sách, các công cụ điều hành kinh tế vĩ mô có vấn đề chứ không phải bản thân doanh nghiệp hay nền kinh tế. Đây là điều chúng ta cần khắc phục bằng mọi cách”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
Cũng theo chuyên gia này, hiện nhiều doanh nghiệp đã cạn vốn, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bình thường cũng rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản thực sự, với biểu hiện chiếm dụng vốn lẫn nhau cùng khối lượng lớn, lên tới hàng trăm nghìn tỷ. Điều đáng nói, phần lớn vốn chiếm dụng này có nguồn gốc từ ngân hàng. Điều này làm tăng nguy cơ nợ xấu và thanh khoản của các ngân hàng thương mại, lý do là dòng tiền quay trở lại ngân hàng chậm, ở cả khu vực ngân hàng doanh nghiệp và ngân hàng bán lẻ.
Thanh khoản chậm ở khu vực ngân hàng kết hợp với sự trầm lắng của thị trường trái phiếu, kéo theo sự đình trệ của lĩnh vực bất động sản. Mặc dù, đối với lĩnh vực bất động sản còn đến từ nhiều nguyên nhân khác, nhưng vấn đề dòng vốn yếu, thanh khoản thấp là một trong những nguyên nhân lớn. Nhìn chung, vấn đề khan hiếm thanh khoản trở thành tình trạng chung của nền kinh tế.
Lý giải nguyên nhân khiến cung tiền thấp, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, tiền ngân sách chưa được giải ngân là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. “Hệ thống ngân hàng chủ yếu là Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại đang nắm giữ gần 1 triệu tỷ đồng tiền đầu tư công của Chính phủ, nhưng không được phép cho vay ra”, ông nói.
Bên cạnh đó, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng chỉ ra việc Ngân hàng Nhà nước bán khối lượng ngoại tệ rất lớn, trên 20 tỷ USD, hút về trên 500.000 tỷ trong lưu thông về ngân hàng, dẫn đến tình trạng, lãi suất liên ngân hàng tăng cao, khoảng 7,3%/năm và cá biệt có ngày lên tới 8,3%/năm. Việc Ngân hàng Nhà nước hút tiền từ lưu thông về do lo ngại lạm phát, đặc biệt là về tỷ giá hối đoái.
TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho biết, từ đầu năm đến tháng 10, tăng trưởng GDP vào khoảng 8%, lạm phát khoảng 3%. Như vậy, GDP danh nghĩa tăng khoảng 11%. Giả định vòng quay tiền không đổi, thì nền kinh tế thiếu tiền cung ứng để lưu thông GDP theo giá hiện hành một cách bình thường. Rất may, trong quý I, quý II và nửa đầu quý III/2022, tình hình chưa căng thẳng nhờ cung tiền năm ngoái dư thừa lớn. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, thanh khoản của nền kinh tế đang rất yếu, trong khi nhu cầu tín dụng của nền kinh tế rất lớn dẫn tới lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại tăng nhanh, đặt thêm gánh nặng lên vai các doanh nghiệp.
Mặc dù, người gửi tiền trong ngắn hạn được hưởng lợi rất lớn, nhưng đằng sau đó là nguy cơ nợ xấu. Nếu không bơm tiền vào lưu thông, các ngân hàng tiếp tục cuộc đua tăng lãi suất huy động, sẽ đẩy lãi suất cho vay tăng cao hơn nữa.
Tăng cung tiền là vấn đề cấp bách
Mặc dù việc Ngân hàng Nhà nước hút tiền từ lưu thông về do lo ngại lạm phát, đặc biệt là về tỷ giá hối đoái, nhưng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Việt Nam không nên quá lo ngại khi lạm phát thế giới đang có xu hướng giảm, và tỷ giá hối đoái cũng sẽ có xu hướng giảm. Mỹ vẫn tiếp tục tăng lãi suất nhưng cường độ tăng sẽ chậm lại và thực tế, chỉ số USD đang có xu hướng giảm.
Bên cạnh đó, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, USD không thể tiếp tục đứng mãi ở đỉnh như thời gian qua. Trong trường hợp như Nhật Bản, Trung Quốc tăng lãi suất vào thời gian tới, USD sẽ giảm giá. So với VNĐ, USD tăng khoảng 9% kể từ đầu năm, nhưng có thể đây là đỉnh điểm về tốc độ tăng tỷ giá hối đoái năm 2022 và khó có cơ hội để tăng thêm trong năm tới.
“Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước nên mạnh dạn tăng cung tiền và bảo vệ vững thanh khoản của các ngân hàng thương mại, để tăng nguồn lực mới cho nền kinh tế cũng như tâm lý mới, lạc quan hơn từ phía chính sách tiền tệ. Khi doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm sẽ tăng lòng tin đối với thị trường. Theo đó, thị trường chứng khoán, trái phiếu hay bất động sản sẽ dần phục hồi”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Bình luận thêm về vấn đề này, ông Nghĩa cho rằng, cả Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phải có trách nhiệm trong việc tăng cung tiền cho nền kinh tế ở thời điểm hiện tại. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước không nên chờ đợi và hy vọng việc giải ngân đầu tư công sẽ có bước tiến bộ. Ngân hàng Nhà nước phải coi đó là lượng tiền mình đang nắm giữ và cần có lượng tiền bổ sung vào nền kinh tế và có thể hút tiền về sau khi đầu tư công phục hồi.
“Nếu Ngân hàng Nhà nước không bơm tiền vào lưu thông, thì chuyện nới lỏng room tín dụng không có ý nghĩa, chỉ làm cho các ngân hàng thương mại đua nhau tăng lãi suất huy động để có thêm tiền thực hiện room tín dụng. Như vậy, mặt bằng lãi suất sẽ bị đẩy lên cao hơn nữa”, TS. Lê Xuân Nghĩa nêu vấn đề.
Đối với Bộ Tài Chính, ông Nghĩa khuyến cáo cơ quan này cần giải phóng số vốn đầu tư công chưa thể giải ngân tại hệ thống ngân hàng. Trong đó, có thể tạm ứng cho các doanh nghiệp đã có dự án đầu tư công để có cơ sở triển khai dự án. Đồng thời, có thể trích một phần trong nguồn vốn đầu tư công để thành lập khẩn trương quỹ bão lãnh trái phiếu doanh nghiệp hoặc quỹ bình ổn thị trường trái phiếu.
“Nếu năm nay không bơm tiền ra đủ để lưu thông GDP danh nghĩa, mục tiêu tăng trưởng năm sau là 6,5% theo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua sẽ không đạt được”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định./.
Nguồn: https://reatimes.vn/ts-le-xuan-nghia-tang-cung-tien-la-van-de-cap-bach-20201224000015944.html