Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa có công văn hỏa tốc tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng góp ý dự thảo Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Theo đó, HoREA cho rằng, đối với người sử dụng nhà chung cư có hộ khẩu ghép (hộ ghép), phần lớn là do có quan hệ huyết thống, hoặc quan hệ hôn nhân với chủ sở hữu nhà chung cư và đang cư trú ổn định cùng với chủ sở hữu nhà chung cư, thì cần phải có chính sách tái định cư, giải quyết chỗ ở tạm thời khi thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Dự thảo Nghị định không quy định cơ chế chính sách cho phép chủ sở hữu căn hộ cũ có có hộ khẩu ghép được mua thêm căn hộ tái định cư, thì sẽ bất cập, không khả thi khi triển khai thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, do trên thực tế nhiều căn hộ cũ “nở nồi” có thêm các hộ ghép, nên rất cần thiết bổ sung vào dự thảo Nghị định. Nhằm tránh tình trạng lợi dụng chính sách để “tách hộ” tràn lan, Hiệp hội đề nghị quy định trường hợp căn hộ nhà chung cư có hộ ghép được “chốt” tại thời điểm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, thì chủ sở hữu nhà chung cư này chỉ được mua thêm 1 căn hộ tái định cư theo giá bán “được tính theo chi phí đầu tư xây dựng phân bổ trên 1m2 sàn xây dựng nhà chung cư tái định cư cộng với 10% lợi nhuận định mức theo quy định”.
Hiệp hội đề nghị bổ sung và hoàn thiện lại toàn bộ nội dung Khoản 4, Điều 3 dự thảo Nghị định, như sau: “4. Tái định cư tại chỗ là việc bố trí nhà ở, diện tích khác (nếu có) cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được tái định cư tại địa điểm cũ trong phạm vi dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Tái định cư tại địa điểm khác là việc bố trí nhà ở, diện tích khác (nếu có) cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được tái định cư tại dự án xây dựng nhà ở tái định cư hoặc dự án nhà ở thương mại trên cùng địa bàn cấp xã, nếu địa bàn cấp xã không có nhà ở này thì bố trí trên cùng địa bàn cấp huyện; trường hợp trên địa bàn cấp huyện không có nhà ở này thì được bố trí tại dự án khác trên địa bàn cấp huyện lân cận. Diện được tái định cư bao gồm chủ sở hữu nhà chung cư; người sử dụng nhà chung cư có hộ khẩu ghép (hộ ghép) tại thời điểm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”.
Đồng thời, HoREA cho rằng về quy định phải có 100% chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý phá dỡ nhà chung cư không phải nhà chung cư hư hỏng nặng nguy hiểm (cấp D) là không khả thi, không sát với thực tiễn. Để tạo điều kiện thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, HoREA đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét quy định: Quyết định phá dỡ nhà chung cư phải được tối thiểu 2/3 tổng số chủ sở hữu nhà chung cư, khu chung cư đồng ý, tương tự như Khoản 2 Điều 89 Luật Nhà ở 2005 quy định: Việc phá dỡ nhà chung cư của nhiều chủ sở hữu theo nhu cầu thì phải được 2/3 tổng số chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý.
Ngoài ra, HoREA cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định về các vấn đề như: Quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Quản lý kinh phí bảo trì, Cơ chế chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... Những ý kiến này nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị định, đảm bảo tính khả thi của dự thảo Nghị định trong thực tiễn thi hành.
Trước đó, cũng liên quan đến vấn đề cải tạo chung cư cũ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng mới ký, ban hành Quyết định số 2932/QĐ-UBND về việc ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP liên quan đến công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.
Theo đó, trong trường hợp tái định cư tại chỗ cũ, các hộ dân sẽ được bồi thường bằng căn hộ có diện tích bằng 1,3 lần nhà cũ bị phá dỡ. Tái định cư ở nơi khác thì diện tích căn hộ được bố trí phải bằng 1,5 lần nơi ở cũ. Phần diện tích chênh lệch giữa nơi ở cũ và mới sẽ được trả bằng tiền theo giá thị trường.
Người dân tái định cư được miễn lệ phí trước bạ khi cấp giấy chủ quyền nhà đất. Với các chung cũ đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ nếu chưa tìm được chủ đầu tư thì UBND tỉnh thành phải khẩn cấp di dời dân và bồi thường, sau đó tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án.
Kinh phí để triển khai thực hiện là sử dụng nguồn kinh phí ứng trước của các quận, huyện, thị xã (việc hoàn trả kinh phí đã ứng trước được thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật, tính trong chi phí thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ au khi được phê duyệt); nguồn nhân lực để thực hiện là nguồn nhân lực của các cơ quan, đơn vị chức năng trực thuộc UBND các quận, huyện, thị xã.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/gop-y-du-thao-nghi-dinh-ve-cai-tao-chung-cu-cu-20201231000003062.html