Hàng loạt dự án bất động sản TP HCM sắp được gỡ rối

Theo Tienphong, tại Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền TP HCM với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vừa diễn ra, nhiều công ty nói rằng dự án chậm trễ, tắc nguồn cung khiến doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn.

Báo cáo của ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cũng cho thấy, nguồn cung nhà ở năm 2020 đưa ra thị trường so với năm 2019 giảm 34% về tổng số dự án, giảm 30,4% về tổng số căn nhà. Thị trường (BĐS) có tốc độ giao dịch chậm hơn, không có dự án nào được UBND TPHCM cho phép chuyển nhượng.

Cụ thể, đối với dự án đã hoàn thiện pháp lý, đa số doanh nghiệp lựa chọn phát triển sản phẩm theo phân khúc cao cấp và trung cấp. Điều này dẫn đến cơ cấu sản phẩm mất cân đối, tỷ lệ căn hộ bình dân giảm từ 51% xuống còn 1%, chiếm tỷ lệ thấp nhất, phân khúc căn hộ trung cấp tăng từ 23,8% lên 56,9%, và phân khúc căn hộ cao cấp tăng cao nhất từ 25,2% lên 42,1%. Đây là dấu hiệu lệch pha cung cầu và cũng là dấu hiệu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững, không đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người dân có thu nhập thấp và trung bình.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Nhiều dự án đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, dẫn đến tình trạng xử lý hồ sơ còn chậm của một số cơ quan quản lý nhà nước.

Do đó UBND TP HCM cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhằm tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường, trong đó có các doanh nghiệp BĐS để làm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ các hoạt động đầu tư, xây dựng và kinh doanh BĐS.

Hàng loạt dự án bất động sản TP HCM sắp được gỡ rối (Ảnh minh họa)

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng nêu hàng loạt khó khăn cần tháo gỡ để khơi thông thị trường. Trong đó, để thị trường BĐS tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, phân khúc căn hộ bình dân đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận khách hàng có thu nhập thấp và trung bình phải được tập trung đầu tư và phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là phát triển nhà ở xã hội.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành đề xuất, để khơi thông sự bế tắc của thị trường BĐS, chỉ cần làm nhanh thủ tục pháp lý cho dự án, thúc đẩy nguồn cung, cân đối lệch pha cung cầu như hiện nay.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, thời gian qua các dự án BĐS triển khai rất chậm. Việc chậm trễ này doanh nghiệp cùng chia sẻ với TPHCM, bởi thực tế vừa qua do công tác thanh kiểm tra, kiểm toán TPHCM phải làm việc rất nhiều, riêng Thanh tra Chính phủ thanh tra 164 dự án, khi thanh tra dự án phải dừng lại. Việc dừng lại ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.

TPHCM lấy mốc đến ngày 15/4 giải quyết cho xong, tránh mất thời gian, lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp BĐS.

Trên cơ sở những kiến nghị của HoREA, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình sắp xếp lịch để lãnh đạo các sở trong khối đô thị làm việc với Hiệp hội Bất động sản TPHCM nhằm giải quyết các vấn đề về mặt cơ chế, chính sách và báo cáo cho Thường trực Ủy ban.

Với từng trường hợp cụ thể, ông Phong chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp cung cấp đầy đủ thông tin để xử lý. Cái nào thuộc thẩm quyền TPHCM thì giải quyết ngay, cái nào cần xin ý kiến Trung ương thì mong doanh nghiệp phối hợp cùng tìm cách xử lý.

“Chúng ta cố gắng lấy mốc đến ngày 15/4 giải quyết cho xong, tránh mất thời gian lãng phí. Cần phải tiếp tục gặp gỡ các doanh nghiệp, đưa ra chính sách cụ thể để người ta quan tâm. Chính sách không cụ thể, điều kiện không thông thoáng thì không ai đầu tư. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ những thủ tục và những gì đã trao đổi, cam kết với doanh nghiệp thì phải quyết liệt xử lý, làm đến nơi đến chốn”, ông Phong chỉ đạo.

Thị trường nhà ở Hà Nội có triển vọng phục hồi tích cực

Theo Reatimes, từ 2015 đến 2020, thị trường Nhà ở Hà Nội trải qua 2 giai đoạn chính với những biến động mạnh mẽ.

Theo các chuyên gia, với những dấu hiệu tích cực trong 6 tháng cuối năm 2020 và diễn biến mới trong quý I/2021, năm nay được kỳ vọng là giai đoạn thị trường phục hồi, đồng thời tiếp tục phụ thuộc nhiều vào các khách hàng trong nước.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thêm, Quản lý Kinh doanh, Bộ phận Kinh doanh Nhà ở Quốc tế, Savills Hà Nội đánh giá, nhìn chung, thị trường nhà ở ghi nhận sự bùng nổ về nguồn cung tại tất cả các khu vực của Hà Nội trong 5 năm vừa qua. Đáng chú ý, khu vực phía Tây Hà Nội thường chiếm tỉ lệ khoảng 60 - 70% toàn nguồn cung thị trường. Đây là khu vực năng động và tập trung đến 60% các cao ốc văn phòng của Hà Nội. Phía Đông cũng ghi nhận sự trỗi dậy mạnh mẽ trong năm 2019 và 2020 khi thị trường đón nhận một số dự án lớn. Khu vực trung tâm với quỹ đất đã cạn kiệt, chiếm tỷ trọng không đáng kể trong nguồn cung.

Thị trường nhà ở Hà Nội có triển vọng phục hồi tích cực sau nhiều biến cố

Bên cạnh đó, ông Thêm cho rằng thị trường nhà ở tại Hà Nội có thể chia làm 2 giai đoạn chính: Giai đoạn đầu tiên kéo dài từ năm 2015 đến cuối 2018, thị trường đã có sự phục hồi mạnh mẽ trên tất cả các phân khúc và các loại hình sản phẩm nhà ở, đặc biệt với thị trường nhà ở thấp tầng với các sản phẩm có thương hiệu (branded residence). Sức hấp thụ trong giai đoạn này rất khả quan về cả giao dịch của khách Việt Nam và khách nước ngoài.

Giai đoạn hai có thể tính từ năm 2019 đến 2020, thị trường bắt đầu trầm lắng, nguồn cung hạn chế, chính sách tài chính thắt chặt và đặc biệt là sự tác động của dịch Covid-19 vào đầu năm 2020 đã gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Nhu cầu nhà ở và số lượng giao dịch của thị trường bị ảnh hưởng rõ rệt bởi đại dịch. Một loạt hệ lụy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và đến tất cả các ngành bao gồm cả bất động sản.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này đánh gía, nhu cầu nhà ở bị dồn nén trong 6 tháng đầu năm, thúc đẩy hoạt động thị trường trong 6 tháng cuối năm. Nguồn cầu trong nước duy trì ổn định hơn, đặc biệt với căn hộ bình dân. Các chủ đầu tư bắt đầu tập trung vào khu vực ngoại thành và các tỉnh lân cận.

Các rào cản pháp lý đang được tháo gỡ cùng với thực tế đã có tình trạng khan hiếm nguồn cung sơ cấp tại một số thị trường khiến các cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra các giải pháp tháo gỡ trong năm 2020, được đánh giá là sẽ giảm thiểu bớt khả năng này trong năm 2021. Giá cả các phân khúc bất động sản trong năm 2021 sẽ thuận lợi cho các dự án ở đô thị. Nhìn chung sẽ khó có biến động lớn cho thị trường căn hộ”.

Ông Thêm bổ sung: “Việc phục hồi đồng bộ của tất cả các ngành nghề kinh doanh trên cả nước sẽ giải bài toán về việc làm, thu nhập và chất lượng sống của người dân. Từ đó cải thiện nhu cầu nhà ở. Thị trường nhà ở trong năm 2021 sẽ phụ thuộc nhiều vào thị trường khách hàng trong nước cho mục đích để ở hoặc sử dụng."

Đáng chú ý, đánh giá về xu hướng phát triển các dự án đại đô thị hiện nay, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội chia sẻ: “Trong xu hướng phát triển dự án của các đại đô thị hiện nay, các chủ đầu tư cần chú trọng hơn tới kế hoạch phát triển tổng thể với phương án quy hoạch bài bản cho các tiện ích, dịch vụ nội khu, đa dạng về các sản phẩm nhà ở và thương mại như: trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại,… Tất cả để nhằm mục đích kiến tạo môi trường sống đầy đủ tiện nghi cho cộng đồng dân cư. Hiện, thị trường đã quan tâm hơn tới các yếu tố về sống “xanh” như sức khỏe, môi trường sống, chất lượng không khí và thuận tiện di chuyển. Do đó, chủ đầu tư cần tạo ra được một môi trường sống khác biệt để có thể tạo nên sức hút cho dự án.

Tại nhiều đô thị lớn trên thế giới, ví dụ như London, phần lớn dân số sinh sống khá xa trung tâm và di chuyển chủ yếu bằng các phương tiện công cộng tới trung tâm thành phố. Vậy nên các chủ đầu tư cũng cần quan tâm tới phát triển cơ sở hạ tầng nội - ngoại khu, tạo điều kiện tốt nhất cho dân cư thuận tiện di chuyển bằng phương tiện cá nhân hoặc công cộng”./.

Cò đất tung tin tạo sốt ảo ở Đà Nẵng

Theo Nguoilaodong, mới đây UBND TP Đà Nẵng đã ra thông báo bác bỏ thông tin địa phương này sẽ tăng giá đất. Theo UBND TP Đà Nẵng, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng bảng giá đất phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.

Kể từ sau Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, tại một số khu đô thị ở Đà Nẵng, nhiều sàn giao dịch bất động sản (BĐS) đua nhau mở cửa trở lại. Một số nhân viên môi giới, cò đất cũng đồng loạt tung thông tin đất nền Đà Nẵng "nóng" trở lại để thu hút khách hàng. 

Đáng chú ý, nơi được giới cò đất nhắm đến để tạo sóng chủ yếu là các khu đô thị phía Nam Đà Nẵng như Hòa Xuân, Hòa Quý, FPT, Phước Lý, Hòa Liên... Giá đất ở những khu này được "cò" tung giá cao hơn so với thời điểm trước Tết nguyên đán từ 100 đến 200 triệu đồng tùy vào vị trí. Cụ thể, những lô đất khoảng 100 m2 ở Hòa Xuân được "cò" rao bán với giá tầm 2,7 - 3 tỉ đồng/lô. Một số lô đất ở khu đô thị Phước Lý được rao bán khoảng 1,9 - 2,3 tỉ đồng.

Cò đất tung tin tạo sốt ảo ở Đà Nẵng

Cụ thể, chị Ng.Th.N (nhân viên sale của một công ty BĐS ở Đà Nẵng) khẳng định những thông tin sốt đất do một số người vẽ ra là hoàn toàn không có thật. Bởi từ trước Tết đến nay, thị trường BĐS Đà Nẵng gần như đóng băng hoàn toàn. Chị cùng nhiều đồng nghiệp không bán được lô đất nào trong suốt thời gian từ đợt dịch Covid-19 hồi tháng 7 năm ngoái đến nay. "Giá đất thì từ sau các đợt Covid-19 đã giảm so với trước khoảng 20%-30%. Gần đây, một số sàn chủ động giảm nhẹ thêm nhưng vẫn không thu hút được người mua" - chị N. cho hay.

Cũng theo chị N., những người có nhu cầu mua đất thực sự hầu hết đều nói giá đất hiện tại vẫn còn cao quá. Bên cạnh đó, năm 2020, thu nhập của nhiều người dân bị ảnh hưởng nên chưa thể mua đất để kiếm lời như trước được. Còn với các nhà đầu tư, việc bỏ tiền mua đất thời điểm này lại bị cho là mạo hiểm. Chính vì thế mà theo chị N., việc sốt đất trong thời điểm này là không có.

Công an TP HCM tìm nạn nhân của nhiều dự án ma

Theo Diễn đàn doanh nghiệp, công an TP HCM vừa thông báo tìm nhóm khách hàng bị Trương Thanh Phong và đồng phạm chiếm đoạt tiền thông qua việc ký kết các hợp đồng góp vốn, đặt cọc chuyển nhượng đất nền tại các dự án ma. 

Cụ thể, nhóm đối tượng này đã lập các dự án không có thật, sau đó phân lô bán nền trên đất chưa được chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Thủ đoạn của các đối tượng này là thuê công ty đo vẽ sơ đồ phân lô thành nhiều nền đất, thuê công ty môi giới tìm kiếm khách hàng, quảng cáo gian dối, sau đó ký hợp đồng góp vốn, đặt cọc chuyển nhượng và chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Công an TP HCM tìm nạn nhân của nhiều dự án ma (Ảnh:Plo)

Một số dự án ma do nhóm đối tượng này lập ra gồm: Dự án khu dân cư Bùi Thanh Khiết ở thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh), khu dân cư Gia Phát Riverside (trước đó là Bến Ngọc Riverside) tại xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn), khu dân cư Vạn Phú tại thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh), khu dân cư Võ Trần Chí tại phường Tân Tạo A (quận Bình Tân), khu dân cư Hưng Long tại xã Hưng Long (huyện Bình Chánh).

Trước đó, nhiều người dân tại TP HCM cũng có đơn tố giác về việc CTCP Đầu tư xây dựng và Dịch vụ BĐS Vũ Gia Phát và CTCP BĐS Việt Á Châu có hành vi lừa đảo ký HĐ với nhiều khách hàng chuyển nhượng QSĐ thuộc các dự án có tên gọi là Gia Gia Phát Garden, dự án Khu dân cư New Star, Dragon Center tại huyện Hóc Môn. Cơ quan CSĐT, Công an TP HCM xác định đây là các dự án không có thật nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Tại quận 9, TP HCM, từ thực tế trong 2 năm xảy ra nhiều dự án phân lô, bán nền nằm trên giấy như đường Bưng Ông Thoàn (4 dự án), đường Nguyễn Xiển (3 dự án), đường Nguyễn Thị Tư (2 dự án)… Tại Q.9, còn có 3 công ty lén lút phân lô bán nền và "vẽ" dự án trên giấy cũng bị Phòng Quản lý đô thị quận này tập hợp hồ sơ chuyển cho cơ quan công an.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết các dự án ma được rao bán ồ ạt đến từ việc các đầu nậu, công ty bất động sản làm ăn bất chính. Vì vậy, để tránh sập bẫy dự án ma, khách hàng cần yêu cầu công ty đó cung cấp giấy tờ pháp lý dự án đã đủ điều kiện huy động vốn theo văn bản chấp thuận của Sở Xây dựng, kiểm tra có thế chấp ngân hàng…

"Người mua phải xuống thực tế dự án, đối chiếu với các thông tin quy hoạch, quyền sở hữu để đưa ra quyết định. Xuống thực tế dự án, khách hàng có thể xem chủ đầu tư đã hoàn thành các cơ sở hạ tầng dự án hay chưa và tới chính quyền địa phương để kiểm tra quy hoạch, pháp lý dự án đó" - ông Châu nói.

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, để xảy ra tình trạng dự án ma là do quản lý lỏng lẻo. Người lỡ mua đất nền trong dự án ma thì nên hủy hợp đồng để đòi lại tiền. Nếu bên bán không trả tiền thì làm đơn gửi đến các cơ quan Nhà nước để được kiểm tra, xử lý và khởi kiện ra Tòa.

Văn phòng cho thuê có dấu hiệu khởi sắc

Xu hướng dịch chuyển văn phòng ra ngoài khu trung tâm TP của các nhóm khách thuê đang trở nên dễ dàng và phổ biến hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Họ không còn khắt khe bằng mọi giá tìm văn phòng cao cấp tại khu trung tâm mà sẵn sàng dịch chuyển ra các quận khác vì chi phí mặt bằng hợp lý hơn và có nhiều lựa chọn hơn.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Công ty TNHH V., chuyên kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa đi các nước cho biết,  trước đây ông thuê hẳn 1 tòa nhà 5 tầng ở quận 2 để thuận tiện giao dịch, làm việc tại cảng Cát Lái. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh bị thu hẹp, công ty đã chuyển qua thuê chung văn phòng với một doanh nghiệp khác để tiết kiệm chi phí.

Văn phòng cho thuê có dấu hiệu khởi sắc (Ảnh: Nguoilaodong)

Trên thực tế nhu cầu kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay vẫn ở trạng thái dè chừng, tiết kiệm tối đa chi phí, vì vậy việc thuê mặt bằng, văn phòng để làm việc hay kinh doanh đều có sự cân nhắc, tính toán. Đây chính là cơ hội cho những sản phẩm thuê có giá trung bình và thấp. Với những khu văn phòng cao cấp, mặt bằng đẹp, diện tích lớn gần trung tâm buộc phải giảm giá tối đa mới mong giữ được khách thuê.

Cụ thể, Giám đốc một công ty có tòa nhà cho thuê tại quận 2 cho biết trước đây công ty không có chủ trương cho khách lẻ thuê. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, khách hàng lớn dừng thuê nguyên căn và không tìm được khách mới, ông buộc phải thay đổi. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp tìm đến thuê 1 sàn hoặc một vài phòng, ông đều đồng ý.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty VNO, thừa nhận phân khúc văn phòng giá rẻ đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tin tưởng vào nỗ lực chống dịch của Chính phủ và lãnh đạo TP HCM, vắc-xin Covid-19 đang dần phổ biến nên họ vẫn đua nhau tìm mặt bằng để làm văn phòng hoặc kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh.

"Tuy nhiên, những nhóm khách hàng này thường cần diện tích thuê vừa phải, giá thuê rẻ, chủ yếu tòa nhà hạng C, giá dưới 20 USD/m2 để thăm dò, tiết kiệm chi phí, bởi tiền thuê mặt bằng là chi phí cố định, không thể tốn kém quá nhiều sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp khi kinh doanh gặp khó" - ông Hải nhận xét.

Dữ liệu mới đây từ Bộ phận Nghiên cứu Savills toàn cầu cho thấy thị trường văn phòng, thị trường nhà ở và lĩnh vực hậu cần tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư trong năm 2021. Trong đó, lĩnh vực văn phòng cho thuê sẽ tích cực ngay khi những chương trình liên quan tới vắc-xin Covid-19 được triển khai rộng rãi trên thế giới.

Theo Hải Miên (tổng hợp)/Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/hang-loat-du-an-bat-dong-san-tp-hcm-sap-duoc-go-roi-20201231000001130.html