Gian lận thi cử không còn là chuyện xa lạ trong đời sống, nhất là khi xã hội đang phát triển trong thời đại 4.0 như hiện nay.

Những vấn nạn của giáo dục và đào tạo luôn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Cho dù được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước nhưng những vấn nạn này vẫn còn là nỗi lo và thách thức cho ngành Giáo dục cũng như toàn xã hội.

Nhìn lại lịch sử, không phải thời nay mới có chuyện gian lận trong thi cử mà thời nào cũng có. Tuy nhiên, chuyện gian lận thi cử thời ấy khi bị phát hiện đều bị xử lý thích đáng, đúng người đúng tội nên chỉ dừng ở mức độ cá nhân chứ không trở thành nỗi đau đối với toàn xã hội như sự việc ở Hà Giang và Sơn La vừa qua.

Có thể nói, chưa bao giờ hiện tượng gian dối trong giáo dục đào tạo, cụ thể là trong thi cử lại đặt ra câu hỏi bức thiết như hôm nay: Đâu là sự công bằng cho người học? Chất lượng đào tạo con người cho tương lai sẽ ra sao? Hệ luỵ của nó đối với xã hội và con người như thế nào và cần làm gì để ngăn chặn hiện tượng gian lận thi cử như hiện nay?.

 

Trước những vấn đề bức thiết được đặt ra, nhà văn Sương Nguyệt Minh chia sẻ: “Đây là sự kiện đáng buồn của nền giáo dục Việt Nam.

Nghề giáo là nghề cao quý, cùng với nghề thuốc, được gọi là “thầy”. Nhưng những người mắc sai phạm đã làm cho hình ảnh người thầy không còn đẹp nữa.

Nỗi buồn này không còn là nỗi buồn riêng của các thầy cô hay nỗi buồn của riêng ngành giáo dục mà nó chính là nỗi buồn của toàn xã hội. Nỗi buồn này mang tâm trạng của người trong cuộc, trước hết là những thầy cô chân chính.

Họ cảm thấy mình bị xúc phạm, bị tổn thương bởi hình ảnh của họ bị xấu đi trong cái nhìn của học trò, của phụ huynh và toàn xã hội. Nhân dân mất lòng tin vào ngành Giáo dục và lo lắng cho sự mất công bằng xảy ra trong thi cử cũng như những hệ luỵ của nó đối với xã hội và con người tương lai”.

Vậy những sự việc gian lận thi cử xảy ra do đâu? Câu trả lời phải đến từ những người trực tiếp mắc sai phạm.

Sự việc ở Hà Giang cho thấy việc vi phạm rất nghiêm trọng, có quy mô tổ chức, liên đới tới nhiều người. Người ta thống kê được rằng cứ 6 giây ông Võ Trọng Lương sửa một bài thi và tổng số bài thi bị sửa lên tới 330 bài.

Đề thi THPT quốc gia năm nay được đánh giá là khó. Tuy nhiên theo kết quả công bố ban đầu: Phổ điểm môn Vật lý, Hà Giang có 65 thí sinh đạt từ 9 trở lên chiếm 6,7% thí sinh dự thi; trong khi TP Hồ Chí Minh chỉ có 39 thí sinh.

 

Tỷ lệ điểm giỏi này gấp 23 lần Hà Nội là nơi có những trường chuyên nổi tiếng như Amstedam, Chu Văn An và Nguyễn Huệ. Môn Toán có 57 bài thi được điểm 9 trở lên, trong khi TP Hồ Chí Minh chỉ có 32 và Nam Định được coi là đất học “tủi phận” chỉ có 13. Khối A1 (Toán, Lý, Anh) toàn quốc có 76 thí sinh có điểm thi từ 27 điểm trở lên, riêng Hà Giang đã 36 em, gần ½ toàn quốc; khối A cũng chiếm 1/3 cả nước…

Một kết quả có thể coi là vụt sáng, mà các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh... hay các nơi tập trung nhiều nhân tài vật lực như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội…cũng phải kính nể.

Tuy nhiên đó chỉ là sự dối trá. Sự thật được phơi bày khi Thanh tra giáo dục vào cuộc trước những nghi ngờ có căn cứ của dư luận xã hội.

Kết quả là có 102 bài thi Toán đã chênh lệch từ 1,0 điểm đến 8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0 điểm; đã công bố là 9,0 điểm).

Có 85 bài thi Vật lý đã chênh lệch lên từ 1,0 điểm đến 7,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 8, 75 điểm). Có 56 bài thi Hóa đã chênh lệch từ 1,0 điểm đến 8,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 0,75 điểm; điểm đã công bố là 9,5 điểm). Có 8 bài thi môn Sinh đã chênh lệch lên từ 1,0 điểm đến 4,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 4,25 điểm; điểm đã công bố là 9,0 điểm).

Có 9 bài thi Lịch sử đã chênh lệch lên từ 1,0 điểm đến 7,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 2,5 điểm; điểm đã công bố là 9,75 điểm). Có 3 bài thi Địa lý đã chênh lệch từ 1, 25 điểm đến 3,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 6,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm).

Có 52 bài thi Tiếng Anh đã chênh lệch từ 1,4 điểm đến 7,8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,2 điểm; điểm đã công bố là 9,0 điểm".

Không dừng lại ở đó, Sơn La là địa phương thứ 2 có kết quả điểm thi đặt ra nghi vấn khiến Bộ GD & ĐT một lần nữa phải vào cuộc để chấm thẩm định lại kết quả thi và rà soát lại công tác tổ chức thi tại địa phương này.

Kết quả chấm thẩm định cho thấy tổng số bài thi ngữ văn có điểm công bố ngày 11/7 cao hơn điểm chấm thẩm định là 42 bài. Có 30 bài có điểm chênh tối thiểu là 0.5; 12 bài chênh từ 1 điểm trở lên, trong đó có 1 bài chênh tới 4,5 điểm (điểm công bố hôm 11/7 là 8,5, điểm chấm thẩm định lại là 4), 1 bài khác chênh 3 điểm (điểm công bố là 8, điểm chấm thẩm định lại là 5).

Như vậy, tỉnh này có 16 thí sinh có điểm thể hiện trên bài thi sai lệch với điểm được Bộ GD & ĐT công bố ngày 11/7.

Ông Vũ Trọng Lượng và quá trình sửa điểm

Ông Vũ Trọng Lượng và quá trình sửa điểm "siêu tốc"

Như VTC14 đưa tin, có thể nói rằng, sai phạm chưa từng có ở hai tỉnh Hà Giang và Sơn La đều nằm ở khâu chấm thi. Điều đó cho thấy quy trình chấm thi còn có nhiều kẽ hở. Nếu như gian lận ở Hà Giang xảy ra ở khâu quét ảnh bài thi thì ở Sơn La lại sửa ngay ở bài thi gốc của thí sinh từ trước khi tiến hành quyét ảnh.

Hình thức gian lận ở Sơn La tinh vi và phức tạp hơn vì có tổ chức chấm lại bài thi thì kết quả vẫn như cũ. Hiện file ảnh bài thi trắc nghiệm gốc ở cục thi Sơn La đã “biến mất” còn ảnh bài thi trắc nghiệm được lưu tại Sở GD & ĐT Sơn La và ảnh trong đĩa dữ liệu mà Bộ GD & ĐT giữ hoàn toàn giống nhau.

Nghĩa là dữ liệu thi trong đĩa CD đã bị tự ý mang ra khỏi khu vực bảo quản bài thi. Chưa biết đem đi đâu và ai cho phép.

Vì thế Hội đồng chấm thẩm định buộc lòng phải công nhận toàn bộ kết quả điểm thi của thí sinh tại Sơn La được công bố ngày 11/7. Còn việc trả lại điểm thi thực cho thí sinh Sơn La phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng Bộ Công an.

Rõ ràng phần mềm dù thông minh đến đâu cũng là do con người vận hành. Vì thế, dù có tin tưởng cán bộ, nhân viên đến bao nhiêu thì cũng cần giám sát chặt chẽ, nhất là những người chủ chốt nắm giữ những khâu quan trọng nhất.

Khi có bàn tay con người, nhất là những người vì mưu lợi cá nhân, có cái tâm không trong sáng thì dù có một quy trình hoàn hảo cũng có thể xảy ra sai sót. Dư luận không chỉ mất lòng tin vào một bộ phận cán bộ tham gia chấm thi mà nhiều người còn mất lòng tin vào kỳ thi THPT quốc gia, mất lòng tin đối với ngành giáo dục.

 

 

Từ câu chuyện gian lận của Hà Giang, Sơn La và nghi vấn với hàng loạt các địa phương đã có gian lận trong kết quả thi THPT quốc gia đang được dư luận quan tâm, chắc chắn những người cố tình gian lận họ thừa biết đó là việc làm sai trái, không đúng với pháp luật và đạo đức xã hội.

Vậy tại sao họ vẫn làm, tại sao xã hội vẫn tồn tại ngang nhiên những hiện tượng gian lận này? Có lẽ là do lòng tham (tham tiền tài, tham chức vị…), do thói hư danh, trọng bằng cấp, chạy theo thành tích của nhiều người Việt đang khuyến khích người ta gian lận.

Một điều hiển nhiên là trong xã hội có cầu ắt có cung. Nếu người ta muốn có điểm thi đẹp, văn bằng chứng chỉ tốt… sẽ có cả một hệ thống, đường dây, thậm chí nhiều hệ thống, đường dây thực hiện cho nhu cầu đó. Những kẻ đã thay đen thành trắng, thay trắng thành đen, và gian lận trong thi cử nhiều khi dẫn tới thay đổi số phận của cả một con người.

Để gian lận được, một người không thể làm nên chuyện, nó phải có sự móc nối, thông đồng lẫn nhau giữa những người liên quan.

Hiện tượng gian lận trong thi cử thời gian gần đây không còn là vấn đề của riêng ngành giáo dục mà nó phản ánh tình trạng xã hội. Vậy những hệ lụy mà nó gây nên cho xã hội và tương lai chất lượng giáo dục con người sẽ ra sao? Chúng ta sẽ phải đối diện với sự thật này như thế nào?

 

Tôi bỗng nhớ tới việc thời gian gần đây cộng đồng mạng chia sẻ rất nhiều bài nhạc chế về gian lận điểm thi ở Hà Giang, đại khái nội dung phê phán hài hước việc phù phép sửa điểm thi của một số người mà không nghĩ tới những hậu quả của nó…

Nói như vậy để thấy khi những dối trá được phơi bày cũng là khi mối quan tâm, lo lắng của người dân đã tới đỉnh điểm. Chúng ta lo sợ những hệ lụy của gian dối tới xã hội và chất lượng giáo dục con người tương lai. Thật đáng buồn khi những việc làm sai trái của người lớn đang gieo vào tâm hồn thế hệ trẻ lối sống giả dối.

Những em học sinh học tốt phải nhường chiếc ghế vào giảng đường đại học cho những bạn học kém. Các em học tốt mất đi cơ hội được học tại những trường đại học hàng đầu. Thay vào đó, các em học kém nghiễm nhiên vào đại học, rồi khi vào đại học lại dùng tiền để “mua thầy”, thậm chí ra trường với tấm bằng xuất sắc, sau này đi làm được giao những vị trí quan trọng.

Một bộ phận thế hệ trẻ sẽ có lối sống không lành mạnh, thực dụng, thậm chí chà đạp lên sự thật, đạo lý. Nếu thí sinh sửa điểm thi vào các ngành như công an, quân đội sẽ vô cùng nguy hiểm vì sau này hoạt động của họ gắn liền với sinh mệnh chính trị của Đảng và nhà nước, vào sư phạm sẽ tao ra một thế hệ học sinh lừa dối, vào ngành y sẽ sản sinh ra những bác sỹ có trình độ thấp kém gây nguy hiểm cho tính mạng con người. Hậu quả sẽ khó mà lường hết.

Đối diện với sự thật này, có một làn sóng đang dấy lên trong dư luận về việc có nên xoá bỏ kỳ thi 2 chung hay không. Trước hết, cần rà soát và tìm ra những lỗ hổng trong quá trình tổ chức, giám sát và bảo quản dữ liệu thi để kịp thời đưa ra các giải pháp đúng đắn ngăn chặn nạn gian lận thi cử tiếp tục diễn ra.

Cần giáo dục về đạo đức và trách nhiệm công dân, nuôi dưỡng ý thức và lòng tự trọng của con người để không chấp nhận cái xấu mà xa ngã. Cần giáo dục cho thế hệ trẻ giá trị của lòng tự trọng và trung thực để cái tốt luôn ngự trị trong xã hội chúng ta.

Gian lận thi cử để lại những hậu quả rất nặng nề. Nó tàn sát lòng tin, nó làm nền giáo dục bị mất uy tín, làm tổn thương các thầy cô chân chính và phụ huynh tử tế. Nó phản ánh một thực trạng giáo dục màu xám.

Giờ đây, dư luận xã hội đang cần một câu trả lời thỏa đáng, và pháp luật cần phải nghiêm khắc trừng trị những đối tượng đã làm băng hoại những giá trị vốn có của ngành giáo dục … từ đó lấy lại lòng tin trong nhân dân. Muốn làm được điều đó thì điều trước tiên và căn bản nhất nằm ở chính ngành giáo dục. Chúng ta cùng chờ đợi những quyết sách đúng đắn và hy vọng vào một nền giáo dục tương lai.

Theo congly.vn