“Nút thắt” về quy định thuế

Theo quy định thuế hiện hành, doanh nghiệp được phép bù trừ thu nhập từ hoạt động kinh doanh với lợi nhuận từ chuyển nhượng bất động sản.

Tuy nhiên, việc bù trừ này mới chỉ được thực hiện một chiều. Nghĩa là doanh nghiệp chỉ được phép bù lỗ kinh doanh bất động sản với lãi của hoạt động kinh doanh sản xuất.

Còn trong trường hợp, doanh nghiệp có lãi từ kinh doanh bất động sản thì phải xác định riêng để kê khai nộp thuế.

Đã có nhiều kiến nghị cho phép được bù trừ lỗ của các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác với lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản

Đã có nhiều kiến nghị cho phép được bù trừ lỗ của các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác với lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản.

Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế (cuối năm 2014), Bộ tài chính có đề xuất sửa đổi Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp theo hướng: “Để phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho bổ sung quy định doanh nghiệp được bù trừ lãi từ chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên khi Quốc hội phê duyệt đã bỏ sửa đổi nêu trên.

Trên thực tế, quy định “van một chiều” về bù trừ thu nhập từ hoạt động kinh doanh bất động sản như trên đã gây khá nhiều “khó dễ” cho doanh nghiệp. Vụ chính sách thuế - Bộ Tài chính từng cho biết, trong giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đi vay vốn ngân hàng nhưng sau đó gặp khó khăn về tài chính, không trả được nợ nên phải bán bất động sản đi.

Tuy nhiên, quy định hiện hành dẫn đến một bất cập là khi bán bất động sản có lãi thì doanh nghiệp phải nộp thuế ngay mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang thua lỗ. Nhiều trường hợp doanh nghiệp nộp thuế xong, số tiền còn lại cũng không đủ để trả ngân hàng.

Phía các ngân hàng thì phản ánh, hệ thống đang phải gấp rút xử lý nợ xấu, trong đó việc xử lý tài sản đảm bảo tiền vay là bất động sản gặp nút thắt.

Khi doanh nghiệp chỉ được bù trừ một chiều như trên thì họ sẽ phải ưu tiên nộp thuế trước (trong 10 ngày từ khi phát sinh nghĩa vụ thuế). Trong khi đó, sản xuất kinh doanh lại bị lỗ và nợ ngân hàng chất chồng. Nhiều trường hợp nộp thuế xong thì số tiền còn lại không đủ để trả ngân hàng.

Nếu cho phép doanh nghiệp được bù trừ hai chiều, việc bù trừ lãi lỗ sẽ thực hiện trên sổ sách của doanh nghiệp. Còn khoản tiền bán tài sản bảo đảm vẫn dùng để trả nợ ngân hàng.

Nếu sau khi bù trừ vẫn còn tiền, doanh nghiệp mới kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong trường hợp này, doanh nghiệp không cần phải hạch toán riêng, giảm được khá nhiều thủ tục hành chính.

Cần công bằng với doanh nghiệp bất động sản

Một khảo sát của hãng tư vấn thuế E&Y cũng chỉ ra rằng, ở một số nước như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc… luật thuế quy định được lợi nhuận và lỗ của các hoạt động kinh doanh và chuyển nhượng bất động sản được bù trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tối ưu thuế.

Và duy chỉ có ở Việt nam và Malaysia vẫn chưa cho phép bù trừ lợi nhuận/lỗ của các hoạt động kinh doanh với nhau. Lợi nhuận từ chuyển nhượng bất động sản vẫn phải kê khai riêng cho dù doanh nghiệp có lỗ từ hoạt động kinh doanh.

Theo các chuyên gia trong ngành, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và đảm bảo sự công bằng khi thực thi nghĩa vụ thuế, Bộ Tài chính cần xem xét đề nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, cho phép “lỗ của hoạt động kinh doanh được bù trừ với lợi nhuận từ chuyển nhượng bất động sản.

Câu chuyện này một lần nữa được nhắc tới tại Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp cuối tháng 4 vừa qua.

Tại đây, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) thẳng thắn cho rằng, nhà nước cần cho phép doanh nghiệp được bù trừ lỗ của các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác với lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản.

Theo đại diện các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản TPHCM, bất động sản là một trong những ngành kinh tế nền tảng của đất nước, có liên quan đến hầu hết các ngành kinh tế khác, cung ứng nhiều sản phẩm, đặc biệt là nhà ở và góp phần tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Theo quy định hiện hành, hầu hết các ngành nghề đều được Nhà nước cho phép hạch toán bù trừ trong quá trình kinh doanh để xác định lợi nhuận và nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nhưng cơ chế này lại không được áp dụng đầy đủ cho hoạt động kinh doanh bất động sản vì theo quy định thì kinh doanh bất động sản phải được hạch toán riêng.

"Doanh nghiệp được lấy lợi nhuận trong hoạt động ở các lĩnh vực khác để bù trừ cho kinh doanh bất động sản bị thua lỗ nhưng không được lấy lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản để bù trừ cho các hoạt động khác bị thua lỗ.

Đây là quy định bất hợp lý và không còn phù hợp với tinh thần đổi mới khi xây dựng Luật Đầu tư 2014 đã quy định nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật không cấm", ông Châu khẳng định.

Ông Châu cũng cho rằng, trong cùng một doanh nghiệp thì các hoạt động đầu tư, kinh doanh đều được đầu tư từ nguồn vốn của doanh nghiệp, có vai trò hỗ trợ lẫn nhau và hiệu quả sản xuất, kinh doanh chính là kết quả tổng hợp của các hoạt động trên.

Do vậy, cần bãi bỏ quy định lỗi thời này và cho phép được bù trừ lỗ của các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác với lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản để phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước ta đã ký kết.

 

Theo Duy Phan/Gia đình Việt Nam