Tuy vậy việc "giữ được thăng bằng" thông qua chiến lược đúng về sản phẩm, quản trị rủi ro tốt cho hệ thống có thể là nền tảng giúp doanh nghiệp này phục hồi nhanh hơn khi nền kinh tế ổn định trở lại.
Năm 2022 là một năm khó khăn với mảng tài chính tiêu dùng bởi sau sau tác động của đại dịch thì tình hình kinh tế chính trị toàn cầu cũng chuyển biến tiêu cực. Tác động gộp này đã khuếch đại mức độ ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của cả đơn vị cấp vốn lẫn người vay. Khó khăn chồng khó khăn nên tìm mọi hướng để tồn tại và thích ứng trước sự thay đổi của kinh tế - xã hội là nhận định chung của lãnh đạo các đơn vị này.
Sức ép đa chiều lên kế hoạch kinh doanh
Những tác động tiêu cực trong hai năm qua đã lan tỏa đến mọi thành phần kinh tế và phản ánh đến kết quả kinh doanh năm 2022 của hầu hết các công ty tài chính. Trong đó, lạm phát có diễn biến tăng, kinh tế toàn cầu suy thoái cùng với việc đời sống của người dân sau Covid-19 vẫn chưa thực sự hồi phục đang khiến thu nhập của người dân chịu ảnh hưởng tiêu cực. Những yếu tố ngoại quan này phần nào khiến cho việc giải ngân của doanh nghiệp kém đi và chất lượng tín dụng giảm xuống trong thời gian qua.
Ở góc độ vĩ mô, lãi suất huy động trên thị trường đang tiếp tục tăng cao trong khi đó công ty chỉ được phép huy động từ tiền gửi của doanh nghiệp nên chi phí vốn ngày càng có xu hướng tăng từ đó ảnh hưởng đến thu nhập lãi thuần của công ty.
Nhìn nhận về những khó khăn, đại diện FE CREDIT cho rằng, nhu cầu vay tiêu dùng trả góp của người dân giảm rõ rệt trong giai đoạn 2020-2022, ảnh hưởng đến kết quả giải ngân. Bên cạnh đó, các chương trình khuyến mãi, kế hoạch phát triển mạng lưới chấp nhận thanh toán bị trì hoãn bởi dịch Covid-19.
Tính đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay (không bao gồm khoản vay hợp vốn) giảm 3,7%. Tổng thu nhập hoạt động tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là chi dự phòng của doanh nghiệp tăng 23%.
Việc thay đổi chính sách gia hạn và tái cơ cấu nhóm nợ cũng ảnh hưởng tới trích lập dự phòng của công ty. Trong 2 năm Covid-19 diễn biến phức tạp, công ty đã miễn giảm lãi vay cho khoảng 180.000 khách hàng, với số lãi phí lũy kế đã hỗ trợ gần 215 tỉ đồng. Điều này phần nào khiến doanh nghiệp "việt vị" với các kế hoạch doanh thu, lợi nhuận khi về đích 2022.
Hiện tại, lãi suất huy động trên thị trường đang tiếp tục tăng cao trong khi đó công ty chỉ được phép huy động từ tiền gửi của doanh nghiệp nên chi phí vốn ngày càng có xu hướng tăng từ đó ảnh hưởng đến thu nhập lãi thuần của công ty.
Nếu hoạt động cho vay khó khăn thì FE CREDIT cũng chịu sức ép rất lớn từ hoạt động thu hồi nợ bởi một số đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, lợi dụng sự mập mờ giữa 2 pháp nhân đều là công ty tài chính để lôi kéo, rủ rê cùng nhau cố tình không trả nợ cho các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, rồi vu khống nhân viên có hành vi thu nợ manh động kiểu xã hội đen, khiến hoạt động thu hồi nợ của công ty gặp nhiều khó khăn.
Dù kế hoạch kinh doanh chịu tổn thương bởi những tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế nhưng trong quý 4/2022, công ty đã thực hiện giải ngân gói vay tiêu dùng ưu đãi 10.000 tỉ đồng cho hàng triệu công nhân ở các khu công nghiệp. Với lãi suất giảm đến 50% so với lãi suất dành cho khách hàng thông thường, gói vay ưu đãi này đã tác động tích cực đến an sinh xã hội lẫn tái cấp vốn cho nền kinh tế. Điều này cho thấy doanh nghiệp cũng sẵn sàng hy sinh một phần doanh thu, lợi nhuận đáng kể cho chương trình hỗ trợ người lao động góp phần phục hồi kinh tế.
Nỗ lực "giữ thăng bằng" cho tăng trưởng
Nhìn trên bình diện chung của thị trường, trong một tình thế bất khả kháng có thể các doanh nghiệp phải sẵn sàng tâm thế cho một quá trình cơ cấu mạnh mẽ. Trong hoàn cảnh phi thường đòi hỏi doanh nghiệp cần phải có giải pháp phi thường để phục hồi. Điều này tùy thuộc vào mức độ cân bằng của doanh nghiệp đến đâu để để tăng trưởng trong thách thức.
Hồi giữa năm 2022, Moody's đánh giá cao triển vọng của FE CREDIT trong thời gian tới và kỳ vọng chất lượng tài sản cũng như lợi nhuận sẽ hồi phục, quay lại thời điểm trước đại dịch vào năm 2023. Ngoài ra, sự gia nhập của Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC được kỳ vọng giúp công ty giảm thiểu rủi ro tín dụng từ các khoản cho vay và duy trì hồ sơ tín dụng ổn định trong 12 đến 18 tháng tới. Đây có thể là cơ sở để giúp FE CREDIT duy trì kết cấu tài chính tốt để vượt qua giai đoạn thách thức hiện tại.
Trong khi đó, với kế hoạch phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, FE CREDIT xác định nhiệm vụ trọng tâm là cần đánh giá, rà soát lại các phân khúc khách hàng kém hiệu quả và từ đó loại bỏ ra khỏi danh mục.
Cụ thể, trong phân khúc khách hàng có thu nhập thấp - trung bình vốn chiếm phần lớn danh mục, công ty sẽ tạm hoãn xét duyệt giải ngân đối với nhóm khách hàng có lịch sử tín dụng xấu, không có bảo hiểm xã hội…Bên cạnh đó, tập trung xây dựng tệp "good bank" (khác hàng có lịch sử tín dụng tốt và có bảo hiểm xã hội).
Bên cạnh đó, với việc ra mắt ứng dụng UBank, FE CREDIT đang dần hoàn thiện nền tảng số toàn diện cho phân khúc đại chúng tại Việt Nam.
Công ty cũng sẽ tích cực đưa ra các sáng kiến từ bán hàng, thu hồi nợ đến quản trị rủi ro nhằm giảm thiểu chi phí rủi ro và tạo động lực cho tăng trưởng dài hạn. Trong 3 năm tới, tầm nhìn của FE CREDIT sẽ trở thành NEOBank lớn và có lợi nhuận cao nhất trong khu vực ASEAN bằng cách chuyển đổi nền tảng ngân hàng số thành siêu ứng dụng.
Dự báo năm 2023, những khó khăn của nền kinh tế chưa hoàn toàn triệt tiêu, thị trường vẫn bị đặt dưới những ẩn số. Tuy vậy, với cấu trúc tài chính lành mạnh cùng sự chủ động cho chiến lược tăng trưởng bền vững có thể là "điểm tựa" để FE CREDIT vượt qua những thách thức hiện hữu, đem đến những lợi ích ổn định trong dài hạn.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/fe-credit-va-no-luc-giu-thang-bang-cho-tang-truong-20201231000008954.html