Cửa lớn đã mở
Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU với chủ đề “Thương mại nông sản Việt Nam - EU, đối tác phát triển bền vững” mới được tổ chức vừa qua, ông Trần Văn Công, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, EU là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam, là điểm đến của 18% lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, nông sản Việt, đặc biệt là rau quả có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang khối EU ngày càng cao. 11 tháng 2018, xuất khẩu rau quả đạt 3,5 tỷ USD, bằng cả năm 2017, trong đó, xuất sang EU hơn 100 triệu USD.
Cà phê là 1 trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang EU. Ảnh ST
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU. Nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại châu Âu như hạt điều, cà phê, thanh long, vải...
Một động lực đáng kể với kỳ vọng gia tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản vào EU cũng được ông Trần Văn Công thông tin khi đầu tư vào ngành nông nghiệp tại Việt Nam đang tăng rất nhanh với tổng số 25.339 dự án, tổng vốn đăng ký 318 tỷ USD. Riêng số dự án FDI trong nông nghiệp là 522 dự án với tổng vốn 3,5 tỷ USD, chiếm 1,22%.
“Quan hệ kinh tế thương mại giữa hai bên sẽ bước vào thời kỳ mới, khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU được ký kết và phê chuẩn trong tương lai không xa. Hiệp định thương mại tự do này sẽ tạo ra nhiều ưu đãi cho các mặt hàng nông sản của hai bên”, ông Công nhận định.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chia sẻ, mặc dù Việt Nam đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực trong xuất khẩu hàng nông sản ở những thị trường lớn nhưng đi liền đó là rất nhiều thách thức và khó khăn.
Bên cạnh những rào cản về cạnh tranh từ quá trình hội nhập, các doanh nghiệp còn phải đối diện với những thách thức nội tại như năng lực chế biến chuyên sâu, chưa phát triển mạnh về thương hiệu. Vì vậy, xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam dù nhiều về số lượng nhưng giá trị kim ngạch chưa tương xứng, lợi nhuận xuất khẩu phải chia sẻ qua nhiều khâu trung gian.
Nắm chắc được “luật chơi”, nông sản Việt không lo khó
Trao đổi về những thực tiễn về phát triển nông nghiệp bền vững và sản xuất thực phẩm của Pháp, ông Alexandre Bouchot, Tham tán Nông nghiệp Pháp cho biết, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Pháp cần hết sức lưu ý những quy định về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt vấn đề sử dụng thuốc trừ sâu, tốt nhất là hãy bán vào Pháp những sản phẩm được sản xuất theo mô hình hữu cơ.
“50% sản phẩm nông nghiệp phục vụ thị trường nội địa Pháp đều có dán nhãn xuất xứ và chất lượng hoặc các sản phẩm hữu cơ. Pháp cũng có lệnh cấm sử dụng đồ đựng bằng nhựa trong nấu ăn và phục vụ thức ăn trong khu vực phục vụ Chính phủ; lệnh cấm sử dụng thìa, ống hút nhựa trong nhà hàng, căng tin và cửa hàng thực phẩm từ 2020”, ông Alexandre Bouchot nhấn mạnh và lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần để ý những quy định này.
Cơ hội tăng mạnh xuất khẩu nông sản vào Pháp và nhiều thị trường có nhu cầu tiêu dùng cao trong khối EU là hiện thực khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được thông qua trong thời gian tới, cùng với việc các nhà sản xuất nắm bắt thông tin về thị trường để tổ chức sản xuất hàng hóa đánh trúng và đúng tâm lý tiêu dùng và tiêu chuẩn nhập khẩu.
Tư vấn cho các doanh nghiệp Việt, ông Handyn Craig, Trung tâm phát triển kỹ thuật nông nghiệp Vương quốc Anh cho rằng, nông nghiệp thông minh với các phương pháp canh tác bền vững, sản xuất theo chuỗi giá trị là hướng đi cần thiết của các nhà sản xuất của Việt Nam nếu muốn vào được châu Âu và tăng được giá trị của sản phẩm.
Theo bà Miriam Garcia Ferrer - Trưởng ban kinh tế và thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU đi vào thực thi sẽ mang lại cơ hội cho cả doanh nghiệp Việt Nam và EU bởi trong số 10 quốc gia xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường châu Âu, Việt Nam đang đứng thứ 10 và chiếm 2% tổng kim ngạch nhập khẩu vào EU.
Bà Miriam Garcia Ferrer cũng khuyến cáo, các mặt hàng nông sản và thực phẩm xuất khẩu vào EU từ trước đến nay đều phải tuân thủ các điều khoản thương mại cũng như khuôn khổ pháp lý. Do vậy, hai bên cần phải nắm chắc được “luật chơi” và tuân thủ những quy định chung giúp minh bạch thị trường, giải quyết các bất đồng phát sinh trong hoạt động thương mại.
Hoàng Nguyên