Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong những năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đã tăng trưởng trung bình gần 20%/năm. Ước tính, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/tổng tín dụng hiện vào khoảng 5,6% và dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu/người.

Số liệu thống kê từ dư nợ cho vay của FE Credit - công ty tài chính có thị phần vay tiêu dùng lớn nhất hiện nay cũng đã tăng khoảng 20% sau 9 tháng từ đầu năm 2019. Trong đó, dư nợ cho vay tại các công ty tài chính chủ yếu là các khoản vay nhỏ phục vụ nhu cầu mua sắm, tiền mặt của người dân…

Tiền trả góp không vượt quá 40% thu nhập tháng

Chị Nguyễn Thị Trang (25 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa tại Hà Nội) cho biết đã vay trả góp một công ty tài chính để mua laptop phục vụ công việc hiện tại. Giá trị chiếc laptop là 24 triệu đồng, và chị vay trả góp 12 triệu trong vòng 8 tháng.

“Với những người mới đi làm thì nhu cầu mua sắm trang thiết bị điện tử phục vụ công việc rất lớn. Nhưng không phải ai cũng có đủ tiền để mua thẳng, vay trả góp hiện cũng rất phổ biến nên tôi cũng chọn mua theo hình thức này”, chị Trang chia sẻ.

Theo chị Trang, ngoài việc phải chịu tiền lãi khoảng 200.000 đồng/tháng trong thời gian vay trả góp thì việc vay tiêu dùng của chị tương đối đơn giản. Do có thu nhập ổn định nên việc trả nợ hàng tháng cũng không phải vấn đề quá khó khăn.

“Mỗi tháng tôi chỉ cần trả khoảng 1,7 triệu cả gốc và lãi, số này chỉ chiếm 15% thu nhập hàng tháng. Trước khi quyết định vay trả góp tôi cũng đã tính đến phương án trả nợ hàng tháng rồi”, chị Trang nói thêm.

Nhiều người cũng cho biết họ chỉ chọn vay trả góp khi có nguồn thu nhập hàng tháng ổn định và khi thực sự cần thiết với sản phẩm mua.

Thực tế, theo các chuyên gia, người tiêu dùng chỉ nên mua trả góp khi số tiền phải trả mỗi tháng không vượt quá 40% tổng thu nhập hàng tháng.

Tuy nhiên, do không cân đối được dòng thu nhập nên nhiều khách hàng vay trả góp rơi vào tình cảnh bị tăng lãi phạt, phát xinh nợ xấu.

N.L.H (22 tuổi, quê Phú Thọ), sinh viên một trường đại học tại Hà Nội từng rơi vào cảnh nợ xấu vì vay trả góp điện thoại.

H. cho biết, từng vay trả góp để mua điện thoại giá 9 triệu đồng. Đến tháng thứ 4/6 của khoản vay, cửa hàng bán quần áo H. đang làm thuê bất ngờ đóng cửa và không trả lương tháng trước đó khiến H mất khả năng thanh toán khoản nợ này.

“Quá hạn, thấy có tin nhắn, cuộc gọi yêu cầu đóng tiền tôi còn không dám nghe máy, thậm chí phải mua số điện thoại khác dùng tạm một thời gian. Mất hơn 3 tháng sau, tôi mới tìm được công việc và có thu nhập mới có thể thanh toán tiếp” - H. cho biết.

Nhiều người trẻ (đặc biệt là sinh viên) khi vay tiêu dùng thường chủ quan trong việc cân đối nguồn tiền trả nợ hằng tháng, dẫn tới việc không thể thanh toán các khoản vay khi đến hạn.

Phát sinh nợ xấu, người vay chịu thiệt đầu tiên

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến các công ty tài chính chịu nhiều tai tiếng trong hoạt động cho vay một phần đến từ việc khách hàng chưa có đủ nhận thức cũng như trách nhiệm về loại hình cho vay này dẫn tới nhiều sự việc không đáng có.

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, tại Việt Nam kênh tín dụng tiêu dùng dù phổ biến nhưng vẫn trong giai đoạn đầu khi 90-95% khách hàng là khách hàng mới. Việc thiếu kiến thức quản lý tài chính cá nhân khiến nhiều người vẫn ngần ngại khi tiếp cận với vay tiêu dùng, hay dẫn đến không có khả năng thanh toán và xảy ra khiếu nại, tranh chấp không đáng có với công ty tài chính sau này.

Bên cạnh đó, ông Hòe cũng nhấn mạnh: “Người vay cần nắm vững các thuật ngữ và khái niệm được sử dụng khi vay tiêu dùng. Khi vướng phải bất kỳ thắc mắc nào, người dân có thể yêu cầu nhân viên tư vấn trực tiếp làm rõ trước khi đặt bút ký hợp đồng vay tiền”.

Còn theo LS. Trương Thanh Đức, khi vay tiêu dùng cần chú ý vào mức lãi suất, các khoản phí và các điều kiện trả nợ khác. Mặt khác, thời hạn vay càng ngắn càng tốt, nếu vay dài thì lãi suất sẽ cao hơn và rủi ro về lãi suất và trả nợ cũng lớn hơn.

Một vị luật sư khác cho biết, trong các trường hợp người vay vì một lý do nào đó không hoàn tất nghĩa vụ trả nợ, người chịu thiệt đầu tiên chính là người đi vay.

Cụ thể, khi không trả được nợ đúng hạn hoặc mất khả năng trả nợ thì bên cho vay sẽ khởi kiện người vay ra tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Việc không cân đối dòng thu nhập để bù đắp vào tiền đi vay cũng sẽ ảnh hưởng đến hồ sơ tín dụng của người vay sau này.

“Hiện nay, lịch sử vay vốn của các các nhân, tổ chức đều được lưu trữ tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC). Thông tin nợ xấu và chậm thanh toán của khách được lưu trữ tối đa 5 năm. Nếu khoản vay bị nợ quá hạn trả lãi và gốc từ 90 ngày trở lên thì người vay sẽ rất khó khăn để tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng lần sau”, vị này cho hay.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết, theo quy định hiện nay, với những khoản nợ xấu dưới 10 triệu đồng khi khách hàng tất toán CIC sẽ tạm thời không cung cấp lịch sử nợ xấu đó.

Theo Mi Trần/Đô Thị Mới