Khó khăn đến từ các biến động vĩ mô
Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với những thách thức do tác động từ các yếu tố như lạm phát, kinh tế thế giới suy thoái, các Ngân hàng quốc doanh liên tục tăng lãi suất... Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến ngành tài chính - ngân hàng, trong đó, chịu tác động lớn hơn cả là nhóm các công ty tài chính khi mà phân khúc khách hàng chính của nhóm này vẫn chưa kịp hồi phục sau dịch Covid-19.
Tại FE CREDIT – công ty tài chính phục vụ hơn 13 triệu khách hàng là người lao động tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh cũng chịu ảnh hưởng khi nhu cầu vay của người dân sụt giảm rõ rệt trong giai đoạn 2020-2022, đặc biệt là đối với sản phẩm vay mua trả góp. Vì vậy, tính đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay (không bao gồm khoản vay hợp vốn) giảm 3,7%. Đồng thời, khả năng trả nợ của khách hàng cũng suy yếu khiến chi phí dự phòng của doanh nghiệp tăng 23%.
Dù vậy, năm 2022 vẫn ghi nhận những điểm sáng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của FE CREDIT. Trong quý IV/2022, công ty ký thỏa thuận hợp tác với Tổng Liên đoàn Lao động nhằm triển khai gói vay tiêu dùng ưu đãi 10.000 tỷ đồng cho đối tượng công nhân với lãi suất giảm 50% so với lãi suất thông thường. Đáng chú ý, trong bối cảnh lãi suất huy động ngày càng tăng, nhằm thu hút nguồn vốn ưu đãi từ quốc tế, FE CREDIT đã nhanh chóng hoàn thành chứng chỉ ESG. Đây là cam kết nằm trong khoản vay lên đến 100 triệu USD giữa FE CREDIT với Ngân hàng Deutsche Bank để gia tăng nguồn vốn tài trợ cho các khoản vay đáp ứng tiêu chí Môi Trường – Xã Hội – Quản Trị (ESG).
Hơn nữa, với thế mạnh về công nghệ, trong năm 2022 FE CREDIT đã ra cho ra mắt ứng dụng (app) FE Online phiên bản mới với nhiều tiện ích vượt trội, tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong chuyển đổi số nhằm mang tới những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
Hướng đi mới cho động lực tăng trưởng dài hạn
Bước sang năm 2023, theo các chuyên gia tài chính, các số liệu kinh tế hiện tại đang chỉ báo kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với rủi ro suy thoái. Môi trường lãi suất ở mức cao, lạm phát kéo dài và thu nhập suy giảm sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế. Cũng theo các chuyên gia, NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) của các công ty tài chính có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn trong ngắn hạn do tác động từ các đợt tăng lãi suất gần đây. Đồng thời, khả năng trả nợ của phân khúc khách hàng thu nhập trung bình – thấp sẽ tiếp tục giảm bởi điều kiện kinh tế không thuận lợi.
Trước bối cảnh đó, FE CREDIT hiểu rõ những thách thức và xác định nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023 là đánh giá, rà soát lại các phân khúc khách hàng kém hiệu quả và từ đó loại bỏ ra khỏi danh mục. Cụ thể, trong phân khúc khách hàng có thu nhập thấp – trung bình vốn chiếm phần lớn danh mục, công ty sẽ tiến hành giảm dần tỷ trọng giải ngân đối với nhóm khách hàng có lịch sử tín dụng xấu và không có bảo hiểm xã hội, thay vào đó, sẽ tập trung tạo danh mục mới từ phân khúc “good bank” (khách hàng có lịch sử tín dụng tốt và đóng bảo hiểm xã hội).
Ngoài ra, với việc ra mắt thành công ứng dụng UBank, FE CREDIT đang dần hoàn thiện nền tảng số toàn diện cho phân khúc đại chúng tại Việt Nam. Công ty cũng sẽ tích cực đưa vào triển khai các sáng kiến từ bán hàng, thu hồi nợ đến quản trị rủi ro nhằm giảm thiểu chi phí rủi ro và tạo động lực cho tăng trưởng dài hạn.
Đại diện FE CREDIT chia sẻ: “Mặc dù năm 2023 được dự báo mang đến nhiều thách thức nhưng trong khó khăn, chúng tôi vẫn luôn tìm kiếm những cơ hội. Với những nền tảng sẵn có, FE CREDIT sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển hoạt động kinh doanh theo mô hình truyền thống. Đây cũng là giai đoạn chúng tôi tập trung vào tệp khách hàng mục tiêu từ đó tạo tiền đề cho việc phát triển kinh doanh bền vững. Dự kiến đến quý IV/2023, tệp khách hàng “good bank” sẽ chiếm khoảng 91%. Ngoài ra, chúng tôi đẩy mạnh đầu tư vào quá trình chuyển đổi số, hướng đến một công ty tài chính số hóa hoàn toàn. Công ty kỳ vọng trong ba năm tới, FE CREDIT sẽ trở thành NEOBank lớn và có lợi nhuận cao nhất trong khu vực ASEAN bằng cách chuyển đổi nền tảng ngân hàng số thành siêu ứng dụng”.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/fe-credit-san-sang-cho-huong-di-moi-truoc-nhung-thach-thuc-cua-nen-kinh-te-20201231000009461.html