Theo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi bổ sung vừa được thông qua, sẽ không có sự phân biệt trong văn bằng của các hình thức đào tạo khác nhau ở bậc ĐH.

Cụ thể bằng hệ đào tạo ĐH chính quy có giá trị như bằng tại chức, văn bằng 2, liên thông, từ xa. Việc đưa ra quy định này, sẽ tạo cơ hội cho những học sinh học kém không đủ khả năng thi đỗ ĐH chính quy (đặc biệt là những học sinh con nhà gia thế) theo học. Và cũng có thể sẽ làm mất đi nhiều cơ hội cho những sinh viên giỏi kiếm việc làm sau này.

Chuyện phân biệt văn bằng chứng chỉ và các hệ đào tạo thực sự “nóng” lên khi vài năm trước, một số địa phương nói “không” với người tuyển dụng có bằng hệ tại chức và đào tạo từ xa.

Lý do các địa phương này đưa ra: Người đi học tại chức phần lớn là những học sinh yếu kém không chịu học, không đủ khả năng thi đỗ vào các trường ĐH chính quy nhưng vẫn muốn phát triển bằng con đường công danh sự nghiệp.

khong phan biet van bang lam sao de chat luong khong con venh nhau

Không phân biệt bằng chính quy và tại chức chỉ thực hiện được khi mọi quy trình đào tạo phải giống nhau và có chất lượng như nhau từ tuyển sinh đầu vào đến quản lý đào tạo… (Ảnh: P.T)

Cũng có nhiều lý giải rằng: Không phải ai học tại chức cũng yếu kém, có thể vì những hoàn cảnh riêng, không thể theo được hệ chính quy, họ chọn giải pháp vừa học vừa làm, nhưng có một thực tế không thể không thừa nhận rằng: Đầu vào của hệ tại chức thấp, chất lượng đào tạo lại càng thấp hơn với sự dễ dãi của cả người dạy và người học.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày tại Quốc hội nêu rõ: “Tất cả các yêu cầu về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chuẩn kiến thức kỹ năng, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra... của các chương trình đào tạo cho dù được thực hiện theo loại hình nào đều phải đảm bảo chất lượng như nhau. Khác biệt giữa các loại hình đào tạo chỉ là về thời gian đào tạo và kỹ thuật tổ chức, quản lý đào tạo. Bởi vậy, dự thảo luật quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo khác nhau”.

“Ngoài ra, kết quả học tập tích lũy được trong quá trình đào tạo sẽ được công nhận theo nguyên tắc liên thông, sinh viên không phải học lại phần khối lượng kiến thức đã tích lũy khi chuyển đổi từ hình thức đào tạo này sang hình thức đào tạo khác theo quy chế đào tạo” – ông Phan Thanh Bình giải thích.

Như vậy, nếu các hệ đào tạo thực sự đúng chuẩn chất lượng giống nhau, thì sự “lăn tăn” về việc đào tạo theo hình thức nào rõ ràng không cần thiết nữa. Nhưng để được như vậy, có quá nhiều việc mà các trường phải làm.

Đầu tiên là quản lý nghiêm chất lượng các hình thức: Vừa học vừa làm, đào tạo từ xa, văn bằng hai. Không chỉ nâng cao chất lượng đầu vào, mà còn phải chặt chẽ về chương trình và điều kiện đáp ứng của người học. Đảm bảo tuyển sinh công bằng, nghiêm túc giống như hệ chính quy.

Thứ hai, là chặt chẽ về chỉ tiêu đào tạo. Bởi trước đây có quan niệm, đào tạo tại chức thực ra là hình thức “thu tiền” của các trường, khi học phí đào tạo chính quy khó bù đắp được nhiều hoạt động giảng dạy và đào tạo trong một cơ sở giáo dục ĐH.

Năm học 2014 – 2015, nhiều trường vẫn tuyển được số lượng vừa học vừa làm cao gấp nhiều lần hệ chính quy: Sư phạm Hà Nội tuyển gần 13.400 chỉ tiêu ĐH không chính quy, trong khi chỉ tiêu ĐH chính quy chỉ là 2.120; Viện ĐH Mở Hà Nội tuyển 5.786 chỉ tiêu không chính quy (bao gồm vừa học vừa làm và đào tạo từ xa), 2.314 chính quy; Kinh tế quốc dân tuyển mới 10.100 chỉ tiêu ĐH không chính quy… Đến tháng 12-2015, Bộ GD&ĐT mới ban hành được Thông tư 32, trong đó quy định chỉ tiêu tuyển mới hệ vừa học vừa làm không được vượt quá 30% chỉ tiêu chính quy. Đây là biện pháp “siết” chỉ tiêu để hệ tại chức không như “trăm hoa đua nở” nữa.

Thứ ba là phải đảm bảo thường xuyên kiểm tra và đánh giá chất lượng đầu ra. Vì sao sinh viên chính quy phải đáp ứng các chuẩn đầu ra về ngoại ngữ tin học, chuẩn trình độ khá khắt khe, còn sinh viên các hệ khác lại không bị “ràng buộc” nhiều lắm bởi các chuẩn đầu ra này? Khi chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra còn vênh nhau thì việc xóa nhòa khoảng cách từ một tấm bằng thực sự chưa xóa bỏ được quan niệm xã hội và từ chính các nhà tuyển dụng.

Theo Phó giáo sư Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội: Không phân biệt bằng chính quy và tại chức chỉ thực hiện được khi mọi quy trình đào tạo phải giống nhau và có chất lượng như nhau từ tuyển sinh đầu vào đến quản lý đào tạo, chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, cách thức thi cử, đánh giá.

Tuy nhiên trên thực tế, hai loại hình đào tạo này hiện vẫn có khoảng cách lớn do cách thức tuyển sinh, quản lý đào tạo, quan niệm của xã hội và người sử dụng lao động do thời gian tập trung cho việc học tập, do quan niệm của cả người học (sinh viên) và các cơ sở đào tạo (giảng viên và cán bộ quản lý).

 

Theo Phan Thủy/phapluatxahoi.vn